Tháng 7/2018, Facebook chính thức đạt thỏa thuận mua bản quyền phát sóng giải Ngoại Hạng Anh tại 4 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Ngay lập tức, các đài truyền hình trong khu vực cảm nhận được mối đe dọa mới đến từ "kẻ ngoại đạo".
Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VnPayTV) đã có những phản ứng đầu tiên để bảo vệ quyền lợi của chính mình trên sân nhà. Trong khi đó ở Thái Lan, truyền thông xứ chùa vàng cũng đang lo lắng rằng nước đi mang tính đột phá này của Facebook sẽ khiến các đài truyền hình đánh mất vị thế vốn có.
Mối đe dọa cho các đài truyền hình
Từ "sốc" được tờ Bangkok Post sử dụng để bình luận về bản hợp đồng tiêu tốn 200 triệu Bảng Anh (tương đương hơn 60 ngàn tỷ đồng) của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Tờ báo hàng đầu Thái Lan dẫn lời các chuyên gia truyền thông cho rằng việc đó không chỉ tác động tới cuộc chiến bản quyền truyền hình thể thao mà sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp truyền hình nước này.
"Rõ ràng là Facebook sẽ đánh bại truyền hình kỹ thuật số và truyền hình trả tiền khi giành được quyền phát sóng các trận đấu bóng đá được quan tâm nhiều nhất", ông Mana Treelayapewat, Trưởng khoa Nghệ thuật truyền thông của Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) bình luận. Tuy nhiên đó chưa phải là điều đáng lo nhất.
Facebook phát sóng Ngoại Hạng Anh đầy đủ 380 trận mỗi mùa từ năm 2019.
Facebook không phải "kẻ ngoại đạo" duy nhất tỏ rõ ý định lấn sân sang lĩnh vực truyền hình. Google, với công cụ mạnh nhất là YouTube, sẵn sàng nhập cuộc để làm đối trọng.
Đó là chưa kể tới Amazon với bản quyền phát sóng 20 trận đấu Ngoại Hạng Anh mỗi mùa giải ngay tại thị trường Anh, nơi mà trước đây chỉ có Sky Sports và BT Sports phân chia miếng bánh béo bở có giá trị tăng phi mã qua từng năm.
Sự lấn sân của các "ông lớn" công nghệ với những nền tảng ứng dụng Internet có tầm ảnh hưởng cực lớn chắc chắn là mối đe dọa đối với các đài truyền hình, không chỉ ở Thái Lan. Truyền hình kỹ thuật số, truyền hình trả tiền tạm thời vẫn giữ được vị thế của mình, nhưng điều đó có thể sẽ không kéo dài lâu khi các đối tượng khách hàng của họ sẽ chuyển dần sang Facebook.
Việc Facebook giành được bản quyền phát sóng bóng đá hay các loại hình giải trí khác có thể không ảnh hưởng nhiều đến quy mô người dùng vốn đã quá lớn của mạng xã hội này, nhưng sẽ làm thay đổi đáng kể thói quen xem truyền hình của khán giả.
Điều này dẫn tới một hệ quả là các đối tác quảng cáo cũng phải điều chỉnh chiến lược, cách phân phối chi phí cho các loại hình truyền thông.
"Nhà đầu tư sẽ rời bỏ truyền hình truyền thống vì nền tảng Internet có thể cung cấp dữ liệu chính xác hơn trong việc phân tích thị trường và các số liệu thống kê", ông Treelayapewat nói trên Bangkok Post.
Tham vọng của Facebook
Không chỉ đe dọa vị thế của các công ty truyền hình, việc giành quyền phát sóng Ngoại Hạng Anh còn được coi là bàn đạp để Facebook tự biến mình thành một đài truyền hình kiểu mới.
"Facebook chắc chắn sẽ trở thành đơn vị truyền hình số một Thái Lan trong tương lai, trong khi các công ty truyền hình kỹ thuật số bị biến thành công cụ sản xuất nội dung", chuyên gia truyền thông Time Chuastapanasiri dự đoán. Facebook Live ra đời năm 2015 chính là bước khởi đầu và bản quyền phát sóng Ngoại Hạng Anh là cú hích cho tham vọng của mạng xã hội này.
Trước khi tham gia cuộc chiến bản quyền giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, Facebook đã thử nghiệm với một số giải đấu thể thao khác như cricket, bóng chày.
Theo ông Siwwat Chawareewong, Giám đốc điều hành công ty truyền thông quảng cáo Group M, chiến lược này của Facebook không có gì bất ngờ. Trong cộng đồng người dùng với quy mô khổng lồ của Facebook, thể thao là một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Một lý do khác khiến Facebook chọn thể thao nói chung và bóng đá nói riêng để làm bàn đạp là nền tảng trực tuyến của lĩnh vực này chưa có "ông trùm" nào cả. Các đài truyền hình mới đẩy mạnh mặt trận OTT trong vài năm gần đây, Amazon chỉ nhập cuộc trước Facebook một năm trong khi Netflix thì không có ý định dồn lực cho thể thao.
Chuyên gia truyền thông Jarit Sidhu của công ty nghiên cứu IDC Thái Lan cho rằng Facebook có thể sẽ hướng tới việc tự sản xuất nội dung, bắt đầu từ bóng đá trước khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
Nếu điều đó xảy ra, Facebook sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp truyền hình theo chiều hướng mà ở đó mạng xã hội này lật đổ các đài truyền hình để chiếm vị thế "ông trùm".