Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, năm 2021 hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao, cụ thể thanh toán qua Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị; thanh toán qua điện thoại di động tăng 76,2%; thanh toán qua mã QR tăng lên đến 200% so với năm 2020. Một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng vượt trội nhất trên các kênh số là BIDV, theo đó, tỷ trọng số lượng giao dịch qua các kênh số của BIDV tính đến ngày 31/12/2021 đạt 67% trên tổng số lượng giao dịch toàn hàng.
Có được thành công này là bởi trong số các ngân hàng hàng đầu Việt Nam, BIDV được xem là ngân hàng tiên phong thành lập Trung tâm Ngân hàng số (TTNHS) nhằm chuyên biệt hóa việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. Đến nay, sau hơn ba năm đi vào hoạt động, số lượng các nhân sự của TTNHS đã tăng thành hơn 110 người với số lượng lập trình viên hơn 50 người và số lượng cán bộ nghiệp vụ khoảng 40 người, cơ cấu tổ chức đã được kiện toàn với 9 nhóm nhân sự và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đối với hoạt động ngân hàng số và các dự án quan trọng sắp tới, góp phần nhanh chóng đưa BIDV tiến gần hơn với mục tiêu trở thành ngân hàng số tốt nhất Việt Nam.
Những năm gần đây, ngân hàng BIDV đẩy mạnh số hóa để cạnh tranh, giữ vững các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân trung thành, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách hàng mới, đặc biệt là các nhóm khách hàng Millenials và Gen Z. Tính đến đầu năm 2022, số lượng khách hàng cá nhân sử dụng BIDV SmartBanking, số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng BIDV iBank đạt hơn 82.000 khách hàng, tăng lần lượt 55% và 44% so với năm 2020. Với quy mô này, BIDV đang là một trong những ngân hàng có lượng người dùng nhiều nhất trên kênh số.
Vượt qua những hoài nghi, áp lực đối với mô hình hoạt động mới, trở ngại trong việc thu hút nguồn nhân lực IT cho ngân hàng và và cả sự giao thoa văn hóa, tư duy giữa nguồn nhân lực bên trong và bên ngoài, thành công bước đầu của Ngân hàng số đã khẳng định sự đúng đắn trong tầm nhìn của Ban lãnh đạo BIDV và sự kiên định của Ban giám đốc Trung tâm Ngân hàng Số trong quá trình phát triển đơn vị.
Có nhiều yếu tố để thu hút và giữ chân khách hàng, nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải là sở hữu những sản phẩm tốt. Số lượng và chất lượng sản phẩm cũng chính là lợi thế lớn của BIDV trong ngành ngân hàng. Bởi hiện tại, BIDV sở hữu danh mục hơn 100 sản phẩm dịch vụ số, đồng thời liên tục tung ra các phiên bản mới được thiết kế dựa trên quá trình thấu hiểu hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng thực hiện trên không gian mạng và cập nhật các xu hướng mới nhất của thị trường cũng như công nghệ thế giới.
Với khách hàng cá nhân, từ tháng 3/2021, BIDV đã triển khai phiên bản Smartbanking thế hệ mới trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến, góp phần mang lại cho KH nhiều cập nhật vượt bậc và trải nghiệm đồng bộ, liền mạch ở mọi kênh giao dịch: Mobile app, Web, Tablet, Apple Watch, SmartKeyboard trên các ứng dụng chat.
SmartBanking cung cấp cho khách hàng đầy đủ các tiện ích từ phi tài chính đến tài chính với hệ sinh thái đa dạng và toàn diện qua 88 tính năng, đặc biệt tính năng "Đăng ký cho khách hàng chưa có thông tin tại BIDV" (qua eKYC) giúp KH mới dễ dàng mở tài khoản thanh toán và SmartBanking ngay trên ứng dụng mà không cần đến ngân hàng và tính năng "Ủng hộ Quỹ Vắc-xin Covid 19" giúp KH dễ dàng chuyển tiền miễn phí đến Tài khoản Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 do Bộ tài chính quản lý đem lại sự thuận lợi cho khách hàng trong mùa dịch. Trong năm 2021 SmartBanking đã tiếp cận và được sử dụng bởi hơn 7,5 triệu khách hàng (trong đó 1.8 triệu khách hàng mới) với tổng 297,7 triệu giao dịch, giá trị giao dịch đạt 3,6 triệu tỷ đồng, đây là những con số khẳng định vị thế của một trong những ngân hàng bán lẻ số 1 thị trường của BIDV.
Không dừng lại ở đó, nhà băng này cũng ký kết hợp tác với Bộ Công An triển khai ứng dụng dịch vụ eKYC (định danh điện tử) trên căn cước công dân gắn chip giúp đơn giản hoá, tăng tính thuận tiện, an toàn cho mọi giao dịch của khách hàng. Vừa qua, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày thành lập BIDV, người dùng BIDV đã chính thức trải nghiệm tính năng giao dịch mới như chuyển tiền, nộp/rút tiền tại máy ATM… hoàn toàn bằng căn cước công dân chip một cách dễ dàng, nhanh chóng và đảm bảo an toàn, bảo mật tại các kênh giao dịch tự động ATM, E-Zone của BIDV. Hiện BIDV đang triển khai chấp nhận căn cước công dân chip trên kênh giao dịch tự động tại 9 điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh. Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục phối hợp với C06 triển khai mở rộng trên toàn hệ thống và trên ứng dụng BIDV SmartBanking để gia tăng trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng căn cước công dân chip trong giao dịch ngân hàng.
Ngoài ra, tận dụng uy tín và thế mạnh của ngân hàng trong việc kết nối các chủ đầu tư, sàn bất động sản và các đối tác cung cấp dịch vụ dành cho cá nhân, năm 2022, Trung tâm Ngân hàng số BIDV triển khai thêm ứng dụng mua nhà tại các dự án - BIDV Home 2.0. từ đây, BIDV định hướng xây dựng chợ giao dịch Marketplace – nơi tới cung cấp dịch vụ tài chính và phi tài chính cho khách hàng. Những kết nối rộng khắp cùng hầu hết các công ty fintech, 1.500 nhà cung cấp dịch vụ lớn trong nước cũng cho phép BIDV tạo lập hệ thống hơn 2.700 dịch vụ thanh toán, chi tiêu cho khách hàng. Không những thế, với mục tiêu đưa dịch vụ số tiếp cận nhiều người Việt nhất, BIDV đã triển khai chính sách miễn toàn bộ phí dịch vụ khách hàng trên kênh số, trái ngược hẳn với xu hướng tăng thu của các nhà băng khác trong năm 2021.
Trong khi đó, với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng đã nâng cấp iBank lên mô hình kênh dịch vụ liền mạch Omni Channel, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền, thực hiện điều chuyển vốn tự động để phù hợp với nhu cầu. Doanh nghiệp có thể quản lý tách bạch các khoản doanh thu qua hệ thống tài khoản định danh, thực hiện chuyển tiền trong nước 24/7, chuyển tiền quốc tế.
Thời gian gần đây, BIDV triển khai tính năng đăng ký trực tuyến cho doanh nghiệp. Việc áp dụng tính năng đăng ký trực tuyến giúp doanh nghiệp tối ưu thời gian giao dịch, chi phí và gia tăng trải nghiệm tại BIDV. Ngân hàng cũng hỗ trợ trực tuyến cho khách hàng trong suốt quá trình đăng ký và sử dụng dịch vụ. Để theo đuổi mục tiêu chiến lược Ngân hàng mở (Open Banking), BIDV đã phát triển hệ thống ERP Connection kết nối trực tiếp giữa phần mềm ERP của doanh nghiệp với hệ thống BIDV iBank thông qua cổng thanh toán trực tuyến. Hệ thống cho phép khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính/phi tài chính cung cấp bởi BIDV ngay trên phần mềm ERP của khách hàng. Dù là khuynh hướng kinh doanh mới, nhưng kết quả ghi nhận với BIDV rất khả quan khi lượng giao dịch thông qua ngân hàng mở với các doanh nghiệp tăng đột biến trên 300% ngay trong năm 2021.
Năm 2022, BIDV được vinh danh 06 giải thưởng thuộc 04 lĩnh vực giải thưởng: Lĩnh vực Quản lý điều hành; Lĩnh vực Ngân hàng Số; Lĩnh vực các giải pháp công nghệ tiên phong; Lĩnh vực nền tảng chuyển đổi số. Trước đó, đầu năm nay, ngân hàng cũng nhận giải thưởng "Ngân hàng Chuyển đổi số Tiêu biểu 2021" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tổ chức Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp bình chọn, đây là lần thứ hai liên tiếp BIDV nhận được giải thưởng này.
Trong những năm trước đó, chiến lược số hoá bài bản cũng mang tới những ghi nhận đặc biệt cho BIDV khi mảng ngân hàng điện tử của nhà băng này đã nhận được vinh danh ở hàng loạt giải thưởng trong nước vào quốc tế, như giải "Ngân hàng điện tử sáng tạo nhất Việt Nam" năm 2021 của tạp chí The Global Banking & Finance bình chọn (sản phẩm iBank), giải Ngân hàng số tiêu dùng tốt nhất Việt Nam 2021 (Best Digital Consumer Bank) do tạp chí Global Finance bình chọn…