CĐV đi qua cửa khẩu biên giới giữa Qatar và Saudi Arabia mùa World Cup - Ảnh: TR.N.
Saudi Arabia , UAE, Iran, Oman đều có chính sách eVisa (visa điện tử) dành cho các CĐV có thẻ Hayya do chủ nhà Qatar cấp. Nó giúp cho CĐV sang Qatar xem bóng đá trong ngày rồi về. Qatar được giảm tải mà các hàng xóm cũng được hưởng không khí World Cup.
Nếu ngày thường, việc xin visa vào Saudi Arabia rất nhiêu khê thì nhờ World Cup, việc cấp eVisa để vào được quốc gia Hồi giáo giàu có nhất và cũng khắt khe bậc nhất thế giới Ả Rập này gần như chỉ "trong vòng một nốt nhạc" qua mạng. Đăng ký với thẻ Hayya, chúng tôi được cấp eVisa miễn phí nhập cảnh nhiều lần, thời hạn có thể tối đa 60 ngày và chỉ đóng online 24 USD phí bảo hiểm mà thôi.
Từ Doha, chúng tôi lái xe vượt 90km băng qua sa mạc cát vàng để đến cửa khẩu biên giới Abu Samra.
Do ô tô của mình không đủ điều kiện sang biên giới theo luật định, chúng tôi phải nhập cảnh ngược trở lại Qatar và đến bến xe buýt vùng biên - nơi "tập kết" luân chuyển các CĐV qua lại hai nước để đi xem World Cup miễn phí. Có đến biên cương này mới thấy tận mắt sự chuẩn bị chu đáo từ cả nước chủ nhà Qatar lẫn láng giềng Saudi Arabia nhằm phục vụ đi lại của các CĐV.
Cơ quan Giao thông công cộng phía Saudi tăng cường tần suất dịch vụ đưa đón bằng 55 xe buýt đưa rước CĐV qua lại giữa đồn biên phòng Salwa của nước này và đồn biên phòng Abu Samra phía Qatar.
Hai gian lều khổng lồ dựng lên giữa sa mạc với tràn ngập hình ảnh, màu sắc về giải đấu World Cup 2022 được dùng làm nơi xuất nhập cảnh cho người Saudi và du khách từ khắp nơi trên thế giới sang Qatar xem bóng đá dễ dàng hơn bao giờ hết.
"Rất thuận tiện! Chúng tôi xem trận Morocco thắng Bồ Đào Nha rồi qua đây để hành hương đến thánh địa Mecca" - hai CĐV Anwar Ali và Sadie Akbar trên chuyến xe buýt xuyên biên giới nói.
Trước đây đồn biên phòng Salwa - biên giới đất liền duy nhất của Qatar - từng bị đóng cửa suốt hơn ba năm rưỡi kể từ tháng 6-2017 do bất đồng chính trị hai nước và chỉ mở cửa trở lại vào tháng 1-2021 sau ba năm rưỡi gián đoạn.
Trước World Cup, cửa khẩu này lại được mở rộng gấp 4 lần so với trước đây, cho phép 12.000 ô tô mỗi chiều qua lại mỗi ngày. Chúng tôi nghỉ đêm trên đất Saudi tại Al Hofuf - thành phố cổ kính thuộc vùng ốc đảo lớn nhất thế giới Al Ahsa. Giữa lòng sa mạc mênh mông, thành phố có nhiều cây cọ này khá tĩnh lặng và bình yên.
Một vài sạp quần áo ở chợ trung tâm treo bán Green Falcons (áo đấu tuyển Saudi), áo tuyển Argentina và quả bóng Al Rihla.
Trong khi đó, mặt tiền cung điện mái vòm Qasr Ibrahim nằm ở phía bắc phố Alqoat, di sản lâu đài và pháo đài từ thời đế chế Ottoman năm 1555 (một trong sáu di sản văn hóa thế giới UNESCO của Saudi), chiếu đèn lên tường những hình ảnh đẹp về văn hóa quốc gia và cả cổ động bóng đá.
Umesh Dhami và Puritan Khadka - hai nhân viên khách sạn Al-Koote đến từ Nepal - cho biết họ theo dõi các trận đấu World Cup qua màn hình tivi giữa khuôn viên khách sạn - nơi có thể chứa gần 100 khách ngồi xem cùng lúc. Với tình yêu bóng đá, những người lao động nhập cư ở Al Hofuf đến từ Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... vẫn có thể xem World Cup, thích Messi và tuyển Morocco.