Thống kê lúc này của ĐT Việt Nam đang… đỏ lòe một màu nhức nhối. Chúng ta thua tới 9/10 trận gần nhất, chỉ thắng 1 trước Philippines.
Tối qua, ĐT Việt Nam có thất bại thứ hai liên tiếp trước Indonesia, cùng với tỷ số 0-1. Trước chuỗi trận đáng thất vọng của ĐT Việt Nam dưới thời tân HLV Troussier, cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng đưa ra nhận định:
"Không phải do hết HLV đâu, ông ấy chỉ là một phần thôi. Nhưng đội tuyển Việt Nam, với tất cả những yếu tố con người tốt nhất bây giờ ấy, có gọi lên cũng thế thôi. Tại vì ĐT Việt Nam tới thời kì thoái trào rồi.
Tất cả các cầu thủ lứa Thường Châu tới bây giờ, các em hết động lực rồi. Các em chững lại, đang đi xuống rồi, chẳng còn khát khao, nhìn thấy gì phát triển thêm nữa. Lên tới đội tuyển như thế này là hết rồi.
Còn về chiến thuật thì nói thật ra chẳng có ông nào, kể cả Pep Guardiola về cũng thế thôi. Vì quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Cứ nói là Pep, Mourinho… tại sao họ làm CLB hay được, vì các CLB khi đá, HLV về làm, muốn thay đổi cách chơi, tư duy… thì có thể mua bán được, chọn cầu thủ phù hợp được. Còn ĐTQG, chọn những cầu thủ hay nhất rồi thì làm sao thay đổi từ nước khác về lấp vào?
Nên HLV Troussier sử dụng người, ông ấy có nguyên tắc riêng và chúng ta phải tôn trọng. Tức là ông ấy sử dụng những con người qua giám sát, thấy đang ổn định phong độ.
Ví dụ trường hợp Hùng Dũng. Trận trước đấu Indonesia tại Asian Cup là không có. Bản thân Dũng ở CLB cũng có đá mấy đâu. Đợt này HLV Troussier gọi Dũng lên, xếp đá, có lẽ là chiều NHM đấy. Nhưng Dũng có đá được mấy đâu vì phong độ ở CLB cũng chưa tốt, thì làm được cái gì?
Nên HLV Troussier làm vậy, cho NHM nhìn luôn. Rồi mọi người bảo tại sao không cho Tiến Linh, không cho Quang Hải vào sân? Quang Hải từ lúc ở Pháp về, đá thế nào, vào thì làm gì ở đấy? Văn Toàn là cầu thủ thiên về sự chăm chỉ, chủ yếu là tận dụng khả năng chạy nhanh. Bây giờ sức đuối rồi thì bứt tốc làm sao nữa? Tiến Linh thì không tốt về kĩ thuật, thi thoảng băng vào dứt điểm có bàn, mọi người lại nghĩ này nghĩ kia chứ vào thì phối hợp được với ai?".
Sau thất bại trước Indonesia, HLV Troussier vẫn tỏ ra tự tin, khi cho rằng nhìn thấy nhiều vấn đề để ĐTQG tiến bộ hơn. Ở điểm này, cựu trung vệ Mạnh Dũng phân tích:
"Tốt hơn so với cả ĐT Việt Nam vài tuần, vài tháng trước thôi. Trong quá trình làm việc của HLV Troussier, theo tiến trình ông ấy đặt ra, thì lứa cầu thủ này họ có tiến bộ. Đó là sự tiến bộ theo góc nhìn của HLV.
Còn chuyện nhìn nhận điểm sáng hay không ở NHM, nó thật ra không quan trọng, cứ thắng là hay.
Với tôi, đội tuyển này trong 3 năm nữa sẽ đi xuống, rồi thay một lứa mới, may ra mới có cơ hội. Tôi đã nói rồi, HLV không phải yếu tố đầu tiên quan trọng nhất. Đầu tiên phải là yếu tố con người. Vì làm đội tuyển là bất khả kháng, rất khó thay".
Về chi tiết trận đấu, hôm qua chúng ta đã gặp bước ngoặt lớn khiến đang từ tỷ số hòa thành thua, là pha ném biên xa của Arhan vào thẳng vùng cấm địa, đi qua hết hàng thủ khiến Minh Trọng giật mình, phá sang Egy ở ngay cạnh, để đối phương dễ dàng ghi bàn.
Trước đó, U23 Việt Nam dưới tay HLV Troussier cũng 2 lần để U23 Indonesia dùng bài ném biên ghi bàn tại SEA Games.
Tình huống ném biên của Arhan như thành một vết hằn cả về chuyên môn lẫn tâm lý cho bóng đá Việt Nam. Vậy đâu là lý do?
"Trong bóng đá, bất cứ hàng nào cũng cần có một thủ lĩnh. Thủ lĩnh hàng hậu vệ, tiền vệ, trên hàng công là một người đinh, cộng thêm thủ môn là xương sống dọc sân.
Người được điều khiển toàn bộ hàng thủ là thủ môn vì có khả năng nhìn rõ nhất. Nhưng người điều khiển, phân phối, thủ lĩnh hàng thủ, xem các vị trí vào đâu, vào đâu, để cuối cùng còn một khẽ hở thì sẽ lót vào, đó là trung vệ thủ lĩnh. Chúng ta không có trung vệ thủ lĩnh lâu rồi, từ năm 2003.
Kể cả có là ai đi nữa, quả ném biên có hiệu quả không? Trên thế giới nhiều đội làm rồi, nhưng không ghi được nhiều bàn thắng như Indonesia. Vấn đề là do hàng thủ đối phương các đội trên thế giới, họ có cách để chống. Cách đó cũng không có gì ghê gớm cả, vì thực ra ném biên còn không nguy hiểm như đá phạt góc. Nhưng ném biên lại là một yếu tố bất ngờ.
Thường người ta nghĩ ném biên thì gần thôi, không xa vậy. Đôi khi nó tạo ra sự chủ quan nữa, vì ném biên thì nó nhẹ, không căng như quả đá phạt góc bằng chân. Nên đôi khi hàng thủ thì không nghĩ về quỹ đạo đi bóng, lực đi bóng bay đủ làm ảnh hưởng cầu môn không. Nhưng với ném biên thì người ném lại chủ động được hơn về việc ném tới đâu, như thế nào. Khi họ ném vào chỗ đã được tập kĩ, ví dụ đánh đầu ngược lại thì đôi khi tạo sự giật mình cho đối phương.
Lỗi chính của hàng thủ Việt Nam là sự chủ quan và không chủ động. Không có thủ lĩnh hàng thủ để chỉ đạo kèm ai, như thế nào. Nếu có thì người ta sẽ quan sát xem còn gì hổng để bọc lót. Như tôi ngày xưa đá trung vệ thì bao giờ cũng thế, luôn điều phối các vị trí đứng, kín rồi, còn khe nào có thể xảy ra thì mình bắt bài.
Về Minh Trọng thì thật ra tôi cũng không rõ cậu ấy nữa, mới mẻ quá. Nhiều cầu thủ trên tuyển giờ quá mới mẻ. Về tình huống thua bàn, thường sẽ không do lỗi cá nhân mấy, trừ khi anh cầm bóng, đi trong vòng cấm hoặc không phá lên, để đối phương cướp được ghi bàn thì là cá nhân.
Còn đây là lỗi của cả một hệ thống phòng ngự, chiến thuật của cả tập thể. Chưa nói việc trong vùng cấm địa chúng ta bỏ kèm người, không chuẩn bị phương án hai, cái nữa là khi bên họ ném biên, cần một cầu thủ đứng ra đó rồi làm các động tác giả, nhảy nhảy, ngăn cản cho đối phương mất tập trung, ném kém chứ? Làm gì có ai đâu, để trống không cho Arhen ném theo ý còn gì nữa? Nên đó là lỗi của cả một hệ thống" – cựu tuyển thủ Mạnh Dũng tiếp.
Khi cố hỏi cựu trung vệ Mạnh Dũng về một điểm tích cực của tuyển sau thất bại tối qua, anh chia sẻ: "Điểm tích cực của ĐT Việt Nam, theo tôi là những cầu thủ dự bị trước đây vốn chính thức, không thấy phản ứng gì, vẫn ra khởi động chuyên nghiệp… tinh thần đoàn kết đấy là điểm sáng, còn lại tôi chẳng thấy điểm sáng gì cả…"
Trước trận đấu, đã có rất nhiều kỳ vọng vào Quang Hải, khi ngôi sao này có các khởi sắc tại CLB CAHN. Bởi thế, việc HLV Troussier không sử dụng Quang Hải tối qua làm nhiều người thắc mắc. Về phần mình, cựu tuyển thủ Mạnh Dũng nghĩ khác:
"Tôi nói thật là chuyện có nên gọi Quang Hải vào đội tuyển không còn chưa chắc ý. Ở bên Pháp về, cậu ấy chơi tệ. Về với CLB CAHN, đá đã ra gì đâu mà gọi là hay? Ông Troussier gọi theo tên tuổi thôi. Quang Hải có tiến bộ hơn thật, nhưng là hơn so với khi xuống hết đát ở Pau FC về thôi. Thời gian qua cậu ấy về CLB CAHN thì tiến bộ hơn thôi chứ chưa trở lại đỉnh cao như trước. Thế nên Quang Hải hay Công Phượng thì như nhau thôi. Không phải như dư luận nói là cho Quang Hải vào để cứu đội đâu.
Kể cả Hùng Dũng, cứ bảo có cậu ấy vào thì sẽ đánh chặn được. Nhưng hôm qua Hùng Dũng đá cũng bình thường thôi".
Gạt đi những nỗi buồn ở thất bại tối qua, chúng ta giờ đây phải hướng về trận lượt về tại SVĐ Mỹ Đình ngày 26/3 tới. Indonesia đang có ưu thế vị trí cao hơn Việt Nam, tâm lý thoải mái hơn. Vậy họ sẽ đá thế nào và tuyển Việt Nam cần chơi ra sao?
"Ở khu vực ĐNÁ thì bóng đá ngang ngang nhau thôi. HLV họ cũng là châu Á, khi đá sân khách sẽ mang tâm lý thận trọng. Châu Âu cũng thế nhưng ít hơn. Châu Á ở sân nhà ưu thế thì bung lên, sân khách thì phòng thủ chặt. Đấy là điều mặc định trong đầu rồi. Khi Indonesia sang mình đá, tất nhiên họ vẫn sẽ tôn trọng đội chủ nhà, tôn trọng cái tên trong quá khứ của ta, đã từng thắng họ.
Khi họ tôn trọng mình, cộng thêm nguồn lực cầu thủ nhập tịch, thể lực dồi dào và đá thủ, chúng ta không có biện pháp chuẩn, đuối thể lực, cứ dồn dập lên rồi bị phản công thì dễ ăn đòn lắm.
Cụ thể ở trận đấu tới, chúng ta sẽ xử lý ra sao, còn cần HLV Troussier lên dây cót tinh thần cho cầu thủ, chọn con ngươi thế nào phù hợp.
Trận lượt về, cho tất cả những cầu thủ chiều ý dư luận, như Văn Toàn, Văn Thanh, Tiến Linh, Quang Hải… vẫn thua thì tất cả biết nói gì?
Nếu là tôi chọn cầu thủ ấy, thì tôi cũng chọn như đa số HLV trên thế giới thôi, tức là thông qua màn trình diễn của cầu thủ tại giải V.League. Ai đang ổn định phong độ thì cho vào đội hình. Tôi sẽ không chọn theo cái tên.
Còn đội hình hiện tại, để nói chuẩn thì khó lắm, may hơn khôn, liệu cơm gắp mắm thôi. Đội hình này đá khó thắng lắm.
Những con người đó vẫn đang chơi bóng đấy, nhưng họ đang lụi dần rồi. Phân tích lịch sự ra thì họ hết khát khao cống hiến rồi, không còn động lực rồi. Các bậc công thần được gán, ca ngợi quá nên cứ nghĩ là ngôi sao. Khi gặp người HLV rắn tay một tý thì sốc với nản. Cộng thêm họ dần qua thời rồi. Cộng hưởng hết lại nên có làm được việc đâu" - cựu tuyển thủ Mạnh Dũng nhận xét không mấy khả quan.
Hiện đang có rất nhiều người nói về chuyện sa thải HLV Troussier. Vậy đâu là giới hạn cuối cùng cho vị HLV này với bóng đá Việt Nam?
"Có thể ông ấy sẽ làm hết hợp đồng, hoặc có thể VFF sẽ cho nghỉ sớm, chấp nhận đền bù. Trường hợp nào cũng có thể xảy ra. Vấn đề ở chỗ, nếu muốn sa thải sớm thì chúng ta có tiền đền bù hợp đồng hay không? Giới hạn nào cho HLV? Chẳng có giới hạn nào. Trên thế giới, có HLV mới đấu tập, đá thử mà không ổn họ còn sa thải nữa là bao nhiêu trận thế này rồi. Nên chẳng có giới hạn nào hết. Có những nước dầu mỏ họ nhiều tiền, mua về có khi lại sa thải luôn" – anh Mạnh Dũng đưa ra quan điểm.
Hiện đang có những làn sóng chỉ trích HLV Troussier và ĐT Việt Nam, sau trận thua quá đau đớn tối qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn 1 trận nữa ngày 26/3 và đây là lúc ĐTQG rất cần sự chung tay từ NHM.
Cựu tuyển thủ Mạnh Dũng cũng gửi những lời nhắn nhủ tới "cầu thủ thứ 12" hãy yêu và cổ vũ đội thật thuần khiết:
"Tôi chỉ muốn chia sẻ thôi, thời gian qua nói thật là NHM Việt Nam đã cực kỳ tuyệt vời, lúc nào cũng đau đáu quan tâm, yêu thương đội tuyển. Chính vì yêu thương tuyển nên đôi khi yêu bao nhiêu, ghét bấy nhiêu. Sự khát khao chiến thắng của NHM Việt Nam cho ĐTQG là điều vô cùng quý báu, là chính đáng thôi.
Nhưng chỉ mong NHM Việt Nam phải thật sự khách quan. Chúng ta đừng đổ lỗi cho HLV hoàn toàn. Chúng ta phải nhìn nhận rằng những con người cụ thể của ta, nhìn công tâm bằng chuyên môn, bằng tình cảm chân thành, họ cực kỳ đuối và đang xuống, phong độ không tốt nữa.
Nên nó hệ lụy cả một hệ thống. HLV thay đổi cách làm việc, cầu thủ hết động lực, khi va nhau tạo ra bất đồng, chưa hiểu nhau. Rồi NHM cứ sống với hào quang quá khứ nhiều quá nên hỗn độn hết mọi thứ.
Đến bây giờ, bản thân NHM cũng mông lung, đội tuyển cũng không còn tròn trịa như trước nữa. Nên chúng ta chỉ nên yêu đội tuyển bằng thứ tình cảm thuần khiết thôi, tức là thắng thì ta vỗ tay khen ngợi. Thua thì chúng ta cũng đừng lôi bất cứ từ HLV tới cầu thủ ra chỉ trích nữa.
Chúng ta cứ nên động viên, xác định rằng không chỉ riêng bóng đá, mọi thứ đều có thời gian lên thì có lúc thoái trào. ĐT Việt Nam chúng ta có thể đang đi vào thoái trào thì chúng ta chấp nhận một sự thay đổi, có thể mất vài năm yếu kém đi, nhưng chúng ta sẽ có một thế hệ mới, đem lại vinh quang cho đất nước. Chứ một thế hệ không kéo dài mãi được, mà được 3 – 5 năm đã quá hay rồi".
Xin cảm ơn anh Mạnh Dũng về cuộc trao đổi này!