Người nhập vai quá tốt
Ở U.23 Việt Nam, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa bị “chê” và trêu là “người ăn… tham nhất”. Phía sau câu chuyện về đĩa thức ăn đầy của “cánh tay nối dài” của HLV Park Hang-seo này, đó là sự hy sinh của nghề.
Thông thường, các thành viên Ban huấn luyện bao giờ cũng ăn sau và nhường cầu thủ lấy đồ ăn trước, thế nhưng, với trợ lý Huy Khoa thì không. Bao giờ anh cũng là người xuống phòng ăn sớm nhất. Chọn đĩa to nhất, “chất” thức ăn nhiều nhất và anh ăn cật lực, không cần quan sát hay quan tâm đến người bên cạnh cũng như những ánh mắt tò mò lẫn thắc mắc.
Ban đầu, cả đội đều ngạc nhiên trước “văn hóa tự nhiên” của người phiên dịch. Thế nhưng, khi biết chuyện, tất cả mới ngã ngửa và học được bài học về sự chuyên nghiệp. Bởi, với nhiệm vụ của một “cây cầu nối” ngôn ngữ cho ông Park với cả đội, anh Khoa là người duy nhất không được ăn suốt cả bữa vì không có thời gian.
Hết người này đến người khác cần thông tin, trao đổi và xử lý công việc nên việc của người trợ lý này là dịch. Thế nên phải ăn trước, ăn đủ để khi cả đội ngồi ăn thì anh Khoa… nói hộ cả HLV trưởng lẫn 2 trợ lý người Hàn.
“Tình huống bóng trên sân rất nhanh, liên tục và HLV đứng ngoài đưa ra các yêu cầu xử lý tình huống từ sút, rê bóng hay phối hợp, cầm bóng… Gần như cùng lúc với mệnh lệnh phát ra từ coach trưởng, phiên dịch phải hô to để cầu thủ kịp xử lý trong đầu rồi thực hiện động tác với bóng.
Thế nên, ngoài việc “nảy số” cực nhanh, anh Khoa phải làm việc như máy với tốc độ cực nhanh lại ở cường độ cao liên tục. Ngoài kỹ năng, kiến thức, hiểu biết còn là sự tinh nhạy và khả năng đoán ý, đọc được ý đồ của HLV trưởng - nhắc đến trợ lý ngôn ngữ Huy Khoa - người được xem là ”cánh tay nối dài” của ông Park - một trợ lý chia sẻ.
Chuyên gia hàng đầu về tiếng Hàn, hiểu biết với cảm nhận rất hay về bóng đá, là bạn thân của Công Phượng, Huy Khoa dịch, truyền tải ý của HLV Park Hang-seo tốt đến mức nhiều khi ông thầy này cũng quên mất Huy Khoa là người Việt nói tiếng Hàn.
Còn anh Khoa thì nhiều khi cũng quên mất mình, cứ chủ động hiểu, đoán ý rồi dịch theo cảm nhận để “bắn vèo vèo” do không theo nổi tốc độ nói của ông Park, khi cuốn theo bài tập.
Với các ĐTQG dưới thời thầy ngoại bao năm nay, việc tìm trợ lý “hợp cạ” với HLV trưởng khó, có được đội ngũ hỗ trợ lo những việc không tên như các bác sỹ, chuyên gia thể lực, hậu cần khó, nhưng khó nhất vẫn luôn là phiên dịch.
Bởi không chỉ giỏi ngôn ngữ, phiên dịch cho HLV ngoại cần phải hiểu biết về bóng đá, có sự cảm nhận về tính cách, tư duy bóng đá cũng như con người để chuyển tải đầy đủ thông tin, ý đồ, bên cạnh kỹ năng xử lý tình huống bởi không phải cái gì cũng dịch nguyên nghĩa như máy.
Thế nên với trợ lý Huy Khoa, HLV Park Hang-seo cũng như Ban huấn luyện, các cầu thủ đều nói lời cảm ơn.
Bởi nếu không có “cây cầu nối” này thì quá trình hòa nhập, bắt tay vào việc của ông thầy người Hàn Quốc không thể trơn tru như thế, nhất là khi ông Park cũng nói giọng địa phương khó nghe. Và nhiều việc ở U.23 Việt Nam sẽ gay go to, do những khác biệt lẫn cái khó trong văn hóa, cách nghĩ...
Có 1 điểm đặc biệt ở trợ lý Huy Khoa được quan chức VFF cũng như các thành viên U.23 Việt Nam đánh giá rất cao, đó là khả năng “nhập vai”. Không chỉ phiên dịch đơn thuần, anh Khoa còn có sự đồng cảm và tìm ra được thứ ngôn ngữ chung với ông Park. Chưa trợ lý ngôn ngữ nào dịch cảm xúc như chuyên gia ngôn ngữ này.
Diễn biến tâm lý, cảm xúc của ông thầy trong tập luyện, lúc thi đấu và kể cả những thời điểm chính “đứng hình”, anh Khoa đều có thể truyền tải gần như trọn vẹn. Từ vui buồn đến cáu giận rồi cách diễn tả, nét mặt đến cảm xúc trong ngữ điệu và thần thái…, bởi “nhập vai” quá ngọt của “cánh tay nối dài” này, các cầu thủ cũng dễ nhập tâm để lĩnh hội tốt.
Và “bộ não” của thầy Park
“Thành công của U.23 Việt Nam có đóng góp lớn của anh Lee cũng như các cộng sự trong BHL” - HLV Park Hang-seo nói lời cảm ơn khi nhắc đến các trợ lý.
“Nếu đến dẫn dắt 1 CLB Việt Nam, tôi sẽ không mời anh ấy đi theo, nhưng với ĐTQG thì áp lực rất lớn, thế nên tôi cần”, ông Park nhấn mạnh đến nhân vật đặc biệt trong BHL U.23 Việt Nam, người ông trực tiếp yêu cầu VFF để đưa sang Việt Nam cùng. Ông thầy này không ngại chia sẻ, cựu tuyển thủ Hàn Quốc từng có 2 kỳ dự World Cup này chính là người đưa ra những lời khuyên ở thời điểm căng thẳng, khó khăn và buộc phải đưa ra quyết định.
Trong đó những điều khác biệt đến đặc biệt trong quyết định sử dụng nhân sự, chọn đấu pháp rồi xoay chuyển trong trận đấu để thay đổi tình thế, “độc và lạ” nhất của HLV Park Hang-seo tại hành trình kỳ lạ ở VCK U.23 Châu Á là dùng những cầu thủ chỉ “sử dụng 1 lần”, bên cạnh những lựa chọn bất ngờ nhưng hiệu quả như Đức Huy, Xuân Mạnh, Văn Đức.
Nếu như ở chung kết là tiền vệ trụ Tiến Dụng thì ở bán kết là “chìa khóa” Hồng Duy khi lần đầu tiên được vào sân và ngay lập tức xé nát cánh trái của U.23 Qatar, chuyền cho Quang Hải gỡ hòa 1-1 trước khi cầm hòa 2-2 sau 90 phút rồi bất phân thắng bại trong hiệp phụ và vào chung kết sau loạt luân lưu cân não.
Còn ở tứ kết vượt qua U.23 Iraq, đó là trung vệ Thành Chung khi vào thay Duy Mạnh bị đau và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Lee là người chuẩn bị các kịch bản cần thiết nhất cho mỗi trận đấu và cũng là người đưa ra lời khuyên cho tôi ở những thời khắc quyết định”, HLV Park Hang-seo thú nhận và ca ngợi người trợ lý vốn là “cạ cứng” từ thời còn chơi bóng.
Cũng không ngạc nhiên, khi không chỉ các thành viên U.23 Việt Nam mà những tuyển thủ QG như Văn Quyết, Thanh Trung cũng nhắc đến vai trò, tầm quan trọng của “người hùng giấu mặt” trợ lý Lee Young-jin.
Kín tiếng và kín kẽ trên sân tập, trong thi đấu lẫn ngoài sân, chuyên gia này khá bí hiểm và chỉ biết, ngoài việc thay HLV trưởng trong các bài tập, Lee Young-jin còn là người phân tích đối thủ, đề ra chiến lược và chuẩn bị các phương án, tình huống dự kiến có thể xuất hiện trong từng trận đấu để đưa ra đề xuất quyết định cho ông Park. Và ngày “ca khúc khải hoàn”, thuyền trưởng của U.23 Việt Nam tự hào khi giới thiệu người trợ lý với tư cách “bộ não” của mình.
Huy Khoa tốt nghiệp chương trình ngôn ngữ tại ĐH Yonsei (Hàn Quốc), có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh và từng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.
Là người thành lập và làm hiệu trưởng trường Hàn ngữ, ngoài việc trực tiếp giảng dạy còn viết, dịch sách, từ điển Việt - Hàn, anh còn là phiên dịch viên cao cấp tiếng Hàn trong các cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc. Từng dạy ở Pleiku, yêu bóng đá, chơi thân với Công Phượng, thầy giáo Huy Khoa đăng ký thi tuyển rồi được trước tiếp HLV Park Hang-seo chọn.