Cựu Vua phá lưới giải VĐQG 1993 vất vả mưu sinh sau khi giải nghệ

Thái Hải |

Cựu tuyển thủ ĐTQG Nguyễn Công Long, Vua phá lưới giải VĐQG 1993 với thành tích 12 bàn/10 trận hiện đối diện nhiều khó khăn trong cuộc sống sau khi rời xa sân cỏ.

Cuộc sống khó khăn của cựu tuyển thủ Nguyễn Công Long

Nhắc tới bóng đá Bình Định thập niên cuối 80 đầu 90, mọi người sẽ nhớ đến tiền đạo Nguyễn Công Long, người giành danh hiệu vua phá lưới giải VĐQG 1993 với 12 pha lập công, hiệu suất 1,2 bàn trên trận mà đến thời điểm này chưa tiền đạo nào của bóng đá Việt Nam phá được kỷ lục này.

Vinh quang trên sân cỏ là vậy, nhưng khi giã từ sự nghiệp quần đùi áo số, Nguyễn Công Long lại khá lận đận với công tác huấn luyện.

Không có duyên với V-League

Ghi hai bàn thắng quan trọng ở trận đấu cuối mùa giải 2000 giữa Bình Định và Cấp nước Đà Nẵng, giúp đội bóng đất Võ giành quyền lên chơi V-League mùa giải 2001-2002, một năm sau Nguyễn Công Long chuyển sang làm trợ lý các đời HLV trưởng của Bình Định như Dương Ngọc Hùng, sau đó là Nguyễn Ngọc Thiện.

Trong vai trò HLV phó, ông cùng đội bóng quê hương giành được hai danh hiệu vô địch Cúp Quốc Gia trong hai năm liên tiếp 2003 và 2004, cùng với Bình Định dự AFC Champions League hay còn gọi là Cúp C1 châu Á mùa 2004.

Nhưng rồi ngày vui chẳng dài, vòng xoáy kinh tế khiến bóng đá Bình Định lâm vào khủng hoảng năm 2008, hàng loạt trụ cột ra đi, và đó cũng là mùa giải cuối cùng đội chủ sân Quy Nhơn góp mặt ở sân chơi V-League.

Để thua Đồng Tháp trong trận play-off, bóng đá Bình Định phải xuống chơi ở giải hạng Nhất 2009, đó cũng là thời điểm ông Long phải ra đi vì không tìm được tiếng nói chung với nhà tài trợ mới. TP.HCM là nơi ông chọn để bắt đầu sự nghiệp và công việc mới cùng gia đình.

Cựu Vua phá lưới giải VĐQG 1993 vất vả mưu sinh sau khi giải nghệ - Ảnh 2.

Nguyễn Công Long (số), thời còn thi đấu cho Bình Định. Ảnh: NVCC.

Lận đận tìm bến đỗ

Với kinh nghiệm từng nhiều năm làm trợ lý cho Bình Định ở V-League, lại là tuyển thủ của ĐT Việt Nam những năm 1993, 1994, Nguyễn Công Long ngay lập tức được nhận vào HLV cho trung tâm bóng đá PVF. Ông chính là thầy của những Trọng Long, Khắc Khiêm... hiện đang là trụ cột của U17 Việt Nam và PVF.

Bén duyên với nghiệp gõ đầu trẻ được một năm, đầu năm 2010 Nguyễn Công Long đươc HLV Lại Hồng Vân mời về làm trợ lý ở đội Kiên Giang, lúc này đang thi đấu tại V-League. Ký ức và bản năng nghề nghiệp trỗi dậy, Công Long xin nghỉ ở PVF để về làm phó tướng cho người đàn anh.

Thấm thoát gần 3 mùa giải làm HLV phó ở Kiên Giang, trải qua nhiều thăng trầm khi đội bóng miền Tây thường xuyên phải đối mặt với việc rớt hạng, đến năm 2013 ông Long lần thứ 2 đón nhận tin không vui. Kiên Giang bỏ V-League năm đó, bản thân ông bị đội bóng chủ quản nợ 6 tháng lương cùng tiền thưởng mà đến lúc này vẫn chưa được thanh toán.

Quay về TP.HCM với rất nhiều khó khăn vây quanh, Công Long quyết định bán căn nhà bên Gò Vấp, mua lại căn chung cư nhỏ ở Tân Phú với diện tích 28m2 làm nơi sinh sống cho cả gia đình. Gần một năm rưỡi thất nghiệp, ông Long được các đồng nghiệp ở Cảng Sài Gòn giới thiệu vào làm bảo vệ ở một xưởng in bên Gò Vấp hồi cuối năm 2014.

Cựu Vua phá lưới giải VĐQG 1993 vất vả mưu sinh sau khi giải nghệ - Ảnh 3.

Nguyễn Công Long (phải) thời làm HLV phó ở Kiên Giang.

3 năm chưa một đêm ngủ ở nhà

Một mình mưu sinh, ông Long là lao động chính cho cả gia đình khi người vợ bị bệnh không thể tìm việc làm. Cô con gái duy nhất hiện đang theo học năm 2 tại một trường Đại học nên với mức lương 7 triệu/tháng nhận được từ việc trông xưởng in, cựu HLV này phải chắt chiu lắm mới đủ lo cho cả nhà.

Nhận thấy khó khăn của người em, người đồng nghiệp cùng thời, HLV Nguyễn Hồng Phẩm hiện đang làm cho Học viện Nutifood JMG và HLV Đặng Trần Chỉnh cựu thuyền trưởng Bình Dương mở ra trung tâm bóng đá HCA và để cho Công Long đứng lớp giảng dạy.

Với mức thu nhập gần 2 triệu mỗi tháng từ lớp bóng đá cộng đồng này, ông Long có thêm một khoảng thu nhập để chăm lo cuộc sống cho gia đình. Không những thế, mỗi khi có người giới thiệu làm trọng tài các giải bóng đá phong trào Công Long cũng nhận làm với mức thù lao 150 nghìn/trận.

Cựu Vua phá lưới giải VĐQG 1993 vất vả mưu sinh sau khi giải nghệ - Ảnh 4.

HLV Nguyễn Công Long hiện đang dạy bóng đá ở trung tâm HCA.

Vì phải đến lớp bóng đá cộng đồng vào buổi sáng lúc 7h30, buổi chiều nhiều khi phải làm thêm trọng tài để kiếm thu nhập nên Công Long xin Giám đốc công ty in cho mình được trực xưởng vào ban đêm, từ 18h30 đến 06h30 sáng hôm sau.

Một ngày 24 tiếng, ông Long chỉ tranh thủ về ăn cơm trưa với vợ con. Hơn 3 năm qua, chưa một đêm nào được ngủ ở nhà, căn phòng nhỏ với chiếc giường giản đơn là nơi ông tựa lưng nghỉ ngơi mỗi khi màn đêm buông xuống.

Khó khăn là vậy nhưng Công Long lại tìm thấy niềm vui mỗi khi ra sân được hướng dẫn cho các cầu thủ nhí những kỹ thuật ban đầu với trái bóng tròn. Cựu vua phá lưới 1993 chia sẻ: "Dù công việc ở xưởng in có mệt nhọc nhưng khi ra sân cùng tụi nhỏ tôi lại tìm thấy niềm vui, quên hết nỗi buồn.

Giờ này dù đã đi xa quê hương nhưng tôi vẫn dõi theo từng thay đổi của bóng đá Bình Định. Vẫn hy vọng một ngày bóng đá quê tôi sẽ trở lại với sân chơi chuyên nghiệp, nơi mà sân Quy Nhơn từng được ví như chảo lửa của bóng đá miền trung".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại