Djokovic thua kiện, bị trục xuất khỏi Australia

Trọng Đạt |

Djokovic sẽ bị trục xuất khỏi Australia, không thể thi đấu ở Australian Open và có thể phải đối mặt với án phạt cấm nhập cảnh vào Australia lên đến 3 năm.

Ngày 16/1, Tòa án Liên bang Australia tổ chức phiên điều trần thứ hai liên quan đến vụ Novak Djokovic bị huỷ visa và cấm nhập cảnh vào nước này. Phiên toà có góp mặt của ba thẩm phán, bao gồm Thẩm phán David O'Callaghan, Thẩm phán Anthony Besanko và Chánh án James Allsop.

Sau hơn 6 tiếng làm việc, Tòa án đã đưa ra quyết định cuối cùng. Theo đó, Djokovic đã bị xử thua kiện và phải trả toàn bộ chi phí phiên tòa.

Ngay khi tòa tuyên án, các luật sư của Djokovic xin có thêm thời gian kháng cáo và cân nhắc các hành động tiếp theo. Tuy nhiên, Chánh án Allsop, thay mặt hai Thẩm phán còn lại, tin rằng bất cứ yêu cầu nào tiếp theo cho vụ việc đều không cần thiết. Phiên xử chính thức khép lại. Quyết định và lý do đầy đủ bằng văn bản của vụ việc sẽ được công bố vào thứ hai, ngày17/1.

Trước đó, trong phần trình bày của mình, đội ngũ luật sư của Djokovic tập trung vào việc bác bỏ quan điểm cho rằng sự hiện diện của ngôi sao quần vợt này ở Australia đã “kích thích tâm lý bài trừ vắc-xin” của Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke là "vô lý và không có căn cứ".

Trong khi đó, ở phần tranh luận của mình, Stephen Lloyd, luật sư của Bộ trưởng Hawke cho biết Bộ trưởng không cho rằng việc trục xuất Djokovic có thể “kích thích tâm lý bài vắc-xin”, nhưng nếu cho phép tay vợt người Serbia ở lại thì có thể. Luật sư Lloyd nhấn mạnh Bộ trưởng nhận thức rằng “phương án nào cũng để lại hậu quả” nhưng ông không cần phải giải thích tất cả những điều đó trong văn bản của mình.

“Điều đáng lo ngại là Djokovic là một người nổi tiếng và ở nhiều khía cạnh ông là một hình mẫu…Sự hiện diện của Djokovic ở Australia sẽ thể hiện rõ ràng hơn quan điểm chống vắc-xin của ông ấy, đối với người Australia.

Người nộp đơn kháng cáo còn có tiền sử bỏ qua các biện pháp an toàn phòng dịch. Ngay cả khi bị nhiễm bệnh… ông ấy vẫn thực hiện một cuộc phỏng vấn và một buổi chụp hình không đeo khẩu trang. Bộ trưởng có quan điểm rằng sự hiện diện của Djokovic ở Australia có thể khuyến khích mọi người làm theo, bất chấp các quy định”, ông Lloyd nói.

Luật sư Lloyd nhấn mạnh, Bộ trưởng không tìm hiểu về quan điểm tiêm chủng của Djokovic, trước khi đưa ra quyết định huỷ visa của tay vợt này. Điều này cho thấy Bộ trưởng đã cố gắng xem xét và nhìn nhận sự việc một cách cởi mở và công tâm nhất. Thay vào đó, ông Hawke dựa vào tình hình thực tế khi Djokovic hiện vẫn chưa tiêm phòng, dù vắc-xin đã xuất hiện rất lâu rồi.

“Ở giai đoạn phức tạp của đại dịch, Djokovic có thể đã được tiêm phòng nếu muốn. Nhưng ông ấy đã không làm vậy dù có rất nhiều cơ hội để thay đổi. Điều này thể hiện rõ quan điểm của Djokovic về việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Đây không phải là quan điểm trung lập về vấn đề tiêm chủng”, ông Lloyd tuyên bố.

“Djokovic có quan điểm bài vắc-xin và cho dù muốn hay không, sự hiện diện của ông ấy ở Australia vẫn là một nguy cơ lớn”, luật sư này khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại