ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo

Nguyên Hà |

Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương kinh hoàng sau pha phạm lỗi thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh và bỏ lỡ Vòng loại World Cup 2022. Đây không phải lần đầu HLV Park Hang Seo mất trụ cột. Bởi lẽ ông chưa bao giờ có trong tay đầy đủ lực lượng mạnh nhất ở các cấp độ ĐT Việt Nam.

Hùng Dũng phải nghỉ thi đấu hết năm 2021 vì chấn thương còn Hoàng Thịnh bị treo giò tới hết năm 2021

Hùng Dũng phải nghỉ thi đấu hết năm 2021 vì chấn thương còn Hoàng Thịnh bị treo giò tới hết năm 2021

Cơn ác mộng chấn thương luôn ám ảnh, khiến các cấp độ ĐT Việt Nam chưa bao giờ có đủ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo ngoại trừ quãng thời gian cuối năm 2017, khi nhà cầm quân người Hàn Quốc mới bắt đầu công việc, chưa kịp tìm ra lực lượng tối ưu và xây dựng lối chơi hoàn chỉnh.

VCK U23 châu Á 2018: Đoàn Văn Hậu (rách cơ đùi)

Đoàn Văn Hậu dính chấn thương rách cơ đùi sau trận hòa 0-0 với U23 Syria ở lượt cuối vòng bảng và phải nghỉ thi đấu tới hết giải. Trên hành trình tới ngôi á quân, HLV Park Hang Seo đẩy Vũ Văn Thanh sang trấn giữ cánh trái thay Đoàn Văn Hậu và sử dụng Phạm Xuân Mạnh ở vị trí chạy cánh phải. Ngoài ra, nhà cầm quân người Hàn Quốc còn thành công với quân bài tẩy Nguyễn Phong Hồng Duy, cầu thủ chơi như “lên đồng” bên cánh trái sau khi vào sân từ ghế dự bị ở trận bán kết với U23 Qatar.

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 1.

Văn Hậu thi đấu ấn tượng trước khi dính chấn thương ở VCK U23 châu Á 2018. (Ảnh: AFC)


ASIAD 2018: Nguyễn Thành Chung (rách bắp chân), Nguyễn Phong Hồng Duy (rách cơ đùi), Đỗ Hùng Dũng (gãy ngón chân)

Nguyễn Thành Chung dính chấn thương trong buổi tập trước ngày lên đường sang Indonesia dự giải đấu. HLV Park Hang Seo quyết định không gọi thêm trung vệ mà triệu tập bổ sung tiền vệ đa năng Trần Minh Vương, người ghi dấu ở ASIAD 2018 với siêu phẩm đá phạt vào lưới Olympic Hàn Quốc tại bán kết.

Nguyễn Phong Hồng Duy bỏ lỡ hành trình giành hạng tư châu lục của Olympic Việt Nam vì chấn thương trong thời gian tập huấn. Mất đi phương án gây đột biến ở cánh trái nhưng được bù đắp bằng sự trở lại của Đoàn Văn Hậu, HLV Park Hang Seo lần lượt sử dụng Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn thành những “siêu dự bị” trên hàng tiền đạo ở giải đấu này.

Đỗ Hùng Dũng bị gãy ngón chân trong chiến thắng Olympic Nhật Bản 1-0 ở lượt trận cuối vòng bảng. HLV Park Hang Seo bù đắp sự mất mát này bằng việc luân phiên sắp xếp Phạm Đức Huy, Nguyễn Quang Hải, Lương Xuân Trường đá cặp tiền vệ trung tâm ở vòng knock-out.

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 2.

Hồng Duy lỗi hẹn với ASIAD 2018. (Ảnh: Trọng Phú)


AFF Cup 2018: Vũ Văn Thanh (đứt dây chằng), Phạm Xuân Mạnh (rạn xương mác), Nguyễn Văn Toàn (sụn chêm), Đỗ Hùng Dũng (lưng)

Vị trí chạy cánh phải là nỗi lo của ĐT Việt Nam trước thềm AFF Cup 2018 khi Vũ Văn Thanh và Phạm Xuân Mạnh đều bỏ lỡ giải đấu vì chấn thương. HLV Park Hang Seo đã tìm ra lời giải mang tên Nguyễn Trọng Hoàng. Cho đến thời điểm này, Hoàng “bò” vẫn đang là lựa chọn số 1 bên cánh phải ĐT Việt Nam.

Bước vào giải đấu, ĐT Việt Nam bất ngờ mất Nguyễn Văn Toàn vì chấn thương trong lúc tập luyện trước lượt trận cuối vòng bảng. HLV Park Hang Seo ứng phó bằng cách trả Nguyễn Quang Hải trở lại vị trí hộ công sở trường bên cạnh Phan Văn Đức thay vì đá tiền vệ trung tâm như ở những trận đầu tiên, rút Nguyễn Công Phượng ra khỏi đội hình chính để trở thành “siêu dự bị” và luân phiên sử dụng Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Tiến Linh, Hà Đức Chinh ở vị trí mũi nhọn.

Ở vị trí tiền vệ trung tâm, Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương lưng sau trận bán kết lượt đi trên đất Philippines. Đây là lúc Nguyễn Huy Hùng xuất hiện và tỏa sáng trong hiệp 2 trận bán kết lượt về (thay Lương Xuân Trường đá cặp với Phạm Đức Huy) cũng như 2 lượt trận chung kết với Malaysia.

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 3.

Trọng Hoàng là phát hiện của HLV Park Hang Seo ở AFF Cup 2018. (Ảnh: Vy Vũ)

VCK ASIAN Cup 2019: Trần Đình Trọng (mẻ xương bàn chân)

Trần Đình Trọng không thể tham dự VCK Asian Cup 2019 do phải sang Hàn Quốc phẫu thuật. ĐT Việt Nam chào đón sự trở lại của Nguyễn Thành Chung trên ghế dự bị, Bùi Tiến Dũng trở lại đội hình xuất phát sau khi mất vị trí trung vệ lệch trái về tay Quế Ngọc Hải ở AFF Cup 2018 và HLV Park Hang Seo đưa Quế Ngọc Hải vào trung tâm hàng phòng ngự thay thế Trần Đình Trọng.

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 4.

Đình Trọng liên tục bị "vận đen" đeo bám sau AFF Cup 2018. (Ảnh: Bảo Long)

Vòng loại U23 châu Á 2020: Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng (vấn đề thể trạng), Nguyễn Tiến Linh (chấn thương đầu gối)

Trước khi bỏ lỡ Vòng loại U23 châu Á 2020, Nguyễn Tiến Linh còn lỗi hẹn với VCK U23 châu Á và ASIAD 2018 vì chấn thương. Thời điểm này, U23 Việt Nam đang bắt đầu xây dựng thế hệ mới và thực sự bế tắc ở trận gặp U23 Indonesia trước khi HLV Park Hang Seo tìm ra cách phát huy sức mạnh tấn công bằng việc thay đổi sơ đồ từ 3-4-3 sang 3-5-2: Nguyễn Quang Hải xuống hỗ trợ hàng tiền vệ, Nguyễn Hoàng Đức đá cặp tiền đạo cùng Hà Đức Chinh trong trận thắng U23 Thái Lan 4-0.

Trần Đình Trọng chưa lấy lại thể trạng tốt nhất sau ca phẫu thuật tại Hàn Quốc nên lần lượt vào sân từ ghế dự bị trong trận thắng U23 Brunei 6-0, thắng U23 Indonesia 1-0 rồi chơi trọn vẹn 90 phút ở trận cuối cùng với U23 Thái Lan. Nguyễn Thành Chung là người trấn giữ trung tâm hàng thủ khi Đình Trọng vắng mặt.

Tương tự như Trần Đình Trọng, Nguyễn Quang Hải bị đau nhẹ và không có được thể trạng tốt nhất ở Vòng loại U23 châu Á 2020. Tiền vệ này chỉ vào sân từ ghế dự bị trong trận ra quân gặp U23 Brunei rồi chơi trọn vẹn 2 trận gặp U23 Indonesia và U23 Thái Lan.

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 5.

Tiến Linh phải chờ đến SEA Games 2019 mới có duyên tỏa sáng ở giải trẻ dưới thời HLV Park Hang Seo. (Ảnh: Ngọc Duy)

King’s Cup 2019: Trần Đình Trọng, Phan Văn Đức (đứt dây chằng), Nguyễn Huy Hùng (chấn thương dai dẳng)

Trần Đình Trọng bị đứt dây chằng ngay trước khi ĐT Việt Nam hội quân lên đường sang Thái Lan. Nguyễn Thành Chung được gọi bổ sung. Đỗ Duy Mạnh – Quế Ngọc Hải – Bùi Tiến Dũng tiếp tục là bộ 3 hậu vệ của ĐT Việt Nam như ở VCK Asian Cup 2019.

King’s Cup 2019 đánh dấu sự vắng mặt của Phan Văn Đức vì chấn thương dài hạn và Nguyễn Huy Hùng bắt đầu mất suất khi liên tục dính chấn thương. Đây là lúc Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Tuấn Anh (sau 1 năm điều trị chấn thương ở Hàn Quốc) chiếm vị trí trong đội hình chính của ĐT Việt Nam.

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 6.

ĐT Việt Nam tri ân Đình Trọng trước trận thắng Thái Lan 1-0. (Ảnh: TM)

Vòng loại World Cup 2022: Nguyễn Trọng Hoàng (rách cơ đùi), Đoàn Văn Hậu (chấn thương đầu gối), Nguyễn Tuấn Anh (chấn thương cơ đùi sau), Lương Xuân Trường (đứt dây chằng)

Sau khi mất Phan Văn Đức và Trần Đình Trọng vì chấn thương đứt dây chằng, ĐT Việt Nam trở lại Thái Lan khởi đầu Vòng loại World Cup 2022 trong tình trạng “viêm cánh”. Nguyễn Trọng Hoàng bị đau còn Đoàn Văn Hậu vừa bị đau, vừa bận sang Hà Lan gia nhập SC Heerenveen.

Trên sân Thammasat, HLV Park Hang Seo sử dụng Nguyễn Trọng Hoàng bên cánh phải trong 65 phút rồi thay thế bằng Vũ Văn Thanh. Đoàn Văn Hậu vào thay Đỗ Duy Mạnh ở phút 74 để hỗ trợ cho người trấn giữ cánh trái là Nguyễn Phong Hồng Duy và ĐT Việt Nam cũng chuyển từ sơ đồ 3 hậu vệ sang 4 hậu vệ để giữ vững tỷ số hòa 0-0 tới hết giờ.

Chấn thương nặng của Lương Xuân Trường phủ bóng đen trước lượt trận thứ 2 nhưng ĐT Việt Nam lần lượt thắng Malaysia 1-0, thắng UAE 1-0, thắng Indonesia 3-1 và hòa Thái Lan 0-0 để dẫn đầu bảng G.

Nguyễn Tuấn Anh dính chấn thương sau hiệp 1 trận gặp Malaysia và bỏ lỡ trận gặp Indonesia được thay thế bằng Phạm Đức Huy. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị cho các trận đấu Vòng loại World Cup 2022, ĐT Việt Nam còn phải đón nhận những ca chấn thương của Mạc Hồng Quân, Tô Văn Vũ, Ngô Hoàng Thịnh, Võ Huy Toàn…

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 8.

Xuân Trường phải nghỉ thi đấu gần 9 tháng sau chấn thương đứt dây chằng. (Ảnh: Dương Thuật)

SEA Games 2019: Trần Đình Trọng (không kịp bình phục), Nguyễn Quang Hải (rách cơ đùi sau), Đỗ Thanh Thịnh (chấn thương cổ chân)

Trần Đình Trọng không kịp bình phục chấn thương là lúc “khoản đầu tư dài hạn” của HLV Park Hang Seo vào Nguyễn Thành Chung phát huy giá trị. Trung vệ gốc Tuyên Quang xuất sắc thay thế vai trò của người đồng đội ở Hà Nội FC và ĐTQG.

Nguyễn Quang Hải bất ngờ dính chấn thương ở trận gặp U22 Singapore, HLV Park Hang Seo trình làng giải pháp Nguyễn Đức Chiến từ hiệp 2 trận gặp U22 Thái Lan. Trung vệ cao to của Viettel được bố trí đá tiền vệ phòng ngự, giúp Đỗ Hùng Dũng – Nguyễn Hoàng Đức chơi tự do hơn ở tuyến giữa cũng như hỗ trợ cho cặp tiền đạo Hà Đức Chinh – Nguyễn Tiến Linh.

Ngay trước trận chung kết, Đỗ Thanh Thịnh đột ngột dính chấn thương và Hồ Tấn Tài là người trấn giữ cánh trái trong đêm Việt Nam lần đầu giành HCV môn bóng đá nam SEA Games.

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 9.

Quang Hải dính chấn thương ở lượt trận áp chót tại vòng bảng SEA Games 2019. (Ảnh: Ngọc Duy)

VCK U23 châu Á 2020: Đoàn Văn Hậu (vắng mặt), Trần Đình Trọng (vấn đề thể trạng)

Sau khi tham dự SEA Games 2019, Đoàn Văn Hậu phải trở lại SC Heerenveen và không góp mặt ở VCK U23 châu Á 2020. Trần Đình Trọng cũng chưa hoàn toàn bình phục sau 1 năm vật lộn với chấn thương, chỉ có thể vào sân từ ghế dự bị ở 2 trận đầu tiên, đá chính rồi lĩnh thẻ đỏ ở trận cuối cùng. U23 Việt Nam dừng bước ngay tại vòng bảng sau 2 trận hòa với cùng tỷ số 0-0 trước U23 UAE, U23 Jordan và thua ngược U23 Triều Tiên 1-2.

ĐT Việt Nam CHƯA TỪNG CÓ 100% lực lượng mạnh nhất dưới thời Park Hang Seo - Ảnh 10.

U23 Việt Nam không có được sức mạnh tối đa ở VCK U23 châu Á 2020. (Ảnh: Ngọc Duy)

Giao hữu gây quỹ từ thiện 2020: Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng (đứt dây chằng), Quế Ngọc Hải (rách cơ đùi)

Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng bỏ lỡ đợt tập trung duy nhất trong năm 2020 do không kịp bình phục chấn thương. Quế Ngọc Hải nằm trong số những tuyển thủ Việt Nam dính chấn thương ở đợt này, bên cạnh Hồ Tuấn Tài, Vũ Xuân Cường, Nguyễn Thành Chung. Điểm sáng qua 2 trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam với U22 Việt Nam là sự trở lại ấn tượng của Phan Văn Đức sau 1 năm nghỉ thi đấu vì chấn thương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại