Tuổi 30 rực rỡ của Dương Thúy Vi
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN trong Lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, Dương Thúy Vi khẳng định: “Ở SEA Games 32 hay ở bất kỳ giải đấu nào, mục tiêu của tôi là khi bước ra sàn thi đấu là không có điểm trừ nào tới khi kết thúc phần thi”.
Tấm HCV ở nội dung thương thuật + kiếm thuật là minh chứng rõ nhất cho lời khẳng định của Dương Thúy Vi trước khi SEA Games 32 tranh tài. Vận động viên sinh năm 1993 tiếp tục không có đối thủ ở nội dung sở trường của mình. Cô giành số điểm cao nhất ở cả 2 nội dung thi và ẵm tấm HCV SEA Games một cách thuyết phục.
Dương Thúy Vi chia sẻ: “Ở SEA Games năm nay, Ban tổ chức tính tổng hai nội dung để trao huy chương khiến tôi mệt hơn, căng thẳng hơn. Sau bài thương thuật, tôi tập trung cho bài thi kiếm thuật. Tôi cảm thấy nhẹ người khi bài thi của mình không mắc lỗi. Khi không bị điểm trừ là tôi xác định mình đã xong việc”.
Tấm HCV của Dương Thúy Vi tại SEA Games 32 càng trở nên ý nghĩa hơn, khi đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 30. Đồng thời, nó cũng đánh dấu chặng đường tròn 10 năm Vi bước lên đỉnh Đông Nam Á. Dương Thúy Vi cho biết: “Tôi rất vui khi giành HCV trong ngày sinh nhật thứ 30 của mình. Tôi giành tấm HCV đầu tiên ở SEA Games 2013 khi mới 20 tuổi, đến giờ là tròn 10 năm”.
Tre già nhưng măng chưa mọc
Dương Thúy Vi giành tấm HCV ở SEA Games 32 là điều đáng mừng cho cá nhân vận động viên sinh năm 1993 cũng như Đoàn Thể thao Việt Nam. Bởi cô đã thể hiện được đẳng cấp, duy trì được phong độ đỉnh cao trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, đằng sau tấm HCV trên đất Campuchia của Vi là vấn đề cần suy ngẫm với Wushu Việt Nam nói riêng và các môn thể thao khác nói chung.
Dương Thúy Vi luôn là người lãnh trọng trách giành HCV cho thể thao Việt Nam ở các sân chơi (Ảnh: Dương Thuật).
Nếu theo dõi thể thao thành tích cao, người hâm mộ có thể thấy, Dương Thúy Vi luôn là niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam ở các sân chơi không chỉ ở SEA Games. Những gì mà Vi thể hiện kể từ khi thi đấu đỉnh cao chưa bao giờ làm người hâm mộ thất vọng. Thậm chí, rất nhiều lần Dương Thúy Vi là người mở hàng HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, Dương Thúy Vi năm nay đã 30 tuổi, độ tuổi mà đa số người ở môn thể thao này đã chuyển sang công tác huấn luyện, nhưng vì nhiệm vụ, niềm đam mê và trách nhiệm, Dương Thúy Vi vẫn ra sân thi đấu.
Tại SEA Games 32, ở nội dung mà Dương Thúy Vi tranh tài có một vận động viên khác của Việt Nam là Nguyễn Thị Hiền, nhưng thành tích của Hiền chỉ đứng thứ 4 chung cuộc. Nếu tính riêng phần thương thuật, Nguyễn Thị Hiền chỉ đạt 8.856 điểm, đứng cuối trong số các vận động viên tranh tài.
Nhìn Dương Thúy Vi sau khi hoàn thành phần thi của đã nán lại để hỗ trợ, động viên tinh thần cho Nguyễn Thị Hiền thi đấu mới thấy khoảng trống của Wushu Việt Nam sau vận động viên sinh năm 1993 là quá lớn.
Người xưa có câu "tre già măng mọc" nhưng trên thực tế, không chỉ riêng Wushu mà nhiều môn thể thao ở Việt Nam vẫn xuất hiện trường hợp "tre đã già, nhưng măng chưa mọc". Sau những Dương Thúy Vi, Hoàng Phương Giang (Wushu), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) chúng ta đang đỏ mắt tìm người kế cận./.