Gian nan cuộc chiến chống doping

HUY ĐĂNG |

'Công nghệ phòng chống doping đi sau công nghệ doping khoảng 10 năm. Cuộc chiến chống doping vì vậy là một cuộc chiến rất phức tạp' - bác sĩ Vũ Công Lập (nguyên viện trưởng Viện Vật lý y sinh) từng chia sẻ như vậy.

Gian nan cuộc chiến chống doping - Ảnh 1.

Sun Yang là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử chống doping - Ảnh: REUTERS

10 năm hiện cũng là thời hạn do WADA (Cơ quan phòng chống doping thế giới) đặt ra để kiểm tra các mẫu thử của VĐV, nó cho thấy sự phức tạp của quy trình này.

Có khoảng 60% VĐV dự Olympic sử dụng doping. Victor Conte, giám đốc phòng thí nghiệm của BALCO - công ty cung cấp nhiều chất cấm cho các VĐV Mỹ bị phanh phui vào năm 2003

Vì sao là 10 năm?

Tháng 5-2016, làng thể thao thế giới chấn động khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết cuộc tái xét nghiệm (retrospective testing) của họ đã đưa ra kết quả hàng chục VĐV ở Olympic Bắc Kinh 2008 và London 2016 dương tính với chất cấm, trong đó có rất nhiều VĐV giành HCV.

Trong tiến trình tái xét nghiệm kéo dài suốt 1 năm sau đó, tổng số VĐV bị phát hiện "nhúng chàm" ở hai kỳ Olympic này lên đến 225 người (91 ở Bắc Kinh 2008 và 134 ở London 2012).

Đáng nói ở chỗ, chỉ có khoảng 20 VĐV trong số này là cho ra kết quả dương tính ngay sau kỳ Olympic mà họ tham dự, tỉ lệ phát hiện ngay như vậy chỉ là 10%.

Tay vợt lừng danh Andre Agassi (Mỹ) là một cái tên đặc biệt trong lịch sử phòng chống doping. Năm 2010, Agassi tiết lộ rằng anh từng sử dụng chất cấm methamphetamine và bị phát hiện vào năm 1998.

Agassi giải thích anh chỉ vô tình uống phải một loại đồ uống do một thành viên trong đội ngũ của mình đưa cho. Kết quả, Agassi được tha bổng. Hơn 12 năm sau, Agassi bất ngờ thú tội, nhưng thời hạn cho việc truy tố đã hết và anh không chịu bất cứ hình phạt nào.

Từ câu chuyện nổi tiếng của Agassi, WADA quyết định nâng thời hạn tái xét nghiệm các mẫu thử của VĐV lên đến 10 năm và thêm vào đó còn có một số ngoại lệ để trừng phạt các VĐV như trường hợp của tay đua Lance Armstrong.

Những mẫu xét nghiệm của Armstrong được chứng minh dương tính vào năm 2012, khiến anh bị tước sạch mọi danh hiệu từ năm 1998 (tức trước đó 14 năm).

Cơ quan chống doping Mỹ (USADA) lý giải rằng Armstrong đã gian lận trong nhiều năm và các cơ quan có thẩm quyền khác cũng không phản bác lập luận này. Kết quả, Armstrong trở thành VĐV trả giá nặng nề nhất lịch sử thể thao vì doping.

Kình ngư Sun Yang (Trung Quốc) cũng là một trường hợp nổi tiếng trong lịch sử doping. Năm 2014, Sun từng bị cấm thi đấu 3 tháng do dương tính với chất cấm trimetazidine.

Đến năm 2018, Sun được xét nghiệm doping ngay tại nhà riêng và từ chối hợp tác. Anh cho rằng các nhân viên xét nghiệm không hợp lệ và đập vỡ lọ đựng mẫu xét nghiệm của mình, dẫn đến một án cấm thi đấu kéo dài 8 năm.

Muôn hình vạn trạng

Câu chuyện của Armstrong, của Agassi, và của các VĐV ở Olympic 2008 - 2012 lý giải vì sao lại cần thời hạn lâu đến như vậy để lưu giữ các mẫu xét nghiệm.

Ở các giải đấu, nhân viên phòng chống doping tập trung các mẫu thử và đưa về phòng thí nghiệm chống doping do WADA cấp phép. Cần nhiều tháng trời để phân tích các mẫu thử này, và những kết quả dương tính/ âm tính ban đầu cũng chưa nói lên gì nhiều.

Trường hợp của Agassi là ví dụ điển hình, khi anh thoát án phạt nhờ luồn lách giải thích dưới dạng tai nạn. Các quy định phòng chống doping ngày nay chặt chẽ hơn nhiều để loại trừ bớt các trường hợp này, nhưng họ buộc vẫn phải tạo ra luật "miễn trừ do quá trình trị liệu" (therapeutic use exemption).

Có một số chất cấm nằm trong thuốc men mà các VĐV có tình trạng bệnh tật buộc phải sử dụng, và therapeutic use exemption ra đời để nới lỏng các quy định cho những trường hợp này. Nhưng đi kèm đó là vô số vấn đề phát sinh.

Tay vợt nữ Maria Sharapova từng dính bê bối doping vì meldonium - loại thuốc thường được kê toa cho những bệnh nhân tim mạch trước khi bị WADA đưa vào danh sách cấm từ đầu năm 2016.

Sharapova đã sử dụng loại thuốc này suốt 10 năm, và khi bị phát hiện, cô giải thích rằng mình đã quên không cập nhật luật mới.

Những trường hợp liên quan đến therapeutic use exemption có muôn hình vạn trạng như vậy, khiến những nhân viên phòng thí nghiệm chống doping phải làm việc hàng nhiều năm trời để chứng minh rằng ai là người hợp lệ ai không hợp lệ.

Mẫu xét nghiệm cho ra kết quả dương tính là bằng chứng trực tiếp cho thấy VĐV sử dụng doping. Ngoài ra còn có bằng chứng gián tiếp dựa trên hộ chiếu sinh học của VĐV.

Những thông số về máu, nội tiết, steroid của VĐV được lưu trữ lại và sẽ được quan sát trong một thời gian dài. Nếu các nhân viên phòng thí nghiệm nhận thấy dấu hiệu bất thường, cuộc điều tra sẽ lại được khởi động và trên thực tế đã có không ít VĐV bị xử phạt vì bằng chứng gián tiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại