1. Ấy vậy mà ngày Hùng Dũng nhận Quả bóng Vàng Việt Nam, cả Công Phượng lẫn Xuân Trường đều chưa một lần có được vinh dự này. Cao nhất với Xuân Trường là Quả bóng Bạc Việt Nam 2016, còn Công Phượng thậm chí còn thê thảm hơn. Danh hiệu cao nhất mà tiền đạo từng lẫy lừng ở tuổi 19 này chỉ là giải cầu thủ được yêu thích nhất.
Nếu như Công Phượng từng được cả châu Á trầm trồ với những pha đi bóng lắt léo, tố chất bóng đá thiên phú cùng những bàn thắng tuyệt đẹp ở tuổi 19, Xuân Trường từng được ca tụng bởi lối chơi thông minh, cùng những đường chuyền "như có mắt" khiến không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải trầm trồ, thì với Hùng Dũng, anh nhận mình là cầu thủ chẳng có điểm gì đặc biệt cả.
"Bản thân tôi chẳng có điểm gì đặc biệt. Tôi tự thấy mình không quá nhanh, không quá khéo, sút xa, chuyền dài đều chỉ ở mức ổn. Tôi nghĩ điều khiến mình được đá chính có lẽ là ý thức chiến thuật.
Những lúc rảnh, tôi thích tự mình nghiên cứu, tự làm HLV. Khi đặt mình vào vị trí HLV, tôi sẽ hiểu các thầy cần gì ở mình, muốn mình hoàn thành nhiệm vụ nào để xuất hiện đúng chỗ đó. Tôi vẫn nhớ các thầy hay bảo bọn tôi không vào sân đá thay các cậu được, trên sân phải tự bảo nhau đá thôi. Tôi hiểu việc của mình là làm HLV trên sân thay cho các thầy", Hùng Dũng tâm sự với Zing.
Hóa ra, điều khiến cho Hùng Dũng được đá chính, để rồi dẫn dắt các đồng đội đến với chiếc HCV SEA Games mà bóng đá Việt Nam khát khao bấy lâu nay, để rồi nâng cao Quả bóng Vàng Việt Nam, lại chính là điều mà Công Phượng, Xuân Trường - những ngôi sao với tài năng thiên bẩm hơn người, không có được.
Sau màn trình diễn xuất sắc ở Thường Châu, Xuân Trường từng khiến HLV Park Hang-seo thất vọng ở Asiad 2018 bởi không thể thực hiện được chỉ đạo chiến thuật của ông khi được yêu cầu phải chiến đấu mạnh mẽ, tích cực tranh chấp, trong khi đó tiền vệ người Tuyên Quang này vẫn trung thành với lối chơi "thong dong" của mình.
2. Hùng Dũng từng chỉ đá được có 60 phút mỗi trận. "Cứ đá hết 60, 70 phút, tôi lại thấy chân tay bủn rủn, rã rời, không đá nổi nữa. Đá hết 60 phút là chuột rút, cố thế nào cũng phải rời sân", Hùng Dũng kể lại. Ấy vậy mà hiện tại, tiền vệ trung tâm này đang là "người không phổi" của đội tuyển Việt Nam, với thể lực mà sức bền khiến các đồng đội phải nể phục.
Để có được điều đó, "lối thoát" của Hùng Dũng là tăng cường tập luyện. Người ta tập để đá 90 phút là nghỉ, Hùng Dũng tập nhiều hơn thế. Và rồi thành công. Và rồi thể lực tuyệt vời là điều tốt nhất mà tiền vệ này mang theo ngày lên chơi V.League.
Tuấn Anh từng khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải mê mệt với lối chơi "lãng tử", đầy hào hoa nơi tuyến giữa của cả HAGL lẫn các đội tuyển Việt Nam, nhưng rốt cuộc ngày trở lại đội tuyển Việt Nam ở tuổi 24 sau chấn thương nặng, tiền vệ trung tâm này rốt cuộc lại gây ngạc nhiên khi tỏa sáng với lối chơi mới, đầy sức mạnh. Có lẽ bản thân Tuấn Anh biết chỉ khi có được một thể lực cực tốt, thì mới trụ được ở những đấu trường khắc nghiệt mà đội tuyển Việt Nam phải thi đấu.
Nhưng ở cả Công Phượng lẫn Xuân Trường, người ta không thấy được điều đó. Không hẳn là do tư duy hay ý thức, mà bởi có lẽ cách chơi mà học viện HAGL Arsenal JMG dạy cho họ đã ăn sâu vào tiềm thức, để rồi ngay cả khi chơi cho HAGL ở V.League, hay ra nước ngoài cũng như lên tuyển, họ khó lòng thay đổi được.
Cũng bởi với Hùng Dũng, con đường đến với đội tuyển trải qua không ít chông gai, là 4 năm phải chơi ở hạng Nhất, để rồi phải chuẩn bị cực kỳ cẩn thận khi được lên chơi V.League trong đội hình CLB "lúc ấy có lẽ còn hay hơn cả tuyển quốc gia". Bên cạnh đấy là sự dẫn dắt tận tình của các đàn anh như Văn Quyết, Thành Lương.
Cũng bởi để có được sự thay đổi đến "lột xác" như Tuấn Anh, cầu thủ này cũng phải trải qua những ngày tháng chấn thương dài đằng đẵng, để rồi ý thức được rằng muốn tiếp tục chơi bóng, muốn khắc phục điểm yếu dễ chấn thương của mình, phải tự trang bị cho mình "vũ khí" thể lực hơn người, cùng lối chơi không còn "lãng tử" như những ngày còn mười chín, đôi mươi nữa.
Đôn cả đội U19 HAGL lên chơi V.League là quyết định lịch sử của bầu Đức. Nó tạo cơ hội cho dàn cầu thủ trẻ phố Núi được "chín đều", được hoàn thiện mình ở sân chơi khắc nghiệt nhất. Song cũng ở đó, họ chới với bởi không có được "điểm tựa" như Văn Quyết, Thành Lương của Hùng Dũng, bên cạnh đó là sự chuẩn bị chưa được "tới nơi, tới chốn" cho thử thách lớn này.
Bước qua tuổi 25, Hùng Dũng mới lần đầu tiên được khoác áo ĐTQG, giành luôn chức vô địch AFF Cup.
Bước qua tuổi 26, Hùng Dũng đeo băng đội trưởng dẫn dắt U22 Việt Nam đến chiếc HCV SEA Games quý giá của bóng đá Việt Nam.
27 tuổi, cầu thủ CLB Hà Nội nhận Quả bóng Vàng Việt Nam đầu tiên trong sự nghiệp.
Cả Công Phượng lẫn Xuân Trường đều đang chỉ mới có 25 tuổi, và từng đều "ăn cơm tuyển" không ít lần. Nhưng để đi xa hơn, để có thể cạnh tranh với Hùng Dũng, Quang Hải, Văn Hậu ở tốp đầu của bóng đá Việt Nam, có lẽ họ sẽ phải thay đổi, để không phải hối tiếc.
Chẳng phải nhìn đâu xa, cứ nhìn vào hành trình mà Hùng Dũng đã trải qua là đủ.