Đến HLV lừng danh của một Manchester United lẫy lừng, từng nổi tiếng về lối chơi tấn công đẹp mắt còn nói thế, thì không hề khó hiểu khi HLV Park Hang-seo từng cực kỳ "bảo thủ" khi chọn cho bóng đá Việt Nam lối chơi phòng ngự phản công, thay vì kiểm soát bóng, tấn công đẹp mắt như những gì HLV Troussier từng theo đuổi, cũng như VFF đem ra làm tiêu chí chọn tân HLV cho đội tuyển Việt Nam, dựa vào lý do "theo kịp sự phát triển của bóng đá thế giới".
Lịch sử bóng đá đã chứng minh rằng bất kỳ triết lý hay chiến thuật nào cũng chỉ có giá trị khi các cầu thủ lĩnh hội đầy đủ và đủ khả năng thực hiện nó trên sân. Minh chứng rõ ràng nhất là khi Barcelona hay Tây Ban Nha qua thời kỳ đỉnh cao, khi thiếu đi những mắt xích quan trọng để vận hành lối chơi tiqui-taka huyền thoại, họ lập tức thất bại.
Đúng là trào lưu của bóng đá thế giới là lối chơi kiểm soát bóng như triết lý của HLV Troussier, song nên nhớ rằng Đông Nam Á từ xưa đến nay luôn là "vùng trũng" của bóng đá thế giới, với sự hạn chế rất lớn về mặt thể hình, thể lực và tốc độ của các cầu thủ. Như đội tuyển Việt Nam chẳng hạn, ở thời đỉnh cao nhất dưới triều đại của HLV Park Hang-seo cũng chỉ có thể chơi tốt khoảng 70 phút. Còn hiện tại, khi đối đầu với Indonesia thôi, các cầu thủ của HLV Troussier cũng chỉ có thể trụ được khoảng 60 phút.
Không phải ngẫu nhiên mà HLV Park Hang-seo chọn sơ đồ 3-4-3 cho đội tuyển Việt Nam. Nó vô cùng hợp lý khi hàng thủ với 3 trung vệ sẽ chuyển thành 6 hậu vệ bảo vệ cầu môn trong trường hợp bị tấn công hoặc phản công. Số lượng cầu thủ phòng ngự nhiều hơn sẽ đi kèm với sự chắc chắn hơn trước cầu môn đội nhà. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận được tác dụng của sơ đồ này khi ông thầy người Hàn Quốc luôn có được những trong vệ đẳng cấp, ví thử như Duy Mạnh - Đình Trọng - Quế Ngọc Hải ở AFF Cup 2018 - giải đấu đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch sau 10 năm thất bát.
Ở cả hai kỳ AFF Cup tiếp theo, đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo đều giữ sạch mành lưới sau vòng đấu bảng. Thậm chí ở AFF Cup 2022, thầy trò nhà cầm quân người Hàn Quốc giữ sạch lưới cho đến tận trận chung kết. Ở hai giải đấu ấy, họ chỉ đều thất bại duy nhất trước Thái Lan, khi đối thủ chơi quá hay. Dưới triều đại của mình, phải nói là HLV Park Hang-seo phối hợp quá thành công giữa thực lực của các học trò với triết lý bóng đá của mình.
Khi bóng đá Việt Nam phải "bước tiếp" chặng đường mà nhà cầm quân người Hàn Quốc để lại cùng HLV Troussier, mới sinh ra khái niệm "theo kịp sự phát triển của bóng đá thế giới", để "hợp thức hóa" lối chơi lạ lẫm mà chiến lược gia người Pháp theo đuổi, và rốt cuộc thất bại thảm hại. Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đang "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng".
Thất bại dưới tay HLV Troussier, bóng đá Việt Nam không thể không để đến nguyên nhân là sự sa sút của lứa cầu thủ "thế hệ vàng" thời thầy Park, cũng như sự non nớt của lứa cầu thủ trẻ bên cạnh chiến lược bóng đá "vung tay quá trán" của ông thầy người Pháp. Để giải quyết cơn khủng hoảng "hậu Troussier", chẳng phải điều tốt nhất mà VFF cùng những chuyên gia hàng đầu của mình là tính đến chuyện "liệu cơm gắp mắm", hơn là "cố đấm ăn xôi".
Bởi vậy, tiêu chí "theo kịp sự phát triển của bóng đá thế giới" trong bộ tiêu chí chọn tân HLV cho đội tuyển Việt Nam là điều cực kỳ sai lầm, khi bắt đội tuyển Việt Nam tiếp tục phải "khoác chiếc áo quá rộng" so với thực lực của nền bóng đá nước nhà.
Mục tiêu đi tiếp ở vòng loại World Cup 2026 coi như đã tan tành theo mây khói cùng triết lý sai lầm của HLV Troussier. Mục tiêu khả dĩ nhất của đội tuyển Việt Nam hiện tại là AFF Cup. Song nếu tiếp tục "mơ hão" với tiêu chí sai lầm của mình, bóng đá Việt Nam sẽ nếm đủ đòn đau, dù chỉ là giải đấu quen thuộc ở đấu trường Đông Nam Á.