Topenland Bình Định là 1 trong 2 đội đồng ý phương án lùi giải sang đầu năm 2022
Đến nay, nếu tính phương án giải bị dừng lại từ sau vòng 12, việc có xác định các vị trí đầu bảng để tham dự đấu trường châu Á sang năm, rồi có tính suất xuống hạng hay không vẫn còn để ngỏ. Nhưng giới cầu thủ chuẩn bị đối diện với giai đoạn khó khăn nhất về mặt tài chính.
Ở những đội có sự ổn định về tài chính như Topenland Bình Định, Hà Nội, Viettel, HA.GL, B.Bình Dương, CLB TPHCM… thì có thể gặp những dao động nhẹ về quỹ lương cho cầu thủ. Nhưng ở những đội khác vốn chắt chiu nguồn tài trợ thì sẽ có những tính toán nhất định để tìm hướng duy trì ổn định. Trong đó, phương án cắt giảm lương là dễ xảy ra.
Thậm chí tình huống xấu nhất, theo dự đoán của giới chuyên môn thì các đội sẽ bắt đầu tính phương án trước mắt là thanh lý hợp đồng với các cầu thủ có hợp đồng ngắn hạn và không cần thiết giữ lại. Không chỉ ở các đội V-League vốn “khan” về tài chánh mà phần đông đội hạng Nhất sẽ lâm vào cảnh này, bởi đa phần hợp đồng thường tính theo mùa bóng chứ không có nhiều đội ổn định về ngân quỹ để ký hợp đồng 2-3 năm như ở các đội dự V-League.
HAGL và Hà Nội nằm trong nhóm ít đội ổn định về mặt tài chính
Những cầu thủ ở những đội bóng vốn nghèo sẽ lại nghèo hơn. Theo dự kiến thì đến tháng 7 năm sau mùa bóng 2022 mới trở lại. Điều đó có nghĩa, nếu cầu thủ nào bị thanh lý hợp đồng vào thời điểm này, nếu mùa bóng 2021 bị hủy sớm, thì họ sẽ mất hẳn nguồn thu ít nhất là cho đến tháng 4 năm sau, thời điểm mà các đội rậm rịch tái chuẩn bị lực lượng. Khoảng thời gian rất dài đối với họ.
Khó khăn đang chờ đợi giới cầu thủ là rất thực. Dĩ nhiên là không phải cầu thủ nào cũng lo lắng, bởi cũng có nhiều người may mắn ở vào những đội ổn định về tài chính và hợp đồng còn thời hạn thì có thể giữ được mức thu nhập, thậm chí khả năng giảm lương để cùng nhau vượt khó. Phần còn lại sẽ lắm lo toan.