img
“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 1.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra sau gần 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong gần 20 năm, đây mới là chuyến thăm chính thức lần thứ hai của Chủ tịch nước ta. Bản thân điều đó đã nói lên tầm quan trọng của chuyến thăm.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đã có bước phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt lúc đó Mỹ trở thành một đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Nếu như vào năm 1995, khi hai nước bắt đầu bình thường hóa, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chỉ khoảng 200 triệu USD, thì đến cuối 2012, trước chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là khoảng 20 tỷ USD, tức là tăng gấp 100 lần. Mỹ cũng trở thành địa bàn xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thực hiện chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo hai nước đều cảm nhận rằng đã đến lúc xác định một khuôn khổ mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Khi quyết định nâng cấp quan hệ, điều quan trọng nhất trong công tác chuẩn bị cũng như thống nhất giữa lãnh đạo hai nước là phải xác định rõ ràng các nguyên tắc của đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Các nguyên tắc được nêu rất rõ: trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của nhau.

Đặc biệt Việt Nam và Mỹ là hai nước có chế độ chính trị khác nhau. Việc đưa nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau theo đề nghị của ta và hai bên thống nhất được là điều hết sức có ý nghĩa.

Rõ ràng quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ có những điểm phức tạp: hai nước dù sao cũng trải qua cuộc chiến, di chứng và hậu quả chiến tranh rất lớn và không phải là không có những tiếng nói trái chiều trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ở cả hai bên.

Trong thời gian ở Mỹ tôi đã đi thăm 40 bang. Qua những chuyến đi, tôi cũng cảm nhận được ở phía Mỹ, có những người rất nhiệt tình, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nhưng cũng có những người vẫn giữ thái độ dè dặt.

Hoa Kỳ có 58.000 lính thiệt mạng và 1983 trường hợp bị mất tích. Về phía chúng ta cũng vậy. Hơn 3 triệu người Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến. Khi tôi nói, rất nhiều người Mỹ cũng bất ngờ, họ không nghĩ đến con số đó. Đó là chưa nói đến vấn đề chất độc màu da cam, bom mìn còn sót lại.

Vì vậy, quan hệ giữa hai nước cần có những bước đi phù hợp, không thể đốt cháy giai đoạn.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 3.

Từ hai nước cựu thù, trở thành đối tác toàn diện, theo tôi, điều quan trọng là phải xây dựng được lòng tin với nhau. Để có quan hệ tốt với nhau, giữa con người cần có lòng tin, thì giữa quốc gia với quốc gia càng cần có lòng tin.

Vì vậy, việc lãnh đạo hai nước tuyên bố nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau, bên cạnh tôn trọng độc lập chủ quyền là rất quan trọng. Điều này góp phần củng cố lòng tin trong quan hệ hai nước, đã củng cố lòng tin thì mới có đà thúc đẩy quan hệ trong những năm tới.

Trong tất cả các Tuyên bố chung Việt Nam thiết lập Đối tác toàn diện hay Đối tác chiến lược với các nước khác nhau có lẽ chỉ duy nhất với Mỹ chúng ta có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau, điều này cũng thể hiện sự đặc thù trong quan hệ hai nước.

Nguyên tắc đó được kế thừa cho đến nay, các đời Tổng thống Mỹ sang thăm và các lãnh đạo của nước ta sang thăm tiếp theo sau đó, như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay các lãnh đạo khác, bao giờ cũng nhắc lại nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 4.

Khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ, tôi đã đến gặp ông Patrick Leahy, Chủ tịch Thượng viện. Ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện mà sau này, khi gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở tòa nhà Thượng viện ông cũng kể lại.

Đó là trước khi trở thành Chủ tịch Thượng viện, ông có sang thăm Việt Nam và tham gia vào một hoạt động trao tặng xe lăn cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn. Ông có gặp một thanh niên Việt Nam. Người này đề nghị ông bế mình lên xe lăn. Ông Leahy đồng ý và cảm giác đầu tiên của ông là hụt hẫng vì người đó quá nhẹ cân. Và đến khi ông bế người này lên, anh ấy nắm lấy cổ áo ông. Vị Thượng nghị sĩ bối rối vì không hiểu hành động của người thanh niên. Nhưng sau đó, người này kéo áo ông lại và ôm choàng lấy ông. Ông có nói với tôi rằng, cả đời ông không bao giờ quên được hành động của người thanh niên Việt Nam đã mất cả 2 chân vì bom mìn của Mỹ mà lại có thái độ bao dung như vậy.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 5.

Thượng Nghị sĩ Leahy cùng phái đoàn của USAID tới trao xe lăn và máy trợ thính cho người khuyết tật tại Đà Nẵng. Ảnh: USAID Vietnam

Từ sau đó trở đi, với tư cách là Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ, ông không bao giờ quên dành một khoản tiền từ ngân sách Quốc hội Mỹ dành cho hoạt động rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh và các hoạt động nhân đạo giữa 2 nước.

Khi tôi kết thúc nhiệm kỳ, tôi có lên chào tạm biệt ông. Ông chúc mừng tôi hoàn thành nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Mỹ một cách xuất sắc. Tôi cảm ơn ông nhưng xin phép được nói lại với ông rằng, với tôi, có lẽ người thanh niên Việt Nam mà ông đã bế lên chiếc xe lăn đó mới là người đại sứ xuất sắc nhất của Việt Nam.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 6.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Tổ Quốc. Ảnh: Thanh Pham

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 7.

Khi tôi đi thăm Pittsburgh, tại lễ tiếp đón vào buổi tối, tôi có gặp hai cựu chiến binh Mỹ. Tôi hỏi họ đã từng quay lại Việt Nam chưa. Một người nói rằng, sau mấy chục năm ông ấy chưa quay trở lại. Tôi có đưa ra lời mời nhưng người cựu binh không trả lời. Tôi hiểu rằng có thể ông ấy có những lý do không tiện nói ra. Tôi quay sang người cựu binh thứ hai. Người này vừa mới quay lại Việt Nam trước đó ít lâu. Thì ra, trong chiến tranh, ông ấy từng ở Đà Nẵng và có góp phần xây dựng một trại trẻ mồ côi ở đây.

Ông kể rằng, lần đầu tiên khi ông trở lại Việt Nam, ông gọi một chiếc taxi và chỉ đường cho người tài xế đưa ông đến nơi trước đây là trại trẻ mồ côi mà ông xây dựng. Khi tới nơi, ở đó đã không còn là trại trẻ mồ côi mà là một công trình khác. Nhưng trước tòa nhà có đặt tấm biển ghi rõ nơi đây từng là trại trẻ mồ côi do cựu binh Mỹ xây dựng nên. Khi đó, vị cựu binh đã bật khóc.

Tôi có hỏi người cựu binh tại sao sau hơn 30 - 40 năm chưa quay lại mà lần đầu tiên đến Đà Nẵng, ông lại có thể nhớ và chỉ đúng con đường đó. "Không đêm nào tôi không nghĩ đến việc quay trở lại Việt Nam và ‘đi’ lại con đường đó", ông trả lời tôi.

Cuộc chiến tranh để lại rất nhiều dấu ấn với những cựu binh Mỹ. Cuộc chiến biến hai nước thành kẻ thù nhưng chính những cựu chiến binh đã đưa hai nước trở lại với nhau.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 8.
“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 9.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 10.

Năm 2013, tôi được mời tham dự cuộc gặp thường niên của Liên đoàn những gia đình có con em chết và mất tích trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Tôi là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tham dự sự kiện này.

Trước đó Liên đoàn phản đối gay gắt việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Khi tôi sang, họ mời và tôi nhận lời. Tại sao ta lại không tham dự vì việc hợp tác từ đơn phương đến song phương trong giúp đỡ tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh là rất lớn.

Hôm đó có vợ tôi đi cùng. Mặc dù vẫn có an ninh tháp tùng, tôi cũng nói trước với vợ tôi rằng, có thể họ sẽ có những phản ứng cực đoan, thậm chí chúng tôi có thể bị hắt bia rượu, la ó nhưng hãy cứ giữ bình tĩnh. Cuộc gặp có khoảng 400 - 500 gia đình tướng tá, kể cả cựu quan chức trong chính quyền Mỹ đến dự. Tôi được mời làm diễn giả chính trong buổi đầu tiên.

Và tôi đã bắt đầu bài phát biểu bằng chính trải nghiệm của mình trong chiến tranh - cuộc chiến tranh mà phía Hoa Kỳ gọi là chiến tranh Việt Nam còn chúng ta gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngay từ tên gọi, đã cảm nhận được sự khác nhau trong cái nhìn về cuộc chiến nhìn từ hai phía.

Trong bài nói của mình, tôi kể về tuổi thơ sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ tôi công tác ở Hà Nội còn 5 anh chị em đều phải đi sơ tán khỏi Thủ đô. Chúng tôi sơ tán ở những nơi khác nhau, để nếu không may bom Mỹ rơi xuống, thì trong số 5 anh chị em vẫn có người sống sót.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 11.

Ở nơi sơ tán, hầu như đêm nào tôi cũng phải thức dậy 4 - 5 lần để chui xuống hầm trú ẩn vì có báo động máy bay Mỹ. Nhiều lúc, tôi ngủ luôn dưới hầm. Và lúc đó ước mơ của đứa trẻ 9 - 10 tuổi không phải là bố mẹ lên thăm, cũng không phải tôi được về Hà Nội mà chỉ là một đêm ngủ ngon giấc không có máy bay Mỹ đánh phá. Lúc đó, tôi cũng không nghĩ rằng, một ngày mình sẽ là Đại sứ Việt Nam ở Mỹ để thúc đẩy quan hệ hai nước. Rất may là cả 5 anh chị em còn sống sót trở về. Nhưng không phải gia đình người Việt Nam nào cũng may mắn như vậy.

Cả hội trường lặng đi.

Tôi tiếp tục kể cho họ nghe về các nỗ lực của Việt Nam từ đơn phương tìm kiếm trao trả hài cốt lính Mỹ cho đến hợp tác song phương. Tôi đề nghị hai bên cùng thúc đẩy nhanh hơn nữa việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ vì thời gian không ủng hộ chúng ta, nhiều nhân chứng có thể mất đi. Tôi cũng đề nghị nếu họ tìm thấy gia đình nào còn giữ kỷ vật của bộ đội Việt Nam hy sinh như Nhật ký Đặng Thùy Trâm thì hãy trao lại cho chúng tôi, hãy giúp chúng tôi tìm kiếm những người thân của Việt Nam.

Mọi người đứng dậy vỗ tay thật lâu và cuộc gặp diễn ra rất xúc động.

Một kỷ niệm khác mà tôi rất nhớ nữa là cuộc nói chuyện ở Đại học bang Arkansas. Tôi phát biểu xong thì có một người phụ nữ gốc Á đặt câu hỏi cho tôi bằng tiếng Anh, về vấn đề dân chủ nhân quyền. Tôi có hỏi, có phải bà là người ra đi từ Việt Nam không và bà đã bao giờ quay trở lại Việt Nam chưa?

Bà ấy nói đúng là bà ấy ra đi từ Việt Nam nhưng chưa trở lại và cũng chưa có ý định quay trở lại Việt Nam.

Tôi quay sang hỏi những bạn bè ở trong hội trường: Có bao nhiêu người Mỹ ở đây đã đến Việt Nam, một lần hoặc nhiều lần. Rất nhiều cánh tay giơ lên.

Tôi nói với bà ấy: "Chị là người Mỹ gốc Việt, chị nói chị rất quan tâm đến tình hình Việt Nam nhưng qua những gì chị kể thì tôi hiểu rằng chị vẫn mang hình ảnh Việt Nam từ lúc chị ra đi từ những năm 1974 - 1975. Và giờ tôi có giải thích gì thì chị cũng không nghe đâu. Tốt nhất là tôi mời chị về Việt Nam, trước mặt những người bạn Mỹ, tôi cam kết bảo đảm an ninh cho chị. Khi chị thăm Việt Nam rồi, chúng ta có thể tiếp tục nói chuyện với nhau"

Bà ấy im lặng và không chất vấn tôi nữa.

Tôi có suy nghĩ rằng, chúng ta cần có hiểu biết, cảm thông với những người ra đi trong những hoàn cảnh như vậy.

Có những người mất tất cả, mất gia đình trong cuộc ra đi, nên chúng ta phải hiểu được nỗi đau, nỗi mất mát đó. Ta có cảm thông để từ đó chủ động hơn, tiến gần hơn đến với họ vì cộng đồng người Việt ở đâu cũng là máu thịt của chúng ta. Và chúng ta cảm thông, chia sẻ với họ, hỗ trợ bằng chính sách trong nước cũng như trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.

“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 12.
“Đại sứ” xuất sắc nhất và điều đặc biệt trong Tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 13.
Đoàn Lan Hương
Thanh Pham, TTXVN, AP, Reuters
Bạch Quả
Theo Tổ quốc14/07/2020