Đừng làm tàn lụi các tài năng thể thao

Đông Linh |

Quyết định rời đội tuyển điền kinh TP HCM từ ngày 1-1-2024, thế nhưng đã hơn 2 tháng trôi qua, "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh vẫn chưa hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng với đơn vị chủ quản cũ.

Lê Tú Chinh đang vướng quy định của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, theo đó cấm VĐV không được thi đấu trong nước 2 năm khi đầu quân cho đơn vị mới. Lê Tú Chinh đang lâm vào tình cảnh tương tự Huỳnh Thị Mỹ Tiên khi nhà vô địch SEA Games 32 nội dung 100 m rào nữ đã không thể khoác áo đơn vị mới Đồng Nai tại Giải Điền kinh vô địch quốc gia 2023 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái.

Nếu như Lê Tú Chinh được ngành thể thao TP HCM tạo điều kiện cho ra đi dù hợp đồng còn giá trị đến hết năm 2025 thì trường hợp của Huỳnh Thị Mỹ Tiên còn éo le hơn khi cô đã kết thúc hợp đồng với thể thao Vĩnh Long, trở thành VĐV tự do khi đến với đơn vị mới.

Trước sự bức xúc của dư luận người hâm mộ, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam viện dẫn văn bản hướng dẫn thủ tục chuyển đổi, cấp mới, gia hạn thẻ VĐV điền kinh ban hành từ năm 2015. Quy định ghi rõ: "Từ ngày 1-1-2016, các VĐV trước đây đã thi đấu cho một đơn vị nay chuyển sang thi đấu cho một đơn vị khác thì phải đảm bảo thời gian chuyển nhượng đủ 24 tháng mới được coi là hợp lệ và sau thời điểm 24 tháng mới được thi đấu cho đơn vị mới".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, giải thích quy định của Việt Nam được tham khảo từ quy định chuyển nhượng VĐV quốc tế của Liên đoàn Điền kinh thế giới và cho rằng quy định này có thể khiến VĐV thiệt thòi nhưng lại giúp cho hệ thống tuyển chọn, đào tạo của điền kinh Việt Nam không bị hủy hoại.

Đừng làm tàn lụi các tài năng thể thao- Ảnh 1.

Lê Tú Chinh đối mặt với tương lai bất định khi đã 27 tuổi. Ảnh: ĐĂNG HẢI

Chuyện thay đổi đơn vị chủ quản lẽ ra phải là điều bình thường trong xu hướng chuyên nghiệp hóa của thể thao Việt Nam những năm gần đây, giờ lại thành rào cản, bóp nghẹt tương lai của nhiều VĐV. Bóng chuyền một thời gian dài là "điểm nóng" chuyển nhượng với nhiều vụ việc nổi cộm của Nguyễn Hữu Hà, Lê Quang Khánh, Đinh Thị Thúy… Nhưng nay thì các VĐV, kể cả HLV, đều thay đổi câu lạc bộ hết sức dễ dàng.

Quyền Anh có nhiều võ sĩ, kể cả tuyển thủ quốc gia, 3 năm thi đấu cho 3 đơn vị khác nhau, thậm chí có nữ võ sĩ nổi tiếng một năm khoác áo 2 địa phương để tham gia giải quốc gia. Gần nhất là ở bóng đá, tuyển thủ Nguyễn Tuấn Anh chỉ mất 2 ngày để rời LPBank HAGL và đầu quân cho Nam Định.

Đã đành quy chế, quy định hay điều lệ được đặt ra để giữ tính nghiêm minh, sự thống nhất của các tổ chức thể thao nhưng cũng cần có sự xem xét với từng trường hợp cụ thể, không để VĐV phải thiệt thòi bởi tuổi thọ thể thao không dài, bị cấm thi đấu 2 năm là vô cùng bất ổn.

Mọi biện pháp chế tài chỉ nên áp dụng với các trường hợp có tranh chấp hợp đồng. Các tổ chức thể thao không thể tùy tiện tự đặt luật lệ cho mình và đứng trên cả Bộ Luật Lao động. Theo đó, điều 10 ghi rõ: "Người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại