img
“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 1.

"Đi nửa vòng trái đất để chiến đấu, tôi tự thần tượng anh chồng nhà mình, ý chí, sự quyết tâm, không có nỗi đau nào có thể ngăn cản anh Nhất. Còn trận chung kết ngày mai, dù kết quả như thế nào em vẫn thích anh lấy vàng". Còn nhớ, lời nhắn gửi xúc động nhưng cũng không giấu nổi niềm tự hào ấy được người vợ Huỳnh Thị Kim Oanh gửi đến chồng, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất trước trận chung kết World Games 2022 mang tính lịch sử.

Giữa tháng 7/2022, Duy Nhất bước vào World Games với không ít trở ngại khi cắt giảm 3kg để xuống thi đấu hạng cân 57kg - vốn không phải sở trường. Song cuộc hành trình gian nan trên nước Mỹ sớm trôi qua, lần lượt bằng hai thử thách lớn trước nhà Á quân châu Âu - Rui Botelho (Bồ Đào Nha) và nhà vô địch châu Âu - Vladyslav Mykytas (Ukraine). Chạm trán phải những tay đấm trẻ và giàu sức mạnh, nhưng Duy Nhất vẫn biết cách khuất phục đối thủ bằng đẳng cấp và kinh nghiệm dày dặn.

Đến thời khắc mà Duy Nhất gọi là "để đời" (hôm 17/7) trước nhà cựu vô địch thế giới -Almaz Sarsembekov (Kazakhstan), tay đấm Việt Nam đã cống hiến một trận đấu cực kỳ kịch tính. Anh trấn áp đối thủ từ hiệp đầu tiên bằng cước pháp lợi hại nhưng lại để Sarsembekov cân bằng điểm số ở hiệp thứ hai. Bước vào hiệp quyết định, một lần nữa Duy Nhất thể hiện bản lĩnh với các đòn đánh "sắc lẹm" khiến đối phương nhiều lần choáng váng, thậm chí phải đổ máu.

Lời nhắn gửi từ người vợ cuối cùng cũng được Nguyễn Trần Duy Nhất hiện thực hóa bằng chiến thắng ấn tượng. Trận chung kết World Games hôm đó cũng chính là lời chia tay sàn đấu Muay nghiệp dư quốc tế của "Độc cô cầu bại" làng Muay Việt.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 2.

Ở thời khắc bước lên bục cao nhất nhận tấm HCV lịch sử, Duy Nhất rơi lệ nhìn quốc kỳ Việt Nam tung bay trên nước Mỹ. Từ sâu trong ánh mắt ấy chứa đựng khát khao cống hiến và cả niềm tự hào dân tộc.

Hơn 25 năm gắn với võ như một "cơ duyên" định sẵn, cuộc hành trình của Nguyễn Trần Duy Nhất dường như đi đến cái kết trọn vẹn, bởi anh đã sưu tập hầu hết mọi danh hiệu cao quý.

Nhìn lại chặng đường võ thuật lắm gian truân, không hề bằng phẳng, song cũng cho Duy Nhất nhiều quả ngọt, "Độc cô cầu bại" vẫn nhớ như in về những cột mốc đặc biệt trong cuộc đời…

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 3.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 4.

"Tôi bị ấn tượng bởi những đòn chỏ và gối lợi hại của Muay Thai, nó khiến tôi mường tượng về những gì ba mẹ hay kể về võ thuật hồi còn nhỏ, nhưng khi bước vô tập luyện thì khó khăn hơn mình nghĩ. Tập càng nhiều thì tôi mới biết cách kết hợp sự nhanh nhẹn trong lối di chuyển của võ thuật Việt Nam với sự rắn chắc, mạnh mẽ của Muay để tạo ra lối đánh đặc sắc riêng và từ đó có được thành công", Nguyễn Trần Duy Nhất nói về bước ngoặt "định mệnh" với Muay Thai.

Từ cơ duyên đó, chàng võ sĩ người Lâm Đồng cũng không thể ngờ đây lại chính là bệ phóng đưa anh đến đỉnh cao và công chúng ca ngợi với danh xưng "Độc cô cầu bại".

Danh xưng chỉ đơn thuần do báo chí phong tặng nhưng nó đến từ cách Duy Nhất tạo dựng tên tuổi trên võ đài Muay nghiệp dư thế giới, nơi anh lập kỳ tích với 7 lần vô địch trong giai đoạn từ năm 2010 - 2017.

Nói về giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, Duy Nhất không thể nào quên cuộc hành trình đưa anh chạm tới ngôi vương ngay trên mảnh đất Thái Lan - quê hương của Muay Thai, vào năm 2011.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 5.

"Đó là giải đấu cực kỳ khó khăn khi tôi phải vượt qua 7 trận đấu trong vòng 7 đêm liên tiếp. Sau khi hạ hết các đối thủ mạnh ở vòng ngoài, tôi bước vào chung kết gặp đối thủ Thái Lan, đánh trên chính sân nhà của họ, võ sĩ đó rất mạnh nên trận đấu diễn ra không hề dễ dàng, tôi có thể gọi đó là một màn "kịch chiến" thật sự.

Tôi đấu bằng tất cả bản lĩnh và niềm tự hào dân tộc để khuất phục đối thủ sau ba hiệp đấu. Lúc đánh xong thì toàn thân bầm dập, suốt một tháng sau đó, cả người vẫn đau ê ẩm, mỗi lần đi tiểu đều ra máu (cười – PV).

Nhưng đổi lại, tôi có được niềm vui chiến thắng. Khi vô địch rồi thì các võ sĩ nước bạn từng bại trận dưới tay mình như Ba Lan, Ý đều chúc mừng và họ rất khâm phục khi nhắc đến võ sĩ Việt Nam. Điều đó càng khiến tôi tự hào hơn", Duy Nhất chia sẻ.

Cần phải nhấn mạnh rằng, Nguyễn Trần Duy Nhất là thế hệ võ sĩ đầu tiên của Việt Nam tiếp cận với Muay Thai. Trong khi những võ sĩ Thái Lan từ lúc lên 5-6 tuổi đã luyện Muay như cơm bữa thì mãi đến lúc 17 tuổi, Duy Nhất mới tiếp xúc với bộ môn này.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 6.

Do đó, để tạo ra kỳ tích 7 lần vô địch thế giới là điều không hề dễ dàng, dù là ở đấu trường nghiệp dư. Từ các võ sĩ Thái Lan đến Ý, Kyrgysztan, Thổ Nhĩ Kỳ… tất cả đều bị đả bại bởi võ sĩ của Việt Nam. Chính những lần vô địch đó đã đưa danh tiếng Duy Nhất vang xa, khẳng định vị thế võ thuật Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Được ca tụng là "Độc cô cầu bại", song Nguyễn Trần Duy Nhất luôn cho rằng mình không phải "độc cô" cũng chẳng hề "cầu bại" mà bản thân luôn tìm kiếm thử thách mới để chinh phục.

"Tôi luôn ý thức bản thân chỉ có một cái tên do ông nội đặt là Nguyễn Trần Duy Nhất, còn các biệt danh ai thích mình như thế nào thì họ gọi như thế đó cũng được. Tôi không suy nghĩ nhiều vì để có được thành tích như hiện tại thì bản thân đã trải qua rất nhiều cay đắng và cả những thất bại.

Đã đi theo con đường võ thuật thì có nhiều chông gai nhưng tôi muốn nói với các thế hệ võ sĩ sau này là phải có một niềm tin và sự quyết tâm, đến một ngày nào đó khi vượt qua được tất cả giới hạn của bản thân thì bạn sẽ bước đến nơi cao nhất của một nhà vô địch thực thụ", Duy Nhất cho biết.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 7.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 8.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 9.

Khi là nhà vô địch thế giới, Nguyễn Trần Duy Nhất mang theo kinh nghiệm và đẳng cấp của tay đấm Muay số một Việt Nam bước vào chinh phục võ đài SEA Games như đánh dấu mốc son hoàn hảo cho sự nghiệp.

Sẽ là "nghịch lý" khi cho rằng đã vô địch thế giới rồi thì về SEA Games có gì là khó? Song đây lại là đấu trường khiến "Độc cô cầu bại" thường xuyên nhận "trái đắng" vì nhiều lý do khác nhau.

Một trong những người thầy của Nhất là HLV Trần Trung Sơn từng thốt lên khi chứng kiến cậu học trò bị đánh cắp chiến thắng ở kỳ SEA Games 2013: "Đi đấu cả thế giới, Duy Nhất đều không có đối thủ, vậy mà về đấu SEA Games lại bị thua vì trọng tài xử ép trắng trợn". Câu nói chua chát như lột tả phần nào ấm ức của tay đấm Việt Nam ở sân chơi khu vực.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 10.

Thực tế, trước khi SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, Duy Nhất từng tham dự liên tiếp 4 kỳ SEA Games (2009, 2013, 2017, 2019) nhưng thành tích tốt nhất mà anh đạt được chỉ là tấm HCB vào năm 2009. Dẫu vậy, ở Duy Nhất không có khái niệm "từ bỏ". Sau bao cố gắng và đánh đổi, anh cũng hoàn tất giấc mơ vàng trên chính quê hương theo cách kịch tính đến khó tin.

Cuộc so tài với võ sĩ Thái Lan Chonlawit Preedasak ở trận chung kết tại Nhà thi đấu Vĩnh Phúc vào tháng 5/2022 sẽ đi vào lịch sử Muay Việt Nam vì ở đó "Độc cô cầu bại" đã phá dớp và lên ngôi vô địch SEA Games, đồng thời góp công giúp đội tuyển Muay Việt Nam phế truất ngôi vương của Thái Lan sau 13 năm lép vế.

Duy Nhất hồi ức lại: "Gặp võ sĩ Thái Lan, tôi đối mặt với áp lực rất lớn, đánh với họ chưa bao giờ dễ dàng cả. Ngay hiệp đầu tiên, tôi lui về phòng thủ để cho đối thủ tấn công dồn dập và chiếm ưu thế về điểm số.

Sang hiệp hai, tôi mới bắt đầu dồn lên và trong vô số đòn đánh tung ra có một đòn chỏ quyết định làm đối thủ chảy máu ở mí mắt. Từ lúc đó tôi chiếm ưu thế luôn đến tập hiệp 3, sau khi nhận thấy Preedasak thấm mệt thì tôi mới dồn hết sức để chiếm lấy thế trận và giành chiến thắng chung cuộc".

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 11.

Cú chỏ quyết định của Duy Nhất được xem là "pha lật kèo" lịch sử trong bối cảnh anh đang bị dẫn điểm và chính cú chỏ ấy khiến kết quả trận đấu đảo chiều. Để rồi ở tuổi 33, Nguyễn Trần Duy Nhất trở thành nam võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành tấm HCV môn Muay tại kỳ SEA Games cuối cùng anh tham dự.

"Nhiều người vẫn cho rằng SEA Games chỉ là một đấu trường khu vực nhưng với tôi thì nó có ý nghĩa cực kỳ lớn, thậm chí phải dành cả đời để chinh phục được nó chứ không hề dễ dàng gì đâu. Nó như một chiếc chìa khóa để mở cái ổ khóa cuối cùng trong bộ sưu tập thành tích Muay nghiệp dư của tôi.

Ngoài chia sẻ niềm vui, tôi muốn tạo ra nhiều động lực đến các võ sĩ trẻ sau này hãy luôn quyết tâm và giữ vững tinh thần chiến đấu qua từng hiệp, chiến đấu tới cùng. Bước lên võ đài, thân thể có thể mệt nhưng mà tinh thần không được phép mệt", Duy Nhất nói.

Mười ba năm chịu đựng nỗi đau để đổi lại bằng kết quả ngọt ngào trước chính người Thái, đó là niềm vui khó tả và thật xứng đáng đối với Nguyễn Trần Duy Nhất. Hơn nữa, điều đó càng khẳng định vững chắc vị thế tượng đài trong làng Muay Việt.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 12.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 13.

Sau ánh hào quang mà võ mang lại, Duy Nhất cũng không ít lần trải qua những thời khắc ám ảnh, một trong số đó là chấn thương nặng khiến anh suýt giã từ sàn đấu.

"Cách đây 10 năm, tôi tham gia trận đấu chuyên nghiệp với võ sĩ người Thái Lan. Sau khi chiếm ưu thế lớn ở hai hiệp đầu, vì muốn cống hiến đòn đánh đẹp để hạ đối thủ sớm nên tôi quyết định tung cú rờ-ve "chí mạng". Đây là đòn cực kỳ lợi hại của Võ cổ truyền, nếu đánh trúng cằm thì địch thủ sẽ bị "out" ngay.

Nhưng khi vừa ra đòn thì đúng lúc đối thủ cúi thấp người xuống nên tôi đánh trúng phần xương trán, đấy lại là phần xương cứng nhất ở đầu. Khi đánh xong thì tôi giựt về và có cảm giác thốn, rất đau, lúc đó tôi biết tay phải mình đã bị gãy làm đôi. Hiệp đấu còn 30 giây cuối trong khi tôi chỉ còn 2 chân và 1 tay trái nhưng cố gắng duy trì hết trận để thắng điểm, Nguyễn Trần Duy Nhất nhớ lại.

Từng chứng kiến cảnh con trai ôm cánh tay chịu đựng cơn đau, võ sư Minh Ngọc Ánh, mẹ Duy Nhất thổ lộ: "Lương tâm của người làm mẹ ai mà chẳng xót, nước mắt chảy vào trong. Nhưng tôi quan niệm với một người võ sĩ thì chấn thương là chuyện bình thường, đã đam mê thì điều đó không là gì cả. Nhất nó nghĩ 3 tháng hay 5 tháng hoặc nhiều hơn thì từ từ cũng bớt thôi. Võ thuật là phải có sự hy sinh vì nếu trơn tru quá, mọi thứ dễ dàng quá thì đâu còn là võ nữa. Đó là con đường Nhất đã chọn và nó phải đối mặt để vượt qua".

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 14.

Quãng thời gian 6 tháng ôm tay bó bột đó, Duy Nhất không ngồi yên dưỡng thương mà thường xuyên đến đội tuyển tập luyện. Giữa lúc ấy, có người đi ngang và vô tình thốt lên câu nói "Nhất ơi, mày hết thời rồi, nghỉ làm việc khác đi thôi".

Lời gièm pha của người lạ đến vào thời điểm Duy Nhất đang độ tuổi đôi mươi và đã là nhà vô địch thế giới. Tưởng chứng như lời nói ấy sẽ đánh gục tinh thần Duy Nhất, nhưng trái lại cũng nhờ đó mà "Độc cô cầu bại" bừng tỉnh: "Lúc đó, câu nói khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhưng nó lại làm cho bản thân mình có ý chí mạnh mẽ hơn và phải quyết tâm bằng mọi cách trở lại sàn đấu".

Phần còn lại của câu chuyện sau cú ra đòn dẫn đến gãy tay đó về sau đã trở thành lịch sử khi Nguyễn Trần Duy Nhất từng bước khiến người yêu võ thuật phải cảm phục trước vô số trận đấu ấn tượng mà anh tạo ra trên võ đài.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 15.

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 16.

Từ Võ cổ truyền chuyển sang Muay Thai, Duy Nhất đã thành công. Và ở tuổi 33, khi đã sưu tập đủ mọi danh hiệu, Nguyễn Trần Duy Nhất vẫn chưa muốn dừng lại.

Vào tháng 6/2022, người hâm mộ chứng kiến một Duy Nhất hoàn toàn lạ lẫm khi xuất hiện trong trong lồng bát giác. Đó chính là đấu trường tiếp theo mà võ sĩ sinh năm 1989 hướng đến.

"Nhất muốn chinh phục các mục tiêu lớn hơn và thử sức mình ở một sân chơi mới, MMA là một lựa chọn tiếp theo. Là một võ sĩ vẫn còn đam mê thi đấu thì tôi luôn ước mơ được đứng trên những sàn đấu lớn với nhiều võ sĩ nổi tiếng trên thế giới", Duy Nhất chia sẻ.

Võ đài MMA cùng những sàn đấu chuyên nghiệp như ONE Championship là thử thách mới chờ Duy Nhất chinh phục. Và khi ấy, người hâm mộ lại có dịp chờ đợi những màn tỏa sáng của "Độc cô cầu bại".

Bên cạnh lựa chọn mới, Duy Nhất vẫn duy trì công việc của huấn luyện viên đứng lớp tại võ đường No1 Muay Club ở TP.HCM với kỳ vọng đào tạo ra lứa võ sĩ kế cận tiếp bước con đường võ thuật anh đang đi .

Khi nói về khát vọng tương lai, Duy Nhất trải lòng: "Tôi muốn truyền đạt những gì mình có được cho các bạn trẻ và mong muốn sau này Việt Nam có thật nhiều võ sĩ giỏi trên nhiều đấu trường quốc tế.

Nếu có điều kiện, tôi muốn xây dựng một nơi riêng dành cho các võ sĩ để họ có chỗ vừa ăn, vừa tập, nghỉ ngơi và tổ chức các giải đấu liên tục như một nhà thi đấu. Với tôi, võ thuật là con đường tôi đã chọn và sẽ đi mãi với nó đến khi chết đi".

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 17.

Trong cách huấn luyện các học trò, Duy Nhất luôn đề cao yếu tố đạo đức vì cho rằng đó là điều quan trọng nhất để rèn luyện tính cách cho các võ sĩ trước khi lên võ đài.

"Một võ sĩ cho dù có giỏi cỡ nào mà không có đạo đức thì cũng bỏ đi, như cách mà ông nội tôi đã từng dạy "văn không võ - văn nhu nhược, võ không văn - võ hung tàn", Duy Nhất nói thêm.

Đó cũng là điều mà võ sư Minh Ngọc Ánh truyền đạt cho cậu con trai và tự hào vì những gì Duy Nhất đã làm được khi cống hiến trọn vẹn sự nghiệp võ thuật cho đất nước.

Võ sư Minh Ngọc Ánh gửi gắm: "Mình biết võ, đánh giỏi thế nào đi nữa thì ra ngoài đụng chuyện gì, ai nói gì cũng mặc kệ, cứ nhịn trước. Phải thực sự đi sâu vào võ thì mới cảm nhận được cái hay tinh thần võ sĩ đạo, phải biết nhường nhịn, yêu thương nhau. Khi thi đấu thì phải có thắng có thua nhưng mà bước xuống sàn thì vẫn bắt tay, giữ tình cảm giữa đồng nghiệp võ sĩ với nhau.

Ở võ đường, ai có hoàn cảnh khó khăn thì Nhất đều dạy miễn phí cả. Đôi khi chính những người khó khăn đó họ lại đam mê và quyết tâm tập luyện hơn người có điều kiện. Nhất giống với truyền thống gia đình ngày trước đó là giúp người quên mình, cứ cho đi mà không mong nhận lại cái gì.

Bây giờ, điều tôi mong ước là muốn Nhất giữ gìn sức khỏe để thi đấu với đam mê đến khi không còn đấu nỗi nữa thì thôi. Cứ đánh hết mình cống hiến cho khán giả những trận đấu đẹp để họ nhìn vào đó mà nghĩ rằng Nhất lớn tuổi rồi mà vẫn còn đánh được.

Muốn làm gương thì phải chấp nhận hy sinh, phải làm sao để truyền đạt lại cho thế hệ sau, dù mình có ngã xuống thì vẫn còn những tầng lớp sau bước lên kế nghiệp".

“Độc cô cầu bại” võ Việt: Hậu duệ dòng võ khét tiếng & những cuộc tỷ thí vươn tầm thế giới - Ảnh 18.

Song An
Tuệ Nhật