"Tự hào Việt Nam có tên trên bản đồ bóng đá thế giới", HLV Mai Đức Chung nói như vậy khi đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử được xướng tên ở lễ bốc thăm chia bảng World Cup bóng đá nữ. Thực ra không chỉ bóng đá nữ mà bóng đá Việt Nam nói chung, những năm qua, được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.
Bóng đá Việt Nam tạo tiếng vang lớn nhờ các đội tuyển quốc gia.
Xóa định kiến
HLV Jose Mourinho từng vài lần đưa bóng đá Việt Nam vào những câu ví von mang hàm ý không đánh giá cao. Tờ AS của Tây Ban Nha cũng từng chê đội nhà chơi bóng như… đội tuyển Việt Nam khi thua Argentina trong trận giao hữu năm 2010. Bóng đá Việt Nam trong mắt họ là ví dụ minh họa cho tiêu chuẩn thấp nơi vùng trũng của làng túc cầu thế giới. Nhưng, đó là chuyện của quá khứ. Truyền thông quốc tế những năm gần đây nhắc đến bóng đá Việt Nam không ít lần với những dấu ấn đẹp, có lẽ đủ để xóa đi định kiến trước đây.
Ấn tượng đầu tiên vẫn là thành tích. Để được nhắc tên nhiều hơn, bóng đá Việt Nam phải xuất hiện nhiều hơn và có sự thăng tiến ở những giải đấu quốc tế. Các đội tuyển quốc gia những năm qua đã làm rất tốt điều này.
Không chỉ góp mặt thường xuyên ở đấu trường châu Á, bóng đá Việt Nam đã có đại diện giành quyền dự World Cup, tính đến nay là 4 lần. Trong đó, riêng đội tuyển futsal 2 lần (2016, 2021), còn lại là U20 Việt Nam (2017) và đội tuyển nữ (2023).
Chưa đến được với đấu trường thế giới (World Cup, Olympic) nhưng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam cũng tạo ra được tiếng vang ở tầm châu lục, với những hành trình được ví như câu chuyện cổ tích.
Dẫu vậy, thành tích cũng là một phần. Dấu ấn bóng đá Việt Nam được truyền thông quốc tế nhắc đến không chỉ bằng những câu chuyện trên sân đấu.
Tháng 5/2020, khi bóng đá thế giới quen dần với những trận đấu không khán giả vì dịch COVID-19, sân Thiên Trường mở cửa đón 30.000 cổ động viên lấp đầy khán đài. Cũng chính sân đấu này khiến truyền thông khu vực và các đoàn thể thao dự SEA Games 31 ngỡ ngàng với những khán đài cuồng nhiệt kể cả khi đội chủ nhà - U23 Việt Nam - không thi đấu.
Trong một khảo sát mới đây được công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện - theo ủy quyền của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), Việt Nam là quốc gia "cuồng" bóng đá nhất châu Á. Tỷ lệ quan tâm bóng đá (trên tổng số người tham gia khảo sát) ở Việt Nam lên tới 75%.
Bóng đá Việt Nam không còn là ví dụ cho tiêu chuẩn thấp ở vùng trũng mà trở thành hình mẫu của nền bóng đá đang lên với hàng triệu người hâm mộ biết cách thể hiện tình yêu cuồng nhiệt của mình.
Bên cạnh thành tích của đội tuyển, tình yêu của người hâm mộ cũng là dấu ấn đẹp của bóng đá Việt Nam.
Thời cơ của bóng đá Việt Nam
Xóa đi định kiến và xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế cũng mở ra cho bóng đá Việt Nam cơ hội “vàng”. Những ấn tượng đẹp mà bóng đá Việt Nam tạo ra là lời giới thiệu đầy sức hút. Song song tiếng vang lớn mà các đội tuyển quốc gia tạo ra ở đấu trường quốc tế, bóng đá Việt Nam cũng tăng cường xây dựng, củng cố mối quan hệ với đối tác nước ngoài.
Cách đây 2 tháng, người hâm mộ vui mừng khi Borussia Dortmund thông báo chuyến du đấu tại Việt Nam vào cuối tháng 11. Đội bóng Đức không thể đưa đến Hà Nội đầy đủ dàn sao, do đội hình của họ có nhiều cầu thủ phải phục vụ đội tuyển dự World Cup. Nhưng dẫu sao, Dortmund vẫn là tên tuổi lớn. Kể từ lần gần nhất một CLB nổi tiếng thế giới đến Việt Nam du đấu - Arsenal năm 2013 - đến nay đã là gần một thập kỷ.
Tạm bỏ qua yếu tố quảng bá, trận đấu này là cơ hội cọ xát quan trọng của đội tuyển Việt Nam trước khi bước vào chiến dịch quan trọng là AFF Cup 2022. Rõ ràng là kể cả với đội hình phụ, chất lượng của các cầu thủ Dortmund vẫn ở chuẩn cao của bóng đá châu Âu.
LĐBĐ Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế trong những năm gần đây.
Trước đó, tháng 7/2022, đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên được mời thi đấu giao hữu với một đối thủ thuộc top 5 thế giới - đội tuyển Pháp. Cũng trong chuyến đi đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thiết lập bước đầu tiên trong việc xây dựng quan hệ hợp tác với Liên đoàn Bóng đá Pháp.
Đó là 2 trong số những ví dụ tiêu biểu nhất cho thấy thành tích và dấu ấn đẹp ở đấu trường quốc tế mở ra những cơ hội cho bóng đá Việt Nam.
Mặt khác, những cái bắt tay với đối tác ở Đức, Pháp cũng hứa hẹn hướng đi đáng kỳ vọng của VFF trong việc kết nối với những nền bóng đá hàng đầu châu Âu để học hỏi. Đó không chỉ là những chuyến tập huấn của đội tuyển quốc gia mà quan trọng hơn cả là những chương trình hợp tác dài hạn trong lĩnh vực nền móng cho sự phát triển bền vững.