Leicester là một ví dụ. 7 năm trước còn là nhà vô địch kỳ diệu nhất lịch sử, 2 năm trước còn đoạt FA Cup đầu tiên của mình, sao lại để tuột dốc nhanh đến vậy? Đó chính là vấn đề của đội bóng này và nếu như việc xuống hạng là cần thiết để họ nhìn nhận lại “con đường tự hủy diệt” thì chẳng có gì phải hối tiếc cả.
Trên thế giới chắc chắn không thiếu một đội bóng năm trước vô địch, năm sau xuống hạng, nhưng thông thường việc này không xảy ra tại Premier League. Giải đấu này đem lại doanh thu quá lớn cho các đội bóng, giúp họ có nền tảng tài chính vững vàng để củng cố sức mạnh một cách thường xuyên.
Leicester cũng chỉ mới bị thua lỗ trong năm tài khóa mới đây nhất, trước họ làm ăn rất khá. Nên việc thi đấu tệ hại, thuộc về yếu tố quản trị và vận hành.
Everton cũng thế thôi. Mấy năm trước thậm chí còn mời được cả một nhân vật huyền thoại như Carlo Ancelotti về cầm quân đủ thấy họ có tiềm lực và tham vọng lớn đến thế nào. Nhà cầm quân người Italy tiếp tục hiển hách ở Real Madrid còn Everton thì đang ở trong mùa giải thảm họa.
Sẽ thật kinh khủng khi Everton xuống hạng lần đầu tiên sau 72 năm. Tất nhiên với truyền thống của mình, Everton có lẽ không mất quá lâu để trở lại, nhất là các quỹ đầu tư vừa mua thêm 25% cổ phần để tăng thêm nguồn tài chính cho tương lai.
Nhưng điều đó liệu có đủ để xoa dịu những lo ngại về tương lai. Nó không phải là yếu tố tiền bạc, mà là uy tín và vinh quang. Một đội bóng trụ lại ở giải ngoại hạng và làm lại sẽ khác hẳn chuyện xuống rồi lên. Dù đã có trường hợp của Newcastle, nhưng không phải lúc nào câu chuyện đó cũng thành công.
Leeds biết tất cả về điều đó. Việc họ trở lại Premier League dưới sự dẫn dắt của Marcelo Bielsa giống như sự khôi phục lại vị thế của đội bóng cuối cùng vô địch Anh trước khi Premier League ra đời. Nhưng cho dù có truyền thống hào hùng đến bao nhiêu, thì Leeds vẫn đã làm sai trong cách vận hành và nay đã tầm thường mất rồi.
Tốc độ đi xuống của Leeds dẫu sao cũng không nhanh bằng Leicester và cũng chưa tệ hại bằng Everton. Tiếc là chính Leeds đang có ít cơ hội trụ hạng nhất trong cuộc đua tay 3 này.
Dàn tuyển thủ Anh của 3 đội bóng
Họ đã làm sai điều gì, quan trọng hơn, họ có đáng phải xuống hạng không? Câu trả lời là có. Như đã nói, các CLB ở Anh có nền tảng tài chính tốt, nên hơn thua nằm ở khâu xử lý tình huống khó khăn.
Ví dụ như Crystal Palace sa thải Patrick Vieira để bổ nhiệm Roy Hodgson và kết quả thay đổi quá nhiều. Còn Bournemouth đã đúng khi mang về Gary O'Neil. Ở chiều ngược lại, West Ham United đã chứng minh họ không sai khi trở thành CLB hiếm hoi tin vào HLV đương chức David Moyes kể cả khi “Búa tạ” chơi không ra gì.
Ngược lại, Leeds từ đội bóng được Bielsa xây dựng với tư tưởng tấn công thì nay lại cuống cuồng nhờ hết Javi Gracia rồi bây giờ là Sam Allardyce, những mẫu HLV thuộc trường phái thực dụng.
Một đội bóng vốn thành công ở tốc độ, thì khó mà hòa hợp với kiểu phòng thủ chiều sâu. Bài học của Tottenham còn đó, nhưng Leeds không thấy thôi. “Big” Sam nổi tiếng với khả năng giúp các CLB trụ hạng nhưng rõ ràng, thời gian của ông quá ít tại Leeds. Còn với Everton, đơn giản là họ đã hỗn loạn suốt 3 năm qua, đến khi cần sa thải Frank Lampard thì làm quá chậm …
* Những gì họ cần để trụ hạng:
Với Everton (33 điểm, hiệu số -24): Cứ thắng Bornemouth, đội đã an toàn là sẽ trụ hạng. Hoặc Leicester và Leeds không đội nào thắng thì Everton cũng trụ hạng.
Với Leicester (31 điểm, -18): Phải thắng West Ham và hi vọng Everton không có 3 điểm
Với Leeds (31 điểm, -27): Phải thắng và hi vọng Everton thua. Hoặc phải thắng Tottenham từ 3 bàn cách biệt trong trường hợp Everton hòa. Tuy nhiên cũng cần Leicester không thắng.