img

Chỉ mất chưa đầy 1 tiếng đồng hồ để chạy quãng đường từ Bến Tre về Rạch Miễu, nhưng đến trạm thu phí BOT Rạch Miễu, hàng chục chiếc xe bắt đầu chững lại. Người tài xế hạ cửa xe, vươn tay đưa lên cabin thu phí một vài tờ tiền. Bình thường, nhân viên ngồi trong cabin sẽ nhanh tay ghi vé, xé roẹt, và barie mở ra, chiếc xe chậm rãi di chuyển tiếp.

Tuy nhiên, một sự cố nào đó đã xảy ra, xe chưa thể đi được. Đoàn tài xế đằng sau bắt đầu la ó, tức giận, loay hoay chuyển hướng. Có những thời điểm, hàng dài tài xế bị tắc tại trạm thu phí này hàng tiếng đồng hồ.

Đó là quang cảnh có thể thấy ở nhiều trạm thu phí giao thông tại Việt Nam - điều mà nhiều người nước ngoài khi chứng kiến đều không khỏi ngạc nhiên với thao tác ghi phiếu thủ công, những tưởng chỉ có ở thập kỷ trước. Nhưng sắp tới, vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để.

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 1.

Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, yêu cầu đến "hạn chót" 31/12/2020, hệ thống thu phí tự động không dừng phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với văn bản khắc phục những vướng mắc trong việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng đó thì giai đoạn 2 của dự án được giao cho Tập đoàn Viettel.

Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Viettel đã nhanh chóng phối hợp với các nhà đầu tư BOT triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Cục Đường bộ. Chỉ 6 tháng sau, vào ngày 29/12, hệ thống thu phí tự động không dừng có tên gọi ePass đã chính thức khai trương.

Viettel bước chân vào lĩnh vực này trong bối cảnh hoạt động thu phí tự động tại Việt Nam đối mặt với nhiều bất cập và tắc nghẽn.

VETC - đơn vị đã triển khai dịch vụ từ năm 2015, cho đến năm 2020 mới có 1 triệu thẻ thu phí tự động, chiếm 25% tổng số lượng xe toàn quốc. Đáng nói, tỷ lệ tài nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ đạt 30%.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT từng cho biết, trong giai đoạn 1 của dự án, có thời điểm nhà đầu tư đứng trước nguy cơ vỡ nợ do số lượng người dùng ít nên doanh thu không đủ chi phí, liên tục lỗ. Ngân hàng tài trợ vốn thấy thiếu tính khả thi và dừng giải ngân, khiến nhà đầu tư đã xin trả lại dự án.

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 2.

Bên cạnh vấn đề tài chính, nhiều nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho sự kém hấp dẫn của thu phí tự động không dừng đối với các nhà đầu tư, một trong số đó là việc các thiết bị thông minh hỗ trợ cho người tham gia giao thông chưa được ứng dụng nhiều, các vấn đề về thanh toán trực tuyến chưa được giải quyết. Và lý do lớn hơn là thói quen sử dụng tiền mặt của tài xế cùng với sự nhận thức chưa đầy đủ của các bên về tác dụng của thu phí tự động không dừng.

Tuy nhiên, thu phí tự động không dừng là một dự án quan trọng và cần thiết để thúc đẩy xã hội số ở Việt Nam. Từng phải lùi hạn chót hoàn thành dự án đến 1 năm, trong Quyết định số 19, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định sự quyết liệt.

Khi nhiệm vụ được đặt lên vai Viettel, Tập đoàn này cũng xác định có thể mất 27 năm mới hoàn vốn. Tuy nhiên, ông Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: "Viettel xác định tham gia không phải vì mục tiêu kinh doanh mà nhằm thực hiện sứ mệnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động được Chính phủ, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó". Đó cũng là trách nhiệm của một Tập đoàn trụ cột quốc gia.

Ông Dũng khẳng định, kể từ khi Viettel tuyên bố sứ mệnh của mình là tiên phong và chủ lực xây dựng xã hội số Việt Nam thì chuyển đổi số giao thông là một trong các lĩnh vực đầu tiên Viettel xác định phải đầu tư.

Nếu ví đất nước là một cơ thể thì giao thông là huyết mạch. Khi huyết mạch thông, cơ thể khỏe mạnh. Nếu tắc, sẽ có đủ vấn đề xảy ra. Còn đối với mỗi cá nhân điều khiển phương tiện giao thông, nếu như chỉ việc "băng băng" đi qua các cửa ngõ thay vì mất cả chục phút, họ đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, sức khỏe, nhiên liệu… cũng như hao phí phương tiện.

Tóm lại, khi giao thông trở nên thông suốt thì tai nạn, ùn tắc hay ô nhiễm môi trường do khí thải sẽ được giảm thiểu. Đồng thời, hiệu quả vận chuyển, lưu thông hàng hóa được tăng cao, tạo điều kiện cho việc hạ giá thành sản phẩm, đem đến những lợi ích kinh tế to lớn.

Vai trò của thu phí tự động không dừng đối với giao thông là như vậy nhưng phải đến bây giờ, các vướng mắc mới được tháo gỡ phần lớn.

Ông Lê Đăng Dũng kể lại: "Khi chúng tôi triển khai dự án, khó khăn nhất là đàm phán với các nhà đầu tư BOT để họ chấp nhận sẵn sàng chuyển từ thu phí thủ công sang thu phí không dừng, "bắt tay" với Viettel để triển khai hệ thống. Đến giờ phút này, chúng tôi cũng đã cơ bản hoàn thành triển khai trên 35 trạm".

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 4.

Giờ đây, chỉ với một tấm thẻ ePass dán trên xe, tài xế có thể sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng tại 100% các trạm thu phí có triển khai dịch vụ trên toàn quốc. Với sức mạnh công nghệ từ Viettel, VDTC hiện là đơn vị duy nhất ở Việt Nam triển khai hệ thống nhận diện, phát hiện xe thế hệ mới, nhận diện biển số xe đạt 99,8%, vượt KPI của Bộ giao thông vận tải.

Đồng thời, vấn đề thanh toán được giải quyết khi linh hoạt hơn theo nhiều hình thức như trả trước, trừ tiền trực tiếp khi qua trạm... từ nhiều ứng dụng thanh toán điện tử: Viettel Pay, Momo, 40 ngân hàng nội địa, VISA...

Sự kiện khai trương ngày 29/12 đánh dấu việc Viettel đã hoàn thành dự án đúng thời hạn so với yêu cầu của Thủ tướng chính phủ cùng con số ấn tượng: Tăng trưởng hơn 80% so với số lượng trạm thu phí không dừng thực hiện trong 4 năm trước đó.

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 5.

Tại các trạm, Viettel đã đưa vào công nghệ hiện đại nhất theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển trên thế giới như: công nghệ nhận diện hình ảnh quang học (OCR), giúp cho việc đăng ký sử dụng dịch vụ của khách hàng chỉ tốn khoảng 3 phút. Hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) do Viettel tự nghiên cứu phát triển, giúp cho thời gian lưu thông xe qua trạm giảm 60 lần so với thời gian trả phí bằng tiền mặt. Đặc biệt, giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với ViettelPay giúp khách hàng không cần nạp tiền vào tài khoản giao thông.


ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 6.

Được biết, dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 được ký kết hợp đồng vào đầu tháng 7/2020. 6 tháng sau, Viettel hoàn thành triển khai xây dựng, cải tạo hạ tầng, lắp đặt thiết bị và kết nối backend tại 25/33 trạm trong phạm vi dự án và 10/10 trạm ngoài dự án. Sẵn sàng để kết nối với dự án BOO1 từ ngày 20/09, tuy nhiên đến 24/12, sau rất nhiều nỗ lực đàm phán, VDTC mới chính thức kết nối được với dự án BOO1 để khách hàng của ePass có thể sử dụng được dịch vụ trên tất cả các trạm thu phí tự động trên toàn quốc.

Hiện tại, hệ thống thu phí không dừng được áp dụng với tất cả các làn xe qua trạm thu phí. Tuy nhiên, cần thời gian để những người lái xe dán thẻ ePass nên các nhà quản lý vẫn để một làn hỗn hợp còn thu vé.  

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 7.

Theo ông Lê Đăng Dũng, Viettel đã được hỗ trợ rất lớn từ Bộ Giao thông vận tải trong việc đàm phán với các chủ đầu tư BOT.

Nhưng quan trọng nhất là văn hóa thần tốc của Viettel - vốn đã trở thành "huyền thoại". Nó xuất phát từ tinh thần quyết liệt, luôn hướng tới xử lý mọi vấn đề một cách triệt để. Sự thần tốc cũng được tạo ra nhờ Viettel sở hữu những lợi thế không phải doanh nghiệp nào cũng có. Đó là mạng lưới viễn thông phủ khắp đất nước, là sức mạnh công nghệ hàng đầu và đội ngũ nhân sự hùng hậu trên tất cả các địa bàn từ thành phố, đô thị đến vùng sâu, vùng xa.

Nói riêng về sức mạnh công nghệ, Viettel là doanh nghiệp dẫn đầu chuyển đổi số tại Việt Nam. Hiện nay, đây là tập đoàn thuần Việt sở hữu hệ sinh thái số lớn nhất, bao trùm từ viễn thông, logistics, thương mại điện tử, ngân hàng số… cho đến giáo dục, giải trí. Ở tầm vĩ mô, Viettel đã tạo ra các hệ thống để xây dựng Chính phủ không giấy tờ, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, công nghiệp quốc phòng và nhiều dịch vụ công điện tử khác.

HỆ SINH THÁI GIAO THÔNG THÔNG MINH VIETTEL

Được biết, khi được chính thức giao nhiệm vụ triển khai giai đoạn 2 thu phí tự động không dừng, Viettel đã huy động toàn bộ hệ sinh thái của mình vào cuộc. Công ty cổ phần Giao thông số VDTC chịu trách nhiệm chính, các cơ quan của tập đoàn chịu trách nhiệm về thủ tục tài chính, pháp lý, mua sắm hàng hóa, thiết bị đúng thủ tục qui định trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, Tổng Công ty công trình Viettel xây dựng hạ tầng, khảo sát lắp đặt thiết bị. Tổng Công ty dịch vụ số Viettel liên thông với các ngân hàng cung cấp một giải pháp thanh toán thuận tiện cho những người tham gia giao thông. Công ty an ninh mạng Viettel cung cấp các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn bộ hệ thống. Tổng công ty mạng lưới Viettel có nhiệm vụ đảm bảo hạ tầng viễn thông kết nối thông suốt và đồng bộ…

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 9.

Tập đoàn cũng xác định rất rõ các mục tiêu hướng tới. Thứ nhất, giúp người lái xe thuận tiện trong lưu thông. Thứ hai, minh bạch trong mọi hoạt động khi mọi xe qua trạm đều được kiểm soát bởi hệ thống công nghệ tự động. Thứ ba, giảm số lượng lớn nhân công tại các trạm thu phí. Khi đã xác định rõ mục tiêu cụ thể, văn hóa của Viettel được phát huy triệt để và tạo ra những con số thần tốc như trên.

Tại lễ khai trương, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng tự hào cho biết: "Chúng ta đã có hệ thống thu phí tự động không dừng trên khắp đất nước về đích đúng thời hạn mà Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu. Tôi xin được chúc mừng tất cả chúng ta, nhờ nỗ lực không ngừng, đã đạt được những thành quả bước đầu trên hành trình chuyển đổi số ngành giao thông, xây dựng ngành giao thông thông minh hướng tới mục tiêu hình thành xã hội số ở Việt Nam vào năm 2025". 

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 10.

Đây là cảnh tượng diễn ra tại một thành phố có giao thông thông minh: Khi người lái vận hành một chiếc ô tô, tất cả các quy trình từ đỗ xe, trả phí cho đến cảnh báo, hỗ trợ xử lý vi phạm… đều được xử lý tự động. Hệ thống điều khiển giao thông bao gồm camera giám sát, đèn báo hiệu, hệ thống điều hành đều được tự động hoá hoàn toàn. Sẽ không có những nguồn lực dư thừa, những sai sót thủ công hay những vấn đề tiêu cực.

Nhìn ra xa hơn, sau này, vẫn với một tài khoản như vậy, các lái xe sẽ được hưởng nhiều dịch vụ hơn nữa. Ví dụ, khi các thành phố lớn thu phí vào nội đô như ở nước ngoài, hệ thống sẽ tự động báo cho người lái xe biết đã bước vào khu vực thu phí hay chưa? Việc đỗ xe ở các điểm có tính phí theo thời gian cũng sẽ được hệ thống tính toán, tự thu phí. Hệ thống giao thông thông minh cũng sẽ trợ giúp lái xe nhận biết các điểm đổ xăng, điểm sửa chữa ở gần. Ngay cả giải quyết vấn đề va chạm, tai nạn giao thông, sự cố giao thông thì hệ thống cũng sẽ tự động báo cho lực lượng chức năng ứng cứu, xử lý.

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 11.

Như vậy, hệ thống giao thông thông minh không chỉ tiện ích đối với người tham gia giao thông mà còn giúp ích rất nhiều cho các công ty vận tải, các lực lượng chức năng quản lý, điều hành giao thông và các nhà cung cấp dịch vụ giao thông khác.

Nhìn ra thế giới, nhiều nước phát triển đã xây dựng và triển khai giao thông thông minh. Họ đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng.

Chính phủ Mỹ hướng đến các con số: Giảm 5000-7000 người chết mỗi năm vì tai nạn giao thông, tiết kiệm ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm nhờ cải thiện thông tin, quản lý hệ thống và ngăn chặn ùn tắc. Giao thông thông minh cũng được kỳ vọng sẽ tiết kiệm ít nhất 1 triệu gallon nhiên liệu mỗi năm và giảm thiểu lượng khí thải tương ứng.

Xây dựng giao thông thông minh từ sớm, Nhật Bản kỳ vọng: Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông bằng không, không còn ùn tắc giao thông. Không chỉ vậy, họ còn hướng tới việc thương mại hóa hệ thống định vị, biến giao thông trở thành một trải nghiệm thú vị trong một "vùng giao thông tiện lợi", trong đó có sự triển khai của các dự án "thành phố thông minh" trên toàn quốc, thúc đẩy việc sử dụng đa dạng mục đích của thẻ thu phí tự động không dừng và hệ thống thông tin ùn tắc giao thông.

"Khi đặt tên là Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam thì mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là xây dựng hệ thống giao thông thông minh chứ không chỉ dừng lại ở thu phí không dừng. Sau khi triển khai, hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng, chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi tiếp theo để xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên toàn lãnh thổ" – Ông Dũng khẳng định.

Đối với bất cứ quốc gia nào đang có khát vọng phát triển, việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng là điều đầu tiên được thực hiện. Có thể dễ dàng thấy rằng, đường giao thông được mở đến đâu thì kinh tế - xã hội phát triển đến đó. Những đất nước có hệ thống giao thông càng tốt, đảm bảo cho xe lưu thông với tốc độ cao, thông suốt, hiệu quả thì nền kinh tế lại càng phát triển.

Chính vì thế, giao thông thông minh là xương sống để Việt Nam nhanh chóng sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.

ePass - tấm thẻ nhỏ, trách nhiệm lớn của Viettel với xã hội - Ảnh 12.

Theo mục tiêu, VDTC sẽ đưa mật độ thâm nhập dịch vụ từ 26% lên 65%, giúp Việt Nam lọt top 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện dán thẻ thu phí tự động cao nhất trong khu vực, sau 3 đến 5 năm, thay đổi vị thế của giao thông Việt Nam trên bản đồ thế giới.

"Chúng tôi tin rằng bên cạnh đường bộ, Việt Nam sẽ còn có các hệ thống giao thông thông minh đường sắt, hàng hải, đường thủy nội bộ và hàng không trong thời gian tới. Tôi cũng tin rằng trong một ngày không xa sẽ xóa bỏ hoàn toàn giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động GTVT. Lúc đó nền kinh tế vận tải được vận hành chủ yếu trên phương thức số, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực vận tải, khi ấy mọi người dân tham gia giao thông sẽ được phục vụ một cách chính xác, thông minh và hiệu quả." – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng kết luận.  

VyVy
Theo Trí Thức Trẻ