Với điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở vật chất thể thao tốt hơn hẳn Việt Nam, Thái Lan cũng có nền bóng đá phát triển hơn, có thể nói đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Thai-League theo các con số công bố trên truyền thông, cũng bán được bản quyền truyền hình hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Dĩ nhiên, con số này không chỉ nhờ sức hấp dẫn của giải đấu mà theo các phân tích, còn liên quan nhiều yếu tố khác.
Còn nói riêng về mức độ hấp dẫn, thống kê cho thấy Thai-League thậm chí có thể còn phải đứng sau V-League. Đơn cử như theo transfermarkt, trung bình mỗi trận đấu ở Thai-League mùa giải 2018 chỉ có 4.450 CĐV. Con số này tăng lên 5.800 người/trận ở mùa giải 2019 nhưng vẫn còn thấp hơn V-League (trên dưới 7.000 người/trận).
Quảng Nam viết nên câu chuyện thần kỳ với bóng đá Việt Nam bằng chức vô địch V-League 2017
Dù doanh thu tăng lên, nhưng năm 2018 Thai-League vẫn lỗ 192 triệu bath (137 tỷ đồng). Bangkok Post cho biết một thực trạng khác là một nửa doanh thu đổ vào nhóm 3 đội đầu bảng, trong khi phần còn lại chịu lỗ. Hầu hết các đội bóng ở Thai-League đều phụ thuộc mạnh vào các ông bầu và nhà tài trợ. Đây cũng là thực trạng ở V-League hiện nay.
Thiếu sức hút vì không có cạnh tranh
Lý giải cho nguyên nhân các CĐV Thái Lan không mặn mà với Thai-League, Bangkok Post cho rằng điều này bắt nguồn từ sự thiếu cạnh tranh trong cuộc đua vô địch. Cụ thể trừ năm 2019 chức vô địch thuộc về Chiangrai United, 10 mùa giải trước đó cúp vô địch Thai-League chỉ là sự luân phiên giữa Muangthong United, đội bóng của thủ môn Đặng Văn Lâm hiện nay, với Buriram United.
V-League thậm chí kinh khủng hơn khi trong 11 mùa giải vừa qua, 8 mùa liền người được ăn mừng cúp vô địch là bầu Hiển. Xen kẽ đó là 1 năm SLNA đoạt cúp (2011) và Bình Dương được 2 lần. Do không có khả năng cạnh tranh, nhiều đội bóng bị mất động lực đầu tư, kéo theo việc bóng đá Việt Nam về lâu dài trở nên chậm phát triển. Nhiều ông bầu ra đi trong khi V-League không hút được tài trợ.