"Nói chuyện yêu hả? Nói chi giờ?", người đàn ông (chồng Nini An) có vẻ e ngại.
"Thì mấy người yêu tui hay không yêu tui thì mấy người cứ nói thôi", Nini An - "ngôi sao" của đoàn lô tô Hoàng Anh nói.
"Mấy người" của An nghe mọi người trong đoàn kể là người nói nhiều, vậy mà ngồi trước máy quay, Công ngại. Chỉ khi nhắc đến chuyện tình yêu, anh mới chắc chắn khi nói về hai từ "duyên nợ".
Đối với Công, cả hai sinh ra là để dành cho nhau. Thế nên, khi An chưa chuyển giới, họ đã quyết định dọn về sống chung một nhà. Điều đáng mừng là cha mẹ hai bên chấp nhận mối quan hệ này khá dễ dàng, mẹ Công còn thương An hết mực. Song, người trong nhà thì dễ, bước ra trước cổng đã thấy điều tiếng bủa vây.
Nhiều người hỏi Công, sao không lấy vợ là phụ nữ mà đi lấy pê đê chi vậy? Lần nào cũng thế, anh trả lời "đã thương rồi thì thương thôi". Vui với câu trả lời của chồng nhưng An cũng chạnh lòng lắm. Là phụ nữ thật hay người chuyển giới, ai cũng chỉ muốn có được hạnh phúc. Người ta nói nhiều nhưng An không quen được, bữa nào giận chồng, cô lại đuổi, lại kêu anh đi tìm phụ nữ thật mà yêu. Còn anh thì mặc kệ, ai nói gì nói vẫn một lòng một dạ.
Đừng nói mẹ con là Pê đê
Ngày biết An có ý định chuyển giới để tìm lại với chính mình, Công ủng hộ, dù lúc ấy anh chẳng biết đến bao giờ mới có nổi số tiền mổ khổng lồ. Rồi hai người cùng làm, cùng chắt chiu từng đồng một. Ngày An bước lên bàn mổ, Công không thể theo cùng bởi làm gì có tiền mà đi chung. Ở nhà, anh lo lắng, chẳng dám đi đâu, chỉ chăm chăm đợi điện thoại của vợ. Những ngày sau đó, nằm bên vợ, nghe cô kêu đau, anh xót nhưng cũng chỉ biết động viên thôi.
Trong cuộc trò chuyện, nghe An nói Công ghen lắm, còn Công thì xua tay quầy quậy. Anh nói, vợ anh làm nghề này tức là người của công chúng, khán giả xem xong tới hỏi han là chuyện thường. Nhưng có nhiều người cứ thích đụng chạm vào người An một cách thô bạo làm cô đau, mỗi lần như thế anh bực lắm vì anh biết cơ thể vợ mình không giống như những người khác.
Trong câu chuyện, Công gọi An là "nó", nghe vậy cô tỏ ý không hài lòng. "Mai mốt gọi là bà xã nghen, sao lại gọi là nó, tui không thích đâu", An quay sang hờn giận.
Đó, tình yêu của họ hơn chục năm rồi vẫn ngọt ngào như thế. Hồi chưa có con, hai vợ chồng cứ nay đây mai đó, theo đoàn này đoàn kia đi hát, đi làm cùng nhau. Hỏi Công có thấy cuộc sống bấp bênh không, anh nói không. Vì đi đâu cũng có nhau nên đối với anh ở đâu cũng được, chỉ thấy vui chứ chẳng thấy mất mát gì.
Ở thời điểm hiện tại, hỏi họ có hạnh phúc không, cả hai chẳng hề suy nghĩ mà trả lời rằng: "Có". Nhưng dường như An không dám chắc lắm về tương lai, về người đàn ông sẽ gắn bó suốt cả cuộc đời, có lúc cô vẫn mông lung: "Không biết em và chồng sẽ có duyên tới bao lâu..."
An đã từng nghĩ tới một gia đình có đầy đủ các thành viên, thế nên trước khi định mệnh đưa bé Như Ý đến với cô, An đã thử đi xin con nuôi ở vài ba nơi nhưng không thành. Cũng không biết là vì người ta nghĩ cô không phải là phụ nữ thật hay bởi cái duyên chưa đến. Chỉ đến khi mẹ gần lìa xa cõi tạm, ông trời mới gieo duyên cho cô và con gái sau này.
An nhớ, ngày ấy mẹ cô bệnh nặng lắm. Sợ mẹ không qua khỏi, có lúc cô đã cầu xin trời đất hãy lấy một phần số tuổi của mình cho mẹ, để khi mẹ mất cô cũng được đi chung. "Chứ mẹ mất mà con còn ở trên đời này, con không sống được. Hoặc nếu con mà mất trước mẹ, để mẹ đau lòng con cũng không chịu được", An rớt nước mắt.
Trong những ngày gần đất xa trời ấy, khi nghe người ta nói với nhau ở bệnh viện có gia đình muốn cho hai đứa trẻ, mẹ nói với "thằng út" của mẹ xuống đó mà xin con để sau này có người hương khói. Và An nhận nuôi một bé gái. Cô còn nhớ, ngày vào khoe với mẹ, dặn mẹ nhanh khỏi để về với cháu ngoại, bà còn lắc đầu: "Không, cháu nội".
Đó cũng là khoảnh khắc An nhận ra vì thương cô sinh ra không giống người ta, mẹ đã chấp nhận để cô sống với những gì cô mong muốn nhưng trong thâm tâm, bà vẫn thấy đau lòng, vẫn muốn con mình là một đứa con trai "tròn vành rõ chữ".
Sau đó, bà trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện mà chưa một lần được nhìn thấy đứa cháu nội, chỉ có chút yên lòng vì con mình sau này sẽ có người hương khói.
Những ngày đầu tiên làm mẹ với An rất khó, cô chẳng có kinh nghiệm gì cả, cũng chẳng có sữa cho con. "Làm như không được uống sữa mẹ nên con em hay quên lắm", cô buồn. Đã thế, sức khỏe Như Ý lại kém, con hay bệnh. Mỗi ngày chỉ ăn được vài thìa cơm, ăn nhiều là ói, phần lớn chỉ uống sữa. Nhiều bữa con sốt, nằm bên cạnh ôm con mà nước mắt cô chảy dài. Đó là những giọt nước mắt của lo lắng, của bất lực khi không biết phải làm như thế nào mới đúng, con mới khỏe mạnh như người ta.
Không sinh ra nhưng từ ngày nhận nuôi Như Ý, An hiểu hơn về nỗi lòng của mẹ. An hiểu mẹ đã khổ sở như thế nào khi biết con trai của mình sinh ra không-được-bình-thường. Vậy mà mẹ vẫn chấp nhận cho cô để tóc dài, vẫn cắn răng chịu đựng mỗi lần con mình bị người đời trêu chọc. Những điều từng làm mẹ đau đớn ấy, bây giờ, khi đã có một đứa con, cô mới hiểu.
Như Ý năm nay 5 tuổi, con quấn mẹ, yêu An bằng tình yêu mộc mạc của một đứa trẻ. Suốt ngày con đòi mẹ bế, mỗi lần mở ipad ra là chỉ muốn nghe những bài hát An hay hát. Thỉnh thoảng, con cũng ra đoàn lô tô để đi làm cùng mẹ.
Cô bé gọi mẹ là Mi (mami - PV).
Khi chúng tôi đề nghị về nhà để quay cuộc sống của hai mẹ con, An có phần lo ngại vì sợ khi người lớn nói chuyện, con bé sẽ biết mình là con nuôi. Nhưng sau một hồi đắn đo, cô vẫn đồng ý, không phải vì muốn một lần xuất hiện trên báo hay được người ta biết đến mà vì: "Trước sau gì con bé cũng biết, em không thể nói mình sinh ra con được, như thế là nói dóc".
Lẽ dĩ nhiên, khi đến nhà, cả ê-kíp nói chuyện khá giữ ý. Có thể ở thời điểm hiện tại, hai từ "con nuôi", con chưa hiểu hết được nhưng sau này khi biết, con chắc chắn sẽ buồn. Nhưng dường như, mọi sự lo lắng của chúng tôi đã trở nên thừa thãi khi cuộc sống này, những chuyện trẻ con không cần phải biết, người ta cũng đã cho chúng biết, bằng cách này hay cách khác.
An kể, có lần trên phường gọi những gia đình có con nuôi ra làm giấy tờ gì đó, con nghe được, thế là chạy lại kể với An, kêu cô ra phường làm giấy tờ cho con. Lần đó, An ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên hơn nữa là khi nghe đoạn đối thoại:
- Ai sinh ra con?
- Mi.
- Mi sinh bằng gì?
- Bằng tiền.
Rồi chuyện người ta gọi cô là "pê đê", trêu con cô mẹ mày là người chuyển giới xảy ra nhiều lắm. Lời nói của người đời cứ nhiễm vào đầu óc của con trẻ một cách lạnh lùng và tự nhiên đến đáng sợ. Có lần, An nghe được Như Ý và cô chị họ gần bằng tuổi rủ rỉ với nhau. Cô chị họ nói rằng: "Mi là pê đê", ngay lập tức Như Ý nhỏ giọng: "Đừng nói mà Mi nghe, Mi buồn".
5 tuổi, Như Ý đã biết tránh những câu nói làm mẹ buồn. 5 tuổi, Như Ý đã dạy cho An biết cách yêu thương. 5 tuổi, Như Ý đã biết dạy An quý trọng hơn cuộc sống của mình và cũng 5 tuổi, con bé đã biết mình là con nuôi.
Ngày xưa, chỉ vì ước mơ được chuyển giới mà nhiều lần An buột miệng: "Làm xong rồi chết cũng chịu", vậy mà bây giờ An sợ chết lắm. Như Ý đã cho cô một gia đình, cho cô tình thương và tiếng gọi "mẹ". Cô muốn sống thật lâu để nhìn thấy con trưởng thành, để con sống có cha, có mẹ chứ chẳng phải lẻ loi, đơn độc trên cuộc đời này.