Nội dung chính
- Sức hút từ cái tên Công Phượng
- Đẳng cấp của Công Phượng
- Cái giá cho một năm ở hạng Nhất
Sức hút từ cái tên Công Phượng
Lướt mặt báo thể thao tại Việt Nam vài năm qua, cái tên Công Phượng gần như mất hút. Có phải vì Công Phượng đã “hết thời”, không còn được NHM quý mến? Có lẽ không phải vậy. Vấn đề chính khiến Công Phượng ít lên mặt báo Việt Nam vài năm qua, ít được bàn luận chủ yếu bởi anh sang Nhật Bản chơi bóng, có quá ít thông tin.
Còn vài ngày trở lại đây, cái tên Công Phượng ngập tràn các mặt báo thể thao Việt Nam ngay khi có tin anh sắp về quê nhà thi đấu.
Nói gì thì nói, phong độ trên sân cỏ của Công Phượng có thể lúc này lúc kia nhưng sức hấp dẫn từ ngôi sao xứ Nghệ là không cần bàn cãi. Bên cạnh đẳng cấp chuyên môn, Công Phượng có một sức hấp dẫn đặc biệt, luôn khiến NHM phải thích thú, từ những câu chuyện hậu trường, tới những trò đùa nghịch trong các buổi tập, các trò đùa nghịch với đồng đội. Nói đơn giản thì Công Phượng là một ngôi sao rất thú vị. Sự thú vị đó kết hợp với vai trò là tiền đạo nổi tiếng, thành công bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, đưa tên tuổi Công Phượng lên rất đắt giá.
Không phải tự nhiên, dù Công Phượng xuất ngoại nhiều lần chưa thành công, vẫn có nhiều CLB nước ngoài muốn lấy Công Phượng chứ không phải cái tên khác từ Việt Nam.
Muốn sở hữu một cầu thủ nổi tiếng như vậy, dĩ nhiên một CLB Việt Nam sẽ phải chịu chi…
Đẳng cấp của Công Phượng
Về mặt tên tuổi là vậy, Công Phượng chưa bao giờ hết HOT, chỉ chờ dịp sẽ lại “bùng cháy”. Vậy về chuyên môn, đẳng cấp của Công Phượng giờ còn được đến đâu?
Sự thất bại của Công Phượng ở Nhật Bản là thực tế không thể chối cãi. Tuy nhiên, phải hiểu rằng mặt bằng bóng đá Nhật Bản, ngay cả giải J.League 2, vẫn cao hơn V.League. Công Phượng không thành công tại J.League 2 không có nghĩa không thể tỏa sáng trở lại ở V.League.
Tất nhiên hiện tại chưa thể khẳng định điều gì nhưng Công Phượng vẫn là tên tuổi lớn của bóng đá Việt Nam. Ở tuổi 29, anh vẫn có thể chơi thêm vài năm đỉnh cao nữa. Chuyện một CLB phải chi tiền to cho một ngôi sao như Công Phượng, tính riêng chuyện chuyên môn, âu cũng hợp lý.
Cái giá cho một năm tại hạng Nhất
Đây là vấn đề không thể bỏ qua khi bàn về mức phí chiêu mộ Công Phượng. Nếu một CLB hạng Nhất muốn có một siêu sao hạng A của bóng đá nước nhà, về chơi ít nhất một năm tại hạng đấu thấp, dễ hiểu là cần tốn kém hơn.
Giống như câu chuyện hơn 20 năm về trước, bầu Đức sang Thái Lan chiêu mộ Kiatisuk. Khi đó, Kiatisuk là siêu sao nổi tiếng bậc nhất Đông Nam Á. Anh còn không có nhiều nhận thức về V.League và càng không biết bầu Đức là ai.
Để có được Zico Thái, bầu Đức khi đó ngoài sự chân thành, kiên trì bám đuổi còn phải đưa ra những mức đãi ngộ cực lớn.
Với riêng Công Phượng, thực ra tốn một năm chơi ở hạng Nhất chưa chắc đã phải điều gì đó quá “mất giá”. Dẫu sao thì đã lâu Phượng chưa thi đấu, phong độ ít nhiều suy giảm. Một năm ở giải hạng Nhất có thể là quãng thời gian thoải mái hơn, Công Phượng vừa được thi đấu, vừa không gánh quá nhiều áp lực để dần dần tìm lại đỉnh cao.
Khi ấy, biết đâu tới V.League 2025/26, chúng ta sẽ lại thấy một “sát thủ” ở V.League, một siêu sao với những pha đi bóng ảo diệu làm NHM đôi khi ức chế nhưng đôi khi cũng vỡ òa vì tạo nên siêu phẩm quá đẹp mắt.