Trước đây nhiều năm, bản thân người viết rất thích thú khi xem Công Phượng tập luyện và thi đấu, đồng thời tin rằng, anh sẽ là một "Văn Quyến phiên bản 2.0", thậm chí sẽ vượt Văn Quyến về độ lan toả và tuổi nghề.
Kỹ thuật cá nhân của Phượng tuyệt vời, đặc biệt là động tác ngoặt bóng qua người, sự tự tin và chơi bóng không biết sợ hãi. Đấy là điều mà 4-5 năm trước chúng ta đã nhìn thấy, bây giờ, Phượng không cùn đi, nhưng đối thủ đã lớn hơn. Còn Công Phượng vẫn là "Peter Pan", vẫn "đột" xong rồi "phá", anh không thay đổi cách chơi.
Công Phượng thích qua người và ghi những siêu phẩm, bằng solo thay vì "mượn" các vệ tinh. Thực ra, siêu phẩm kiểu như bàn thắng vào lưới U19 Australia tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014, một giải giao hữu, 6 cầu thủ đội bạn đứng xem Phượng diễn.
Nhưng một bộ phận đáng kể từ người hâm mộ đến giới truyền thông, lại nói Phượng quá hay. Điều ấy hại Phượng và nó khiến anh không tiến bộ. Sau này, ở nhiều cấp độ đội bóng và giải đấu khác nhau, Phượng trở nên khó hoà nhập, thiếu tính đồng bộ trong lối chơi cũng vì lý do này.
Nếu cần một phép so sánh, thì ngay gần Công Phượng, Văn Toàn đã hoà nhập rất tốt.
Công Phượng được BTC M-150 Cup chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất trận U23 Việt Nam - U23 Myanmar.Ảnh: Phạm Tuân
Công Phượng có nhiều giải pháp khi nhận bóng, song thường xuyên, anh chỉ tìm đồng đội khi không thể đột phá được nữa. Ngay đầu trận đấu với U23 Myanmar ở M-150 Cup 2017, sau đường căng ngang mớm bóng của Văn Toàn, Phượng hoàn toàn có thể ra chân ở góc sút rất rộng, nhưng anh vẫn quyết định bắt bước 1 qua người, để rồi bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn.
Thêm nhiều tình huống sau đó nữa. Nó khác với Văn Quyến, Công Vinh..., chỉ cần một động tác lắc bóng, sau đó là dứt điểm cầu môn và nhiều % là một bàn thắng.
Ở vị trí tiền đạo, công việc được khoán là ghi bàn, chứ không phải biểu diễn, rồi kết thúc một tình huống lên bóng bằng sự thất vọng của đồng đội và bản thân. Nếu chịu khó để ý, Phượng có thể học hỏi nhiều từ đàn anh Công Vinh, Văn Quyết, từ các đồng đội như Quang Hải, Văn Long..., về các kỹ năng dứt điểm cầu môn khi có thể.
Công Phượng lười dứt điểm, bởi anh thích đột phá hơn. Anh cũng không có khả năng băng cắt đánh đầu, bởi chiều cao khiêm tốn và cả thuộc tính lối chơi không ốp khung thành đối thủ.
Nói tóm lại, dứt điểm một chạm là thứ xa xỉ với Phượng. Kỹ năng sút phạt hàng rào, Công Phượng cũng không phải người giỏi nhất. Vậy, Phượng còn tố chất gì để trở thành một cầu thủ lớn, một người "gánh team" và có thể đem lại chiến thắng cho đội bóng?
Bóng đá Việt Nam, “anh hùng xuất thiếu niên” thời nào cũng có. Công Phượng, như đã khẳng định, từng là một người như thế. Nhưng, Văn Quyến và Công Vinh giành Qủa bóng Vàng Việt Nam khi mới 19 tuổi, ghi bàn vào lưới những đội bóng hàng đầu ở các giải đấu chính thức, còn Phượng giờ đã 23 tuổi (theo giấy tờ), vẫn chơi bóng với sự thơ ngây, ngẫu hứng.
Trước đó nữa, Trần Minh Chiến giành danh hiệu Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất giải VĐQG ở tuổi 20, ghi bàn thắng vàng đưa Việt Nam vào chung kết SEA Games khi mới 21 tuổi.
Người viết hơi lo khi tân HLV Park Hang Seo kỳ vọng, rằng Công Phượng sẽ là hạt nhân chính trên hàng công của các ĐTQG Việt Nam, như lời ông nói, ở hàng loạt các hạng mục giải đấu quan trọng trong 2 năm 2018-2019 tới đây. Bởi Phượng đã lộ hết "bài" rồi và gần như không thể nâng cấp bản thân, nếu anh không thay đổi và nguy hiểm hơn, thầy anh cũng không yêu cầu anh thay đổi.