Donnarumma: Phản bội để thành công, tại sao không được?

Minh Tuấn |

Một nửa nước Ý đang phỉ báng Donnarumma. Nửa còn lại tỏ ra ngán ngẩm về cái gọi là lòng trung thành trong bóng đá giờ hiếm như sao sớm, lá thu. Nhưng suy cho cùng, trung thành mà không có tương lai thì trung thành làm gì?

Người Ý phẫn nộ vì Donnarumma

Cho những ai còn chưa biết Donnarumma là ai: Anh là thủ môn của AC Milan. Donnarumma sinh ra tại Italia, được Milan cưu mang, đào tạo, đôn lên đội 1 và sau đó thì nổi như cồn.

Donnarumma: Phản bội để thành công, tại sao không được? - Ảnh 1.

Thủ thành Donnarumma được mệnh danh là "tiểu Buffon" trong màu áo của AC Milan.

Donnarumma đang được sở hữu bởi siêu cò Mino Raiola - người đang "nắm đầu" những ngôi sao hàng đầu thế giới như Paul Pogba, Zlatan Ibrahimovic, Romelu Lukaku, Mario Balotelli… Theo Raiola, giá chuyển nhượng của Donnarumma có thể lên tới… 150 triệu bảng.

Con số nghe rất hoang đường, nhưng nó phần nào chứng minh mức độ nổi tiếng và tài năng của thủ thành mới 18 tuổi này.

Donnarumma không chỉ là niềm tự hào của Milan, mà còn là viên ngọc của bóng đá Italia. Đó là lý do tại sao khi thủ thành này tuyên bố không ký tiếp hợp đồng với Milan, người Ý lại giận dữ đến vậy.

Donnarumma: Phản bội để thành công, tại sao không được? - Ảnh 2.

Donnarumma không muốn gia hạn hợp đồng với đội chủ sân San Siro.

Các Milanista đốt áo Donnarumma, vứt áo anh vào toilet và còn rất nhiều hành động điên rồ khác để thể hiện sự phẫn nộ dành cho kẻ "ăn cháo đá bát" này. Người Ý không ai bình tĩnh nổi trước sự kiện này. Đối với một nền bóng đá đang trên đà lao dốc như Italia, lòng trung thành là giá trị họ muốn bảo tồn.

Mới đây, đoạn video ghi lại lễ chia tay của Francesco Totti đã lay động cả thế giới túc cầu. Trong khoảnh khắc rất tình đó, bỗng dưng lòng trung thành như một viên kim cương tỏa ra ánh sáng rực rỡ. Totti có thừa khả năng gia nhập một CLB khác. Nhưng anh đã ở lại với Roma đến cuối cuộc đời và trở nên bất tử.

Donnarumma: Phản bội để thành công, tại sao không được? - Ảnh 3.

Nhiều CĐV bật khóc ngày Francesco Totti nói lời chia tay Roma.

Phản bội để thành công, tại sao không được?

Vậy rốt cuộc Donnarumma có phải là một tên phản bội không thể dung thứ hay không? Tuyệt đối không phải. Lật ngược lại vấn đề của Totti: Một tài năng như anh dành cả cuộc đời cống hiến cho Roma và kết thúc sự nghiệp chỉ với… 1 lần vô địch Serie A liệu có đáng hay không?

Nếu cho Totti chọn lại, liệu anh có muốn gia nhập Real Madrid, Barcelona hay gần hơn là Juventus để khép lại sự nghiệp với một bộ sưu tập danh hiệu hoàng tráng hay không?

Donnarumma: Phản bội để thành công, tại sao không được? - Ảnh 4.

Sự nghiệp của Totti chỉ dừng lại ở một chức vô địch Serie A cùng đội bóng màu bã trầu.

Totti không có quyền lựa chọn, nhưng Donnarumma thì có. Anh mới 18 tuổi. Nghe thì có vẻ như Donnarumma còn cả một tương lai rộng dài ở phía trước. Nhưng đời cầu thủ ngắn lắm, hay nói đúng hơn là thời đỉnh cao ngắn lắm.

Nếu Donnarumma có thể gia nhập những đội bóng cỡ Real Madrid để ngay năm sau đón chức vô địch đầu tiên thì đó cũng là cái giá quá xứng đáng cho sự phản bội.

Nhìn ngược lại chiều dài lịch sử bóng đá, có mấy ai trung thành mà được đền đáp xứng đáng?

Wayne Rooney sinh ra ở Liverpool, gia nhập CLB anh thần tượng từ thời thơ ấu Everton. Sau khi đủ lông đủ cánh, Rooney chấp nhận manh danh kẻ phản bội để gia nhập Man Utd, và hiện tại, anh đã có 11 danh hiệu lớn nhỏ, một mức lương khủng khiếp, gia tài đồ sộ. Liệu Everton có mang lại cho Rooney những giá trị tương tự hay không?

Donnarumma: Phản bội để thành công, tại sao không được? - Ảnh 5.

Wayne Rooney thành công hơn khi chuyển tới Man Utd.

Frank Lampard vốn dĩ thuộc về West Ham. Cả chú lẫn bố anh đều mang trong mình dòng máu West Ham. Nhưng Lampard đã phản bội đội bóng thời thơ ấu của mình để trở thành huyền thoại của Chelsea.

Gigi Buffon là huyền thoại của Juventus, nhưng anh đến từ Parma. Manuel Neuer cứ ngỡ như sinh ra đã thuộc về Bayern Munich, nhưng thực tế anh trưởng thành từ Schalke. Họ đều chấp nhận bị phỉ báng, sỉ vả khi nói lời chia tay với bệ phóng đầu tiên. Nhưng sau tất cả, khi họ đã thành công, người ta lại chỉ nhắc về thành công của họ mà thôi.

Donnarumma: Phản bội để thành công, tại sao không được? - Ảnh 6.

Gigi Buffon cũng từng là cầu thủ của Parma trước khi trở thành huyền thoại của Juventus.

Khi bạn lên tới đỉnh cao, bạn là người duy nhất được quyền phóng tầm mắt ngắm nhìn vạn vật xung quanh. Và khi đó, số lượng người tôn vinh bạn bao giờ cũng đông đảo hơn số người đào bới quá khứ xem bạn đã lên tới đỉnh bằng cách nào. Suy cho cùng thì người không vì mình, trời tru đất diệt.

Bóng đá cũng như cuộc đời. Trung thành là tốt, nhưng "ngu trung" là tự hại mình. Hy vọng Donnarumma chọn đúng chủ mà thờ, để thế giới lại được chứng kiến một huyền thoại ra đời sau một lời bội ước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại