Khóc khi giải nghệ
"Tôi nghĩ được chơi cho ĐTQG là mong muốn của bất kỳ cầu thủ nào. Nhưng đôi khi mọi thứ thật không dễ dàng. Có người nghĩ tôi chơi hay nhưng cũng nhiều người nói rằng tôi không phải là cầu thủ giỏi. Nhưng tôi không quan tâm.
Bây giờ tôi vẫn ở đây, là đội trưởng đội tuyển Việt Nam và cùng chiến đấu với các đồng đội còn rất trẻ"- Công Vinh khẳng định dù anh đã chốt thời gian giải nghệ nhưng sẽ vẫn chiến đấu đến những phút cuối cùng.
12 năm gắn bó với bóng đá chuyên nghiệp, Công Vinh đã giành được 3 Quả bóng vàng Việt Nam. Nhưng Quả bóng vàng cuối cùng Vinh có được mãi từ năm 2007.
Ngay cả khi ghi cả 2 bàn quan trọng ở trận chung kết với Thái Lan (lượt đi, lượt về) giúp ĐTVN vô địch AFF Cup 2008, Vinh cũng chỉ giành Quả bóng đồng. Với một cầu thủ có tham vọng và ý chí vươn lên như Công Vinh, thành tích cá nhân mà anh sở hữu vẫn chưa thực sự thỏa mãn.
Song, nhìn lại chặng đường đã đi, Công Vinh cho biết anh sẽ khó cầm được nước mắt khi giải nghệ, vì bóng đá đã cho Vinh nhiều thứ, những vinh quang, nụ cười và biết bao kỷ niệm trong màu áo ĐTQG.
"Tôi muốn lúc ấy tôi sẽ được khóc trong hạnh phúc khi lần thứ 2 được cùng đội tuyển lên ngôi vô địch AFF Cup. Mình đã nếm đủ đắng cay, ngọt bùi trong bóng đá suốt 12 năm qua thì cũng muốn có một cái kết viên mãn"- Công Vinh chia sẻ.
Nhiều người rất tò mò không biết sau khi chia tay bóng đá Công Vinh sẽ làm gì? Với đẳng cấp của một ngôi sao, Công Vinh hoàn toàn có thể làm HLV. Cũng có thể Vinh theo nghề luật sư bởi anh đang là sinh viên Luật. Công Vinh cũng hoàn toàn đủ khả năng lấn sân vào giới showbiz khi anh đang có quá nhiều lợi thế…
Và, thật bất ngờ với tiết lộ của Công Vinh: "Tôi sẽ không tiếp tục với bóng đá nữa. Tôi muốn dành trọn thời gian còn lại cho gia đình của mình. Tôi nghĩ 1-2 năm nữa tôi và vợ sẽ cố gắng sinh thêm một cậu con trai để có đủ nếp, đủ tẻ, như thế là quá đủ rồi".
Cầu thủ của những kỷ lục
14 tuổi, Công Vinh đến với bóng đá. So với bạn bè cùng trang lứa, hoàn cảnh gia đình Công Vinh rất đặc biệt, khi bố vướng vòng lao lý, một mình mẹ vất vả mưu sinh nuôi 4 chị em.
Công Vinh không có năng khiếu bóng đá, nhưng ý chí vươn lên thì chẳng ai bằng. Sự khởi đầu của Vinh rất chậm, thậm chí anh còn bị "đội sổ" ở đội trẻ, khi bị đánh giá là cầu thủ không có nhiều triển vọng.
Cùng thời đó, Văn Quyến dù hơn Công Vinh 1 tuổi, đã nổi đình nổi đám với giải Cầu thủ xuất sắc nhất giải vô địch U16 châu Á. Sự đối lập, tương phản của hai cầu thủ xứ Nghệ đã xuất hiện từ khi đó. Quyến sớm trở thành ngôi sao, là thần đồng của bóng đá Việt Nam, thì Vinh hoàn toàn vô danh.
Ở thành Vinh, người ta hay nói: "Quyến bẩm sinh, Vinh khổ luyện". Chính sự chăm chỉ, cần cù, đã tạo ra một Công Vinh đầy bản lĩnh và cũng không thiếu độ tinh quái như ngày hôm nay.
Năm 2002, Công Vinh lần đầu được gọi vào đội U18 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Văn Thịnh. Cũng trong năm đó, anh được triệu tập vào đội U20 và còn được đeo băng đội trưởng.
Năm 2003, thành công đến với Vinh khi anh được HLV Alfred Riedl gọi bổ sung vào danh sách đội tuyển U23 tham dự SEA Games 22, mặc dù phần nhiều chỉ được ngồi trên băng ghế dự bị.
Năm 2004, Công Vinh được đôn lên thi đấu ở đội 1 SL Nghệ An. Tại AFF Cup 2008, Công Vinh được HLV Henrique Calisto triệu tập vào danh sách đội tuyển. Trong trận chung kết lượt về AFF Cup.
Con đường sự nghiệp của Công Vinh khó có ai đuổi kịp. Anh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở một trong những giải đấu mạnh ở châu Âu là Giải vô địch bóng đá Bồ Đào Nha, cho CLB Leixoes.
Năm 2013, Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại Nhật Bản, cho đội bóng Sapporo.
Chỉ tính riêng tiền chuyển nhượng, trong 7 năm qua, Công Vinh đã bỏ túi hơn 30 tỷ đồng. Số tiền là niềm mơ ước với bất cứ ai, nhưng nó cũng không phải ngẫu nhiên đổ vào két sắt của tiền đạo xứ Nghệ.
Có một chi tiết mà ít người biết, kể từ lần đầu tiên khoác áo ĐTVN vào ngày 9-6-2004 trong trận đấu gặp Hàn Quốc tại vòng loại World Cup 2006 khi mới 19 tuổi, tính đến thời điểm này,khi Công Vinh vẫn là chân sút không thể thiếu trong bất cứ triều đại HLV nào.
Anh luôn là một đội trưởng gương mẫu, một điểm tựa về chuyên môn và tinh thần cho toàn đội. Công Vinh khoác áo ĐTQG nhiều nhất, ghi nhiều bàn thắng nhất. Còn ở cấp CLB, anh cũng từng là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại V.League.
Đi tìm Công Vinh 2.0
Ở tuổi 31 Công Vinh vẫn đủ sức thi đấu đỉnh cao và anh hoàn toàn có thể phá vỡ nhiều kỷ lục. Tuy nhiên, với Vinh thì mọi thứ đã quá đủ. Như chia sẻ của anh, giờ là lúc dành thời gian cho gia đình và thực hiện những dự định chưa thể thực hiện được khi còn làm cầu thủ.
Chia tay ĐTQG, Công Vinh sẽ bước sang một ngã rẽ mới, và điều mà nhiều người quan tâm là ai sẽ thay anh ở ĐTVN?
Thực tế, Công Vinh chưa phải là mẫu tiền đạo xuất sắc một cách toàn diện, nhưng trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại, không có nhiều cầu thủ thể hiện ý chí, sự cầu tiến như chân sút người Nghệ An.
Sau Công Vinh, Công Phượng sẽ là cái tên được cho là xứng đáng nhất. Ngoài ra, những cầu thủ trẻ như Văn Thắng, Văn Toàn, Mạc Hồng Quân... Tuy nhiên, chắc chắn các cầu thủ đàn em này sẽ phải cố gắng rất nhiều mới đạt tới đẳng cấp như Công Vinh.
Ngay từ bây giờ, Công Vinh đã có những lời nhắn nhủ với các đàn em của mình: "May mắn không bỗng dưng đến, thành công trong sự nghiệp và cuộc sống không phải do ai đó mang lại mà mình phải tự quyết định và đạt được.
Bạn hãy nỗ lực tập luyện và cố gắng trước tiên là vì bản thân mình. Một cầu thủ muốn có được chỗ đứng, muốn có được phong độ cao, cách duy nhất là tập luyện.
Những gì mình có được hôm nay không tự dưng đến mà do khổ luyện mà thành, thế nên nếu bạn có suy nghĩ dừng lại thì đồng nghĩa là có thể mất tất cả".
Cháy hết mình cho một lần sau cuối
Công Vinh cho biết anh có một ước mơ cuối cùng là giành cúp vô địch AFF Cup 2016. Ở độ tuổi 31, trong năm cuối cùng sự nghiệp, Công Vinh vẫn là cầu thủ quan trọng nhất ở đội tuyển cho khát vọng chinh phục giải đấu số 1 khu vực.
Vinh không hề che giấu khát vọng cháy bỏng sẽ cùng đội tuyển lần thứ 2 lên ngôi vô địch để có thể kết thúc sự nghiệp quốc tế của mình trong nước mắt hạnh phúc.