Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam, IAAF vừa cho biết đã điều chỉnh lại lịch trình tính chuẩn Olympic Tokyo 2020, và để đảm bảo sự công bằng, những giải đấu diễn ra trong thời điểm từ ngày 6-4-2020 đến ngày 30-11-2020 sẽ không được công nhận nằm trong diện xét chuẩn Olympic.
Việc tính chuẩn sẽ chỉ bắt đầu từ ngày 1-12-2020 và sẽ kéo dài đến ngày 29-6-2021. Tất cả những VĐV đã đạt chuẩn trong giai đoạn từ ngày 1-1-2020 đến ngày 5-4-2020 được IAAF công nhận là giành vé chính thức đến Tokyo vào năm tới.
Đối với điền kinh Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đến hiện tại vẫn chưa có VĐV nào trong khu vực giành được vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Tham dự nhiều giải đấu, nhưng các VĐV của Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines vẫn chưa đạt được mục tiêu có VĐV đến Nhật Bản.
Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền (phải) là 2 gương mặt chủ lực của điền kinh Việt Nam.
Cho nên, khi IAAF điều chỉnh thời gian tính chuẩn mới, cũng sẽ mở ra cơ hội cho các VĐV Đông Nam Á giành vé. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, điền kinh Việt Nam lúc này chỉ tập trung cho mục tiêu giành vé ở một số nội dung thế mạnh nữ như 400m, 400m rào và tiếp sức hỗn hợp 4x400m (nội dung Việt Nam đoạt HCV và thiết lập kỷ lục mới tại SEA Games 30).
Những gương mặt chủ lực nằm trong diện này chính là nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Huyền, đương kim vô địch Asiad 2018 Quách Thị Lan, Trần Nhật Hoàng, Quách Công Lịch…
Do thông số thành tích ở các nội dung được tính chuẩn Olympic cao hơn hẳn so với kỳ Thế vận hội gần nhất, nên khả năng tranh chấp những tấm vé của điền kinh Việt Nam so với bạn bè quốc tế rất khó khăn.
Theo ông Hùng, việc IAAF chấp thuận nhiều giải đấu nằm trong lịch trình tính chuẩn Olympic sẽ tạo điều kiện cho các VĐV thi đấu nhiều hơn nhằm tích luỹ điểm để có thứ hạng thế giới cao và thuộc diện được xét chính thức.
Bảng tính chuẩn Olympic Tokyo 2020 môn điền kinh.