img

à quốc gia đầu tiên hứng chịu đại dịch, Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng giải pháp cung cấp lương thực tức thời hiệu quả, không để xảy ra khủng hoảng.

Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, các biện pháp phòng dịch như phong tỏa toàn thành phố và hạn chế đi lại đã khiến hoạt động sản xuất thực phẩm tươi sống cũng như chuỗi cung ứng có nguy cơ bị gián đoạn cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cung cấp thực phẩm địa phương.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 2.


Khi TP Vũ Hán - Trung Quốc bị phong tỏa do dịch Covid-19 hồi tháng 1-2020, khoảng 11 triệu cư dân địa phương phải đối mặt với một số thách thức cơ bản, bao gồm tìm kiếm thực phẩm. Mỗi người chỉ được phép rời khỏi nhà 1 lần mỗi 3 ngày. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khiến cho việc mua sắm hàng tạp hoá đơn giản hay ăn uống ở bên ngoài trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 3.

Phong tỏa và lấy mẫu xét nghiệm tại Vũ Hán đầu năm 2020 - Ảnh: NDTV

Trên mạng xã hội Weibo xuất hiện nhiều phàn nàn của cư dân Vũ Hán như khó mua được rau củ quả, giá các loại thực phẩm khác "hơi đắt"… Một sinh viên ở Vũ Hán tên Xingxing Yin cho biết: "Tôi thường đặt giao thực phẩm thường xuyên nhưng khi đó phải giới hạn còn 4 lần/tuần để tránh tiếp xúc với nhân viên giao hàng".

Trước thách thức nêu trên, công ty giao thực phẩm nhanh hàng đầu của Trung Quốc là Meituan đã điều chỉnh công nghệ để phục vụ 440 triệu khách hàng của họ. Công ty với 700.000 nhân viên giao hàng hằng ngày này tận dụng mạng lưới rộng lớn và công nghệ để hỗ trợ Vũ Hán cũng như tỉnh Hồ Bắc. Mỗi ngày, Meituan trao 1.000 suất ăn miễn phí cho nhân viên y tế ở Vũ Hán cùng thực phẩm tươi. Những thùng thực phẩm được lắp đặt tại các bệnh viện. Sau đó, tài xế bỏ thực phẩm vào đây để nhân viên y tế mở khoá lấy ra bằng mã QR, hạn chế tiếp xúc giữa người với người.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 5.

TP Vũ Hán vắng lặng như tờ hồi tháng 1-2020 - Ảnh: REUTERS

Bên cạnh việc dự trữ thực phẩm, cư dân Vũ Hán tìm đến dịch vụ giao thức ăn mua theo nhóm. Đây là cách giúp họ nhận được nhiều thực phẩm hơn. Các siêu thị và cửa hàng tạp hóa thiết lập dịch vụ mua theo nhóm trên ứng dụng WeChat. Một số cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề mua thịt, rau củ quả và sữa. Một phụ nữ ở Vũ Hán cho biết gói gồm 5 loại rau củ quả, trong đó có khoai tây và bắp cải, giá 50 nhân dân tệ (7,11 USD). Cô không thể chọn loại rau mình thích như trước đây.

Một số quận ở Vũ Hán thậm chí đề ra quy định đối với dịch vụ giao hàng nhóm, cấm siêu thị bán cho cá nhân và buộc phải mua hàng tạp hóa số lượng lớn theo nhóm. Trong khi một siêu thị yêu cầu tối thiểu 30 đơn hàng mới bán, một cửa hàng khác chỉ cho phép 1.000 đơn giao hàng mỗi ngày.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 6.

Công nhân và tình nguyện viên sắp xếp và đóng gói hàng tạp hóa từ một siêu thị ở Vũ Hán - Ảnh: REUTERS

Để tránh xảy ra tình trạng thiếu lương thực, chính phủ Trung Quốc rất chú trọng tới các biện pháp an ninh lương thực, trong đó một yếu tố quan trọng là hệ thống cửa hàng thực phẩm đô thị đa dạng. Dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy chợ thực phẩm trực tuyến do khu vực tư nhân điều hành, được gọi là "kinh doanh bán lẻ mới". Ước tính những người dưới 25 tuổi mua thực phẩm tươi từ chợ trực tuyến đã tăng vọt hơn 250% và khách hàng trên 55 tuổi tăng gần 400% trong thời gian phong tỏa. Một số chợ thực phẩm trực tuyến phổ biến ghi nhận mức tăng doanh số 470% so với năm trước.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 7.

Một nhân viên giao thực phẩm ở TP Thượng Hải - Ảnh: THE PAPER

Thành công của chợ thực phẩm trực tuyến tại Trung Quốc là nhờ chính phủ triển khai chính sách an ninh lương thực đô thị dài hạn gọi là "Chương trình giỏ rau". Nó được đề xuất vào năm 1988, trong đó bắt buộc các lãnh đạo thành phố phải cung cấp, đảm bảo khả năng chi trả và an toàn thực phẩm không phải ngũ cốc, đặc biệt là thực phẩm tươi và thịt. Vũ Hán, tâm điểm của dịch Covid-19 năm ngoái, nằm trong số 35 thành phố lớn khác được chính phủ đánh giá trực tiếp 2 năm 1 lần về thực hiện "Chương trình giỏ rau".

Chính quyền địa phương đặt mục tiêu cụ thể về tỉ lệ tự túc các loại thực phẩm khác nhau. Chẳng hạn TP Nam Kinh với dân số 8 triệu người đặt mục tiêu tự túc 90% lượng rau trong giai đoạn 2008-2012. Những mục tiêu sản xuất thực phẩm "cây nhà lá vườn" này đi kèm với biện pháp bảo vệ đất nông nghiệp nghiêm ngặt.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 8.

Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán được cho là nơi phát tán dịch Covid-19 - Ảnh: BLOOMBERG

An ninh lương thực ở Trung Quốc còn được củng cố bởi hệ thống dự trữ thực phẩm. Bắc Kinh từ lâu vận hành hệ thống mua ngũ cốc và thịt lợn với giá tối thiểu để tung ra thị trường trong trường hợp thiếu lương thực và tăng giá. Năm 2018, tổng trữ lượng ngũ cốc của Trung Quốc ước tính đạt khoảng 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì và 8 triệu tấn đậu nành. Các khu bảo tồn ngũ cốc khẩn cấp đảm bảo nguồn cung cấp ngũ cốc tinh chế trong 10-15 ngày tại các thành phố lớn.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 9.


Các bí quyết để "sống sót" qua dịch bệnh của Trung Quốc được chính nước này tổng kết như sau:

Phối hợp đồng bộ

Trước hết, quản trị hiệu quả là yếu tố then chốt để đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Ngay khi bùng dịch, chính quyền thành lập cơ chế phòng ngừa và kiểm soát tổng thể, điều phối các nhóm công tác khác nhau liên quan đến 32 bộ phận ban ngành. Bộ Nông nghiệp và các vấn đề Nông thôn (MARA) dẫn đầu công tác đảm bảo sản xuất và cung ứng lương thực thông qua việc hướng dẫn và phối hợp các biện pháp nhiều cấp độ để hỗ trợ toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 10.

Một tài xế nhận thực phẩm mang đi qua cửa sổ của một nhà hàng ở Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

Lộ trình ưu tiên

Song song đó, chính quyền Trung Quốc cũng thiết lập nguyên tắc cơ bản về việc giám sát chặt chẽ, phân tích linh hoạt và đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể ở từng địa phương. Quan trọng không kém là phải đảm bảo việc vận chuyển thuận lợi, cụ thể là xây dựng "lộ trình riêng" cho phép các phương tiện chở nông sản di chuyển nhanh chóng và miễn phí với điều kiện có giấy chứng nhận do chính quyền tỉnh cấp. Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc có nhiệm vụ báo cáo về giá lương thực và điều kiện cung ứng trên thị trường mỗi ngày trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 11.

Nhân viên giao hàng của Công ty JD bốc dỡ hàng tại Bắc Kinh Ảnh: REUTERS

Phối hợp công tư

Để giảm thiểu tác động tiêu cực trong phân phối và bán hàng nông sản, chính phủ đã hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội kỹ thuật liên quan và các doanh nghiệp thương mại điện tử, thành lập hệ thống dịch vụ và các nền tảng chung đa dạng. Các doanh nghiệp lớn cũng hỗ trợ những nông dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bằng cách thu mua quy mô lớn các sản phẩm không tiêu thụ được, đồng thời thiết lập các kênh phân phối số hàng này.

Ứng dụng công nghệ

Đổi mới luôn là "chìa khóa" để đối phó với những tình huống và thách thức mới. Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và cho thấy hiệu quả trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ nông dân sản xuất thông qua các kênh trực tuyến như livestream các khóa đào tạo và trao đổi trên mạng xã hội. Các nền tảng bán hàng nông sản trực tuyến được tăng cường, nông dân và cán bộ chính quyền địa phương tham gia livestream để bán sản phẩm địa phương.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 12.

Một cư dân sử dụng điện thoại di động để thanh toán số rau quả củ đã mua thông qua đơn đặt hàng theo nhóm ở Vũ Hán, Hồ Bắc ngày 21-2-2020 - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, người tiêu dùng cũng hình thành thói quen đặt hàng thực phẩm tươi sống trực tuyến và nhận hàng tại nhà. Chính phủ Trung Quốc cũng đang phát triển các chương trình hỗ trợ chuỗi kho lạnh và hậu cần nhằm tạo điều kiện cho bán nông sản trực tuyến. Trong kế hoạch sau khủng hoảng đại dịch, Trung Quốc còn số hoá trong việc quản lý các chợ đầu mối, nhằm tăng cường liên kết thành thị - nông thôn và tối ưu hóa chuỗi cung ứng thực phẩm.

Chia sẻ lao động

Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tạo ra mô hình "chia sẻ lao động" để giảm bớt tình trạng thiếu nguồn lực giao hàng, bằng cách thuê nhân viên từ các ngành dịch vụ ăn uống và bán lẻ đang tạm thời "nhàn rỗi" vì lệnh phong toả. Nỗ lực này không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn có tiềm năng phát triển và ứng dụng trong tương lai. Cụ thể, lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương tham gia mô hình "chia sẻ lao động chung" có thể được huy động và thuê ngay lập tức trong các lĩnh vực có nhu cầu cao khi xảy ra những trường hợp khẩn cấp như đại dịch Covid-19.

[eMagazine] Thế giới sống chung giãn cách xã hội do Covid-19 thế nào? - Ảnh 13.
Xuân Mai - Phạm Nghĩa - Lê Duy