Giải mã hiện tượng khó tin ở các trận đấu của Campuchia

Đoàn Dự |

Hàng vạn NHM kéo tới chật cứng các khán đài bóng đá ở Campuchia, trong khi hàng vạn người khác tập trung bên ngoài và cả triệu người xem trước màn hình tivi...

Điều gì đang xảy ra với bóng đá Campuchia vậy? Và bạn có biết một thực tế là không chỉ bóng đá mà mọi môn thể thao khác tại đất nước này đang thu hút được sự chú ý của rất rất nhiều NHM?

Sự thay đổi trong cách tiếp cận của giới lãnh đạo với thể thao

Ông Hun Sen lên nhậm chức Thủ tướng Campuchia vào năm 1985. Trong 30 năm sau đó giữ vị trí này, ông không thật sự chú tâm đến thế thao. Mức tài trợ của chính phủ rất thấp, cơ sở vật chất tồi tàn và các giải đấu không thu hút được NHM.

Những sự kiện thể thao quốc tế có Campuchia góp mặt cũng rất ít và hầu như không đạt được thành công. Khi Ke Leng đoạt chức vô địch bi sắt thế giới vào năm 2013, nữ VĐV 46 tuổi này về nước mà chẳng nhận được sự chào đón đáng kể nào. Thế nhưng trong 2 năm trở lại đây, thể thao ở Campuchia đã thay đổi hẳn.

Đạt thành tích tương tự vào năm 2015, Ke Leng được chào đón theo nghi lễ quân đội vô cùng trang trọng và nhận những món quà có giá trị 10.000, 40.000 USD từ Thủ tướng Hun Sen.

Từ năm 2015, chính phủ Campuchia đã thừa nhận các thành tựu thể thao như một phần của lịch sử đất nước. Những nhà lãnh đạo muốn sử dụng thể thao để đại diện cho sự thân thiện, hiện đại của đất nước Campuchia.

Giải mã hiện tượng khó tin ở các trận đấu của Campuchia - Ảnh 1.

Ông Hun Sen (số 9) thi đấu bóng đá.

Hiệu quả đến tức thì

Campuchia toàn thua 8 trận gần nhất, tuy nhiên lượng NHM tới sân vẫn rất ổn định và luôn lấp kín các SVĐ.

Theo xu hướng đó, bóng đá là môn được bản thân ông Hun Sen và chính phủ Campuchia chăm chút nhất. Năm 2014, mỗi trận bóng tổ chức ở SVĐ Olympic chỉ thu hút được vài trăm người tới xem, dù giá vé "rẻ như bèo" (500 riel, tương đương 0.12 USD).

Song đến năm 2015, 60.000 chỗ ngồi tại SVĐ này chật kín khi ĐTQG Campuchia lần đầu thi đấu tại vòng loại World Cup và ông Hun Sen thì phát trực tiếp các cuộc chiến trên trang facebook cá nhân của mình.

Thời điểm ấy, NHM Campuchia không chỉ tự hào khi mang trên mình những chiếc áo đấu của các cầu thủ hàng đầu thế giới mà họ còn vinh dự không kém khi mặc áo của cầu thủ trong nước. Rất nhiều người đã mặc áo đấu của Chan Vathanaka, một ngôi sao Campuchia vừa được CLB Nhật Bản, Fujieda MYFC mời gia nhập.

Vào năm ngoái, Campuchia lần đầu tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc. Bản thân ông Hun Sen coi đó là một thành tựu lịch sử. Các VĐV từ mọi miền đất nước được mời về thi đấu ở Phnom Penh trong 2 tuần. Lễ khai mạc giải được tổ chức một cách vô cùng hoành tráng.

"Giải đấu này cũng là một thông điệp chính trị để làm rõ, cho tất cả thấy sự bình an và ổn định của đất nước chúng tôi", Thủ tướng Hun Sen chia sẻ.

Giải mã hiện tượng khó tin ở các trận đấu của Campuchia - Ảnh 3.

Ông Hun Sen (áo đỏ, ở giữa) trong một sự kiện thể thao.

Ông Hun Sen làm thể thao và mọi quan chức Campuchia đều noi theo. Vài tuần sau Thế vận hội quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hang Chuon Naron đã tổ chức một buổi hướng dẫn tập taekwondo rất quy mô. Ông và các quan chức khác mặc võ phục, tập taekwondo trước sự cổ vũ của rất nhiều CĐV cũng như đông đảo giới truyền thông.

"Đôi khi, tôi quên đi mệt mỏi khi có được nhiều NHM cổ vũ đến thế" – tiền đạo Khoun Laboravy.

Hiện, Campuchia đang rất hứng khởi chờ đợi đến lúc là nước đăng cai SEA Games 2023. Đất nước này kỳ vọng đó sẽ là Ngày hội thể thao lớn nhất trong lịch sử của họ.

Một khu phức hợp thể thao đang được xây dựng cho sự kiện này, dự kiến sẽ vô cùng hoành tráng.

Với những hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực thể thao 2 năm qua, đầu năm 2017, ông Hun Sen đã được Ủy ban Olympic quốc tế trao tặng danh hiệu President's Trophy. Theo Thủ tướng Campuchia, đấy là sự thừa nhận mang lại tự hào cho cá nhân ông và đất nước.

"Đấy là thời điểm đáng tự hào đối với tôi, vợ, gia đình, Ủy ban Olympic quốc gia, các VĐV và người dân Campuchia".

NHM đến kín sân cổ vũ Campuchia vs Indonesia (8/6/2017)

Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ, thể thao Campuchia rõ ràng đang cất cánh. Dễ nhận thấy nhất là lượng NHM tới xem tăng, giúp các nguồn thu tăng từ đó có thêm kinh phí để đầu tư vào tập luyện cũng như cơ sở vật chất.

Vấn đề của Campuchia là để phát triển bền vững, đất nước này cần quản lý, tổ chức các sự kiện thể thao thật tốt để tạo các sân chơi an toàn, lành mạnh cho NHM. Song song với đó, Campuchia cũng cần sử dụng nguồn tiền thu được thật tốt để phát triển thực lực của nền thể thao nước nhà.

Thực tế thì ở môn bóng đá, những năm gần đây Campuchia đã không còn là một đối thủ dễ bị bắt nạt tại sân chơi ĐNÁ!

Highlight Campuchia 2-3 Ấn Độ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại