Thành lập vào năm 2006 khi còn là đội hạng 3, nhưng Hà Nội FC đã là một trong những câu lạc bộ thành công nhất tại Việt Nam với 6 lần vô địch quốc gia (V.League), 3 cúp quốc gia và đang giữ kỷ lục 5 lần đoạt siêu cúp quốc gia.
Hà Nội FC cũng từng vào tới tứ kết AFC Cup 2014, vô địch khu vực Đông Nam Á và vào đến trận chung kết Liên khu vực AFC Cup 2019, tương đương với vòng bán kết của sân chơi số 2 châu Á cấp câu lạc bộ - thành tích tốt nhất của các câu lạc bộ Việt Nam tại đấu trường châu lục. Tại AFC Champions League vừa qua, Hà Nội FC không đi tiếp nhưng đã tạo nên những chiến thắng chấn động châu lục trước Wuhan Three Town hay biến nhà đương kim vô địch Urawa Reds thành cựu vương.
Trong chu kỳ vàng dưới thời HLV Park Hang-seo, Hà Nội FC cũng đã cung cấp cho các đội tuyển Việt Nam những ngôi sao xuất chúng, góp phần giúp bóng đá nước nhà gây được tiếng vang lớn trên đấu trường khu vực và châu lục.
Những Hùng Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu… rồi tiếp đến lứa cầu thủ kế cận như Bùi Hoàng Việt Anh, Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Nguyễn Văn Tùng…, đã góp phần đưa bóng đá Việt Nam giành hết kỳ tích này đến kỳ tích khác.
Vị trí Á quân châu Á của U23 Việt Nam tại Thường Châu 2018, hai chức vô địch SEA Games 30 và 31, ngôi vương AFF Cup 2018, hạng tư ASIAD 18, rồi đến tấm vé lọt vào vòng loại cuối World Cup 2022 của đội tuyển quốc gia Việt Nam, tất cả đều có dấu ấn đậm nét của những cầu thủ từ lò đào tạo CLB Bóng đá Hà Nội.
Nhắc nhớ những thành tích trên để thấy rằng, dù sinh sau đẻ muộn nhưng Hà Nội FC thực sự là niềm tự hào của bóng đá thủ đô, mang lại vinh quang cho bóng đá nước nhà và làm nức lòng người hâm mộ.
Chuỗi thành tích đỉnh cao và ổn định này không đến một cách tự nhiên, mà nó là thành quả của cả một quá trình xây dựng đội bóng từ gốc rễ với một hệ thống đào tạo trẻ bài bản, thống trị tại các giải U19 toàn quốc (7 chức vô địch) hay U21 toàn quốc (6 chức vô địch) của Hà Nội FC. Hệ thống này không chỉ là nguồn cung cho Hà Nội FC, giúp Hà Nội FC nhiều năm qua là đội bóng số 1 Việt Nam, mà còn là nguồn cung cấp cầu thủ cho nhiều CLB khác ở V-League cũng như Hạng nhất.
Trong quá trình hình thành và phát triển, cái tên Hà Nội FC gắn chặt với sân Hàng Đẫy lịch sử và hào hùng. Từ năm 2017, Hà Nội T&T đã được chấp thuận đổi tên thành CLB bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC). Cũng trong năm này, UBND TP. Hà Nội thực hiện việc thí điểm giao sân Hàng Đẫy cho Công ty cổ phần Tập đoàn T&T quản lý, sử dụng, đầu tư sửa chữa, vận hành, như một sự ghi nhận và cũng như một lời khẳng định Hà Nội FC là đội bóng của thủ đô, niềm tự hào của bóng đá thủ đô.
Tiếp quản sân Hàng Đẫy, Hà Nội FC đã tu sửa cơ sở vật chất, chăm sóc mặt sân, sửa sang các hạng mục phòng chức năng, ghế ngồi... đảm bảo sân đấu đạt chất lượng cho đến tận bây giờ và sân Hàng Đẫy từng được sử dụng làm địa điểm tập luyện cho nhiều đội bóng nước ngoài khi họ sang Hà Nội thi đấu.
Cuối năm 2023, theo yêu cầu của AFC, việc 3 CLB chuyên nghiệp dùng chung 1 SVĐ như tình trạng ở sân Hàng Đẫy giữa Hà Nội FC, CAHN và Thể Công Viettel như mùa bóng 2023 và mùa bóng 2023/24 hiện tại cần phải chấm dứt, nếu không AFC sẽ cắt suất tham dự các Cúp châu Á của bóng đá Việt Nam.
Tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức đội nào rời sân Hàng Đẫy. Quyết định cuối cùng thuộc về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (đơn vị quản lý sân). Theo kế hoạch, trong tuần tới VFF sẽ có cuộc họp với đại diện Hà Nội FC, Công an Hà Nội và Thể Công Viettel để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của 3 đội.
Nhưng với 14 năm gắn bó kể từ khi lên V.League năm 2009, quá trình tu sửa hạ tầng, chăm sóc mặt cỏ và luôn là niềm tự hào của bóng đá thủ đô, Hà Nội FC xứng đáng được tiếp tục sử dụng sân Hàng Đẫy.