Mùa bóng mới chỉ vừa khởi tranh nhưng HLV Mourinho đang đối mặt nhiều thách thức trong cũng như ngoài sân cỏ. M.U dưới sự dẫn dắt của ông thua liền 2/3 trận mở màn, làm rộ lên việc Z.Zidane có thể soán ghế ông Mourinho ở sân Old Trafford.
Đội bóng vừa tạm "hoàn hồn" với chiến thắng 2-0 trước Burnley, HLV Mourinho lập tức bị nêu đích danh tội trốn thuế và phải nộp phạt để thoát án tù.
Chuyện bắt đầu từ giữa tháng 6-2017 khi "Người đặc biệt" bị cáo buộc trốn khoản thuế lên đến 3,3 triệu euro trong thời gian dẫn dắt CLB Real Madrid. Văn phòng công tố TP Madrid đã hoàn tất thủ tục truy tố nhà cầm quân người Bồ Đào Nha với tội danh 2 lần "né" thuế bản quyền hình ảnh cá nhân lên đến 3,3 triệu euro và mức án tổng hợp là 1 năm tù.
HLV Mourinho thừa nhận trốn thuế 3,3 triệu euro và 2 tháng nay đã ngầm “thương lượng” với cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha để tránh ngồi tù Ảnh: REUTERS
Dù luôn khẳng định đã đóng thuế tổng cộng 26 triệu euro cho mọi khoản thu nhập trong 3 mùa giải làm việc ở Real Madrid nhưng HLV Mourinho vẫn luôn trong "tầm ngắm" của nhà chức trách Tây Ban Nha dựa vào hồ sơ của Football Leaks.
Theo kết quả điều tra được công bố mới nhất, ông Mourinho đã chính thức thừa nhận tội danh và từ 2 tháng qua, ông đã ngầm "thương lượng" với cơ quan thuế vụ để tránh kết cục xấu nhất: Vào tù.
Mourinho là nhân vật bóng đá mới nhất bị luật pháp Tây Ban Nha "hỏi thăm" vì tội trốn thuế. Mùa hè vừa qua, siêu sao C.Ronaldo đã phải nộp 25,7 triệu euro (khoảng 720 tỉ đồng) số tiền trốn thuế cộng với chi phí phát sinh thay vì ngồi tù sau khi thừa nhận "né" đến 4 khoản thuế trong giai đoạn 2011-2014. Trước đó, L.Messi của Barcelona cũng đối mặt án phạt 21 tháng tù vì trốn khoản thuế 4,1 triệu euro.
Bản danh sách các ngôi sao sân cỏ "trót nhúng chàm" với kịch bản tương tự ngày càng nối dài với những cái tên như J.Rodriguez, F.Coentrao, R.Falcao, A.Sanchez, R.Carvalho, Di Maria, Pepe, A.Herrera…
Câu hỏi được đặt ra là vì sao những người có thu nhập rất khá, thậm chí cực cao tại Tây Ban Nha, lại trốn nộp thuế dù biết trước sau gì cũng bị phát hiện và pháp luật sờ gáy?
Chưa đến mức cực đoan như Pháp - nơi từng áp mức thuế đến 75% đối với mọi công dân có thu nhập trên 1 triệu euro/năm - và đã phải ngưng áp dụng từ đầu năm 2015, Tây Ban Nha một thời điên đảo vì "cơn bão nợ công".
Với nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ, chính phủ nước này đã quyết định tăng thuế lên thêm 7% cho mọi công dân, kể cả người nước ngoài, có thu nhập trên 300.000 euro/năm kể từ năm 2012. Sau vài lần chỉnh sửa, luật thuế thu nhập này được áp dụng ở mức 45% cho bất kỳ loại thu nhập nào trên 60.000 euro từ đầu năm 2015.
Nếu biết tại Anh, cầu thủ tuy phải đóng thuế thu nhập "cứng" đến 45% nhưng phần bản quyền hình ảnh chỉ phải nộp thuế 20% hay ở Ý, thuế thu nhập chỉ 43% còn thuế bản quyền hình ảnh chỉ là 100.000 euro cho mức thu trên 300.000 euro/năm, mới thấy cầu thủ ở Tây Ban Nha "rên xiết" thế nào với luật thuế.
Khó thì phải "lách", giới thu nhập cao tại đây tìm cách né thuế bản quyền hình ảnh bằng việc chuyển tiền qua các công ty ma tại những "thiên đường thuế". Tuy vậy, chẳng hành vi phi pháp nào tồn tại được lâu và việc Messi, Ronaldo rồi Mourinho phải thừa nhận sai phạm chính là những lời cảnh báo đanh thép với đồng nghiệp của họ.
Tây Ban Nha từng là một "thiên đường thuế" khi chính quyền nước này áp dụng "luật Beckham" vào năm 2005 với chỉ 24% nhằm thu hút nhân tài khắp nơi đến làm việc, bắt đầu từ khi David Beckham chuyển từ M.U sang Real Madrid.
Với hai lần chỉnh sửa để có mức thuế thu nhập lên đến 45% như hiện tại, Tây Ban Nha có thể giải quyết phần nào bài toán kinh tế nhưng không còn là "miền đất hứa" trên mọi lĩnh vực.
Mất dần sức hút
Cống hiến sức lực, tích lũy tài sản để rồi một lúc nào đó chợt nhận ra bản thân… bất ngờ phạm tội, có lẽ chẳng nhân tài nào đủ kiên nhẫn và dũng khí trước sự khắc nghiệt của luật thuế Tây Ban Nha.
J.Rodriguez chọn cách gắn bó với Bayern Munich, Mourinho trở lại Anh còn Ronaldo cũng vừa sang Ý đầu quân cho Juventus là những ví dụ cho thấy vì sao La Liga mất dần sức thu hút của mình.