Điều đáng suy ngẫm sau tiếng chửi của CĐV Hải Phòng

Phan Huỳnh Tuấn |

Trận đấu sớm vòng 6 giữa Hải Phòng và Hà Nội kết thúc với dư âm là tiếng... chửi đồng thanh của CĐV dành cho trọng tài và cả đội khách, được nghe rõ mồn một trên sóng truyền hình.

Chắc có lẽ sẽ sớm có án phạt dành cho đội Hải Phòng, phạt tiền hoặc có thể nặng nề hơn là buộc CLB này thi đấu trên sân không khán giả vài trận. Tuy vậy, đây đều không phải là giải pháp hay.

Trên lý thuyết thì BTC phạt CLB, rồi CLB sẽ làm việc với Hội CĐV, yêu cầu chấn chỉnh hội viên, nhưng thực tế thì rất khó, vì không cần phải thuộc Hội CĐV cũng có thể đến sân xem trận đấu, và trong không khí cuồng nhiệt chỉ cần có một bức xúc nào đó, vài chục hay vài trăm người cùng... chửi thì sẽ tạo hiệu ứng lan truyền rất nhanh.

Còn chuyện thi đấu trên sân không khán giả thì BTC sẽ không mặn mà, vì đơn giản là trong lúc V-League chỉ có trung bình 5.000 - 6.000 khán giả cho một trận đấu, việc cấm người hâm mộ đến một "chảo lửa" luôn có số lượng cổ động viên dao động từ một đến hai vạn người như Lạch Tray là điều không nên.

Điều đáng suy ngẫm sau tiếng chửi của CĐV Hải Phòng - Ảnh 1.

Hình ảnh CĐV Hải Phòng giật cửa phòng họp báo chửi trọng tài (ảnh: Thanh Niên).

Trong bóng đá, có một thứ gọi là "lợi thế sân nhà", đến nỗi người ta khi tổ chức các trận đấu cũng phải chia ra hai lượt sân nhà, sân khách để đảm bảo tính công bằng cho các CLB, các đội tuyển.

Sẽ không thể nào có chuyện khán giả đến sân ngồi ngay ngắn theo dõi trận đấu, mỗi khi có pha bóng đẹp thì vỗ tay, đó là chuyện viễn tưởng. Khó có thể cấm cổ động viên ngừng gây sức ép với trọng tài, với đội khách, mà chỉ có thể thay đổi cách thức gây sức ép của họ mà thôi. Muốn khán giả không chửi bới tục tĩu thì hãy hướng họ đến việc... chửi theo kiểu khác.

Nhiều người Việt Nam chắc hẳn vẫn còn tức giận khi nhớ đến hình ảnh cổ động viên Indonesia giương tấm biển có dòng chữ "Goodbye Vietnam" tại SEA Games 2011. Nỗi uất ức ấy lớn đến nỗi 5 năm sau, ở AFF Cup 2016, nhiều khán giả Việt vẫn nhớ và đã chuẩn bị tấm bảng "Goodbye Indonesia" để đón tiếp đội khách ở trận lượt về tại Mỹ Đình.

Chỉ với những từ tiếng Anh đơn giản hầu như ai cũng biết, mà họ đã khiến cho chúng ta "tức lộn ruột" suốt nhiều năm, đâu cần phải là những câu chửi tục tĩu, mà nếu họ chửi tục, có khi chúng ta cũng không nhớ dai đến thế.

Hay nhìn sang giải Ngoại hạng Anh, giải đấu này tồn tại rất nhiều kiểu trên tức nhau của cổ động viên hai đội, cũng như dành cho các cầu thủ trên sân. 

Khó ai có thể quên việc rất nhiều cổ động viên Chelsea mang biểu ngữ "Nguy hiểm: Dễ trượt chân đấy, Gerrard!" vào sân để "chọc giận" cựu thủ quân của Liverpool, nhắc lại cú trượt chân tai hại của cầu thủ này khiến chức vô địch vuột khỏi tay Lữ đoàn đỏ.

Điều đáng suy ngẫm sau tiếng chửi của CĐV Hải Phòng - Ảnh 2.

Hãy học hỏi cách cổ vũ của CĐV tại Premier League.

Hầu như fan của bất kỳ đội bóng nào ở Anh đều có việc chế ảnh, chế biểu ngữ và đặc biệt là chế lời bài hát để giễu cợt cầu thủ hoặc HLV và cổ động viên của đối phương, các cầu thủ "tượng đài" của đối thủ luôn là đích nhắm ưa thích và nhiều khi cả các trọng tài cũng không thoát khỏi cảnh bị "troll".

Chỉ cần không có lời lẽ tục tĩu, xúc phạm nhân phẩm, chủng tộc, giới tính, tôn giáo... thì sẽ không bị điều tra hay xử phạt. Điều này tạo ra một không khí cổ động rất hay, nếu là người bên phía bị giễu cợt thì sẽ rất tức giận nhưng nếu là cổ động viên trung lập thì sẽ thấy... vui, vì nó không mang màu sắc phản cảm, mà thậm chí rất hài hước.

Cổ động viên Hải Phòng hay các CLB khác ở Việt Nam, có lẽ cũng đã đến lúc "học hỏi" từ khán giả nước ngoài. Nói gì thì nói, việc chửi tục sẽ khiến cho đội nhà bị phạt, trong khi thiện cảm của những người yêu bóng đá nơi khác cũng sẽ bị mất đi rất nhiều. Muốn tránh những điều đó, hãy thay đồi cách gây sức ép của mình.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại