Đừng để giấc mơ của bóng đá Việt Nam chết trong bạo lực

Minh Trí |

Bóng đá Việt Nam đang mơ về sự chuyên nghiệp, mơ giành được suất dự World Cup, nhưng giấc mơ này có thể sẽ không thành hiện thực nếu như V-League vẫn còn tình trạng cầu thủ khiêu khích trọng tài, đá gãy chân đồng nghiệp như Hoàng Thịnh.

Trận cầu tâm điểm vòng 5 V-League 2021 giữa TPHCM với Hà Nội FC kết thúc với phần thắng 3-0 nghiêng về phía đội bóng Thủ đô. Tuy nhiên, những điều đọng lại trong ký ức của khoảng 7000 cổ động viên có mặt ở Thống Nhất và hàng triệu người xem truyền hình là pha bóng rợn người của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng.

Cú xoạc bóng bằng hai chân của Hoàng Thịnh khiến chân của Hùng Dũng biến dạng. Tiền vệ sinh năm 1993 ôm mặt khóc nức nở, còn các cầu thủ TPHCM và Hà Nội FC cũng ngấn lệ khi chứng kiến đồng nghiệp của mình nằm sân đau đớn.

Đừng để giấc mơ của bóng đá Việt Nam chết trong bạo lực - Ảnh 1.

Hùng Dũng chấn thương nặng sau pha vào bóng của Hoàng Thịnh.

HLV Park Hang Seo có mặt trên khán đài sân Thống Nhất lập tức xuống khu vực xe cứu thương để cập nhật sức khỏe của cậu học trò cưng. Chiến lược gia người Hàn chẳng những không thu được lợi ích gì từ chuyến vi hành của mình mà còn thêm đau đầu.

Bởi vì tháng 6 tới, ĐT Việt Nam sẽ đá 3 trận đấu cuối của vòng loại thứ 2 World Cup 2022, để hiện thực hóa giấc mơ lần đầu tiên vào vòng loại cuối cùng. Tuy nhiên, giấc mơ này có vẻ đang ngày một khó hơn, khi danh sách các học trò cưng của nhà cầm quân người Hàn dính chấn thương ngày một nhiều.

Nhìn gương mặt của HLV Park dành cho Hùng Dũng đủ hiểu ông yêu quý và lo lắng cho cậu học trò của mình như thế nào. Còn với Hoàng Thịnh, dù anh đã xin lỗi và động viên Dũng trước khi cầu thủ này lên xe cứu thương tới viện để chụp chiếu, nhưng anh vẫn bị một bộ phận cổ động viên quá khích vào khủng bố tinh thần, đòi cầu thủ này giải nghệ.

Bóng đá là cuộc chiến, dù không ai muốn, nhưng chấn thương là một phần của môn thể thao vua này. Trong thâm tâm của mình, Hoàng Thịnh chắc chắc không chủ ý đá gãy chân của Hùng Dũng vì anh là người hiểu rõ hơn ai hết, đôi chân của cầu thủ chính là cái cần câu cơm để nuôi vợ con, gia đình và phục vụ đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, thái độ thi đấu và cách mà anh vào bóng ở một tình huống từ khu vực giữa sân thực sự đáng lên án. Nó không chỉ làm mất đi hình ảnh của cá nhân cầu thủ này mà còn làm xấu hình ảnh của V-League và của nền bóng đá Việt Nam, vốn đã nhuốm màu bạo lực.

Cận cảnh chấn thương của Đỗ Hùng Dũng

Những người làm bóng đá Việt Nam đang tận dụng tối đa giai đoạn cực thịnh này để giúp bóng đá chuyên nghiệp hơn, cố gắng thu hút những ngoại binh giỏi, nhà cầm quân giỏi về làm việc để nâng tầm sân chơi V-League. Nhưng vì thành tích, máu ăn thua của các cầu thủ như Hoàng Thịnh và các câu lạc bộ mà sân chơi cao nhất Việt Nam chưa tìm được con đường để bứt lên mà vẫn bị gọi mỉa mai là “Võ Lích”.

Quế Ngọc Hải sau pha đạp bóng với Anh Khoa đã có cho mình một bài học đắt giá. Sau này Hải đã thay đổi và đang có chỗ đứng vững chắc ở Viettel cũng như ĐT Việt Nam. Hoàng Thịnh thì sao? Với sự nghiêm minh của Ban tổ chức, anh khó thoát khỏi một án phạt nặng và sự trừng phạt của… tòa án lương tâm.

Nhưng thử hỏi những án phạt nặng hay số tiền đền bù lớn kia có giúp bóng đá Việt Nam giải quyết được bài toán bạo lực sân cỏ? Bác Hồ đã từng nói rằng: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Bóng đá Việt Nam đã mất mát quá nhiều tài năng vì sa ngã, tự đánh mất mình.

Do đó, các cầu thủ ngoài việc rèn giũa tài năng thì cũng cần phải hành nghề có đạo đức. Chỉ có vậy, bóng đá dải đất hình chữ S mới có thể lớn mạnh từng ngày để vươn ra biển lớn. Bằng không cứ mỗi tuần, mỗi vòng đấu trôi qua, dư luận lại dậy sóng vì bạo lực sân cỏ, vì trọng tài thì thật khó để chúng ta thoát khỏi ao làng. Đừng để giấc mơ của bóng đá Việt Nam chết trong bạo lực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại