Trong thời gian vừa qua thể thao Việt Nam đã có đến hàng chục trường hợp vi phạm quy định về sử dụng chất cấm trong tập luyện, thi đấu. Điểm chung của những vụ doping nổi tiếng tại Việt Nam là đội ngũ quản lý (trung tâm thể dục thể thao, bộ môn, liên đoàn, HLV) đều có cảnh báo và luôn nhắc nhở VĐV "phải giữ mình", thế nhưng không ít người trong cuộc đã tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định của các bác sĩ.
Theo các nhà quản lý, nhà chuyên môn thể thao các VĐV Việt Nam bị phát hiện dính doping là do sử dụng thực phẩm chức năng có nguồn gốc trôi nổi, thành phần không được kiểm định hoặc thiếu đối chiếu với danh mục các chất cấm được Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) cập nhật mỗi hai tuần lễ một lần, so với trước đây là một năm một lần.
Lấy mẫu xét nghiệm doping tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022. (Ảnh: MAI HOÀNG)
Tổng thư ký một liên đoàn thể thao cho hay không chỉ nguy cơ từ thực phẩm chức năng, các VĐV còn có thể dính chất cấm do dùng thực phẩm chế biến sẵn ngoài thị trường, chẳng hạn như các thức ăn có thịt động vật mà nguồn gốc có thể từ những nơi chăn nuôi có sử dụng "chất tạo nạc"!
Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Nguyễn Văn Phú cho biết, các VĐV đội tuyển quốc gia thường xuyên được khuyến cáo thận trọng khi sử dụng thuốc hay các sản phẩm dinh dưỡng, tốt nhất cần hỏi ý kiến đội ngũ y tế phụ trách đội tuyển trước khi dùng.
"Bản đồ doping" ở thể thao Việt Nam hiện trải rộng đến rất nhiều bộ môn, từ chỗ tưởng chừng "vô nhiễm" như thể dục dụng cụ, bắn súng, bắn cung cho đến những môn đòi hỏi sức mạnh và sức bền như bóng đá, xe đạp, đua thuyền, lặn, futsal, thể hình hay cử tạ.
Một VĐV đẳng cấp của nhiều địa phương hiện ngoài khoản thu nhập căn bản từ lương, còn là các khoản thưởng (từ 250 triệu đến trên 300 triệu đồng/năm) nếu có HCV thế giới, hay HCV ở các giải cấp toàn quốc. Do vậy, bên cạnh niềm đam mê đối với bộ môn mình yêu thích, còn là nguồn thu nhập nên các VĐV có thể bất chấp tất cả, kể cả sử dụng doping.
Ở một số bộ môn các VĐV thường sử dụng thuốc hỗ trợ để có thành tích cao. Sau khi kết thúc giải, những VĐV này sẽ đi thử máu, kiểm tra sức khỏe - chủ yếu là gan, thận - để lo "khắc phục hậu quả" của doping.
Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là đến Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32), không lâu sau đó là Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 19), quá trình chuẩn bị, luyện tập của các VĐV thực sự rất quan trọng nhưng làm thế nào để giữ mình, bảo vệ bản thân tốt nhất để sẵn sàng tham gia thi đấu cũng là vấn đề quan trọng không kém. Mong rằng nạn sử dụng chất cấm sẽ được các cơ quan chức năng đặc biệt lưu tâm và có giải pháp quản lý khả thi.