Ràng buộc hợp đồng và chuyện "tẩy thẻ"
HAGL đã cho CLB TP.HCM mượn Nguyễn Công Phượng với bản hợp đồng có thời hạn hết năm 2020. Theo hợp đồng giữa đôi bên, Công Phượng không được ra sân thi đấu, tránh đối đầu đội bóng cũ. Điều khoản này được xác định là chỉ đạo của Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức.
Trên thế giới, nhiều CLB cũng áp dụng cách thức này để tránh việc chính cầu thủ đem cho mượn toả sáng làm ảnh hưởng đến mục tiêu của đội bóng chủ quản. Có báo đặt tên đây là "điều khoản sợ hãi".
Công Phượng sẽ không được ra sân thi đấu khi CLB TP.HCM đối đầu HAGL ở vòng 13 V.League 2020 diễn ra chiều 1/10 (Ảnh: Hiếu Lương)
Từ thông tin này, thuyết âm mưu cũng được bày ra khi cho rằng CLB TP.HCM có ý định "tẩy thẻ" cho Công Phượng, vừa tận dụng vừa hợp thức hoá việc Công Phượng bắt buộc phải nghỉ ở cuộc đối đầu với HAGL. Chuyện bắt đầu từ lời phát biểu của HLV Chung Hae-seong sau trận thắng Nam Định ở vòng 12 ngày 26/9.
Sau trận đấu, HLV người Hàn Quốc cho biết: "Tôi thay Công Phượng ra vì cậu ấy bị chấn thương và đã nhận thẻ vàng. Công Phượng đã có 3 thẻ vàng. Mọi thứ diễn ra đúng thời điểm chứ chúng tôi không có tính toán câu thẻ. Phượng cần nghỉ ngơi hồi phục".
Tuy nhiên, theo thông tin từ VPF thì trước cuộc đối đầu với Nam Định ở vòng 12, Công Phượng mới nhận 1 thẻ vàng ở V.League. Đến khi đối đầu đội bóng thành Nam, Phượng nhận thêm 1 thẻ vàng nữa. Anh cũng nhận thêm 1 thẻ vàng ở Cúp quốc gia nhưng thẻ phạt ở giải này và V.League không liên quan đến nhau.
Vì thế, HLV Chung Hae-seong dường như có chút nhầm lẫn khi cho rằng Công Phượng đã nhận đủ 3 thẻ vàng ở V.League (Bị treo giò 1 trận theo luật).
Với việc đã nhận 2 thẻ vàng tại V.League, Công Phượng có nguy cơ bị treo giò ở giai đoạn lượt về được nhận định không hề nhỏ khi anh thường mắc lỗi về phản ứng thái quá, hoặc không tuân thủ hiệu lệnh của trọng tài. Nếu điều ấy xảy ra, CLB TP.HCM chắc chắn gặp khó khi trận đấu nào ở giai đoạn lượt về cũng như một trận chung kết căng thẳng.
HLV Chung Hae-seong nhận định: "Tôi không cần nhắc Công Phượng về thái độ thi đấu. Cậu ấy luôn ra sân với tinh thần máu lửa, không muốn thua. Phượng không phải là cầu thủ thích thể hiện. Trong trận đấu, nếu Phượng nóng, chúng tôi chỉ nhắc thôi".
Công Phượng là cầu thủ quan trọng của CLB TP.HCM khi đã ghi 6 bàn ở V.League mùa này. Sự thiếu vắng của anh ảnh hưởng đến chất lượng tấn công, điều đã được thể hiện ở cuộc đối đầu với Hà Nội FC tại bán kết Cúp quốc gia. Khi trở lại ở trận gặp Nam Định, Công Phượng ghi 2 bàn thắng đẹp và giúp hàng công đội nhà chơi thăng hoa.
Công Phượng nhận thẻ vàng thứ hai tại V.League 2020 trong chiến thắng 5-1 của CLB TP.HCM trước Nam Định tại vòng 12 (Ảnh: Đỗ Linh)
"Điều khoản sợ hãi" của bóng đá thế giới
Hiệp hội bóng đá Anh (FA) từng ra luật chính thức cấm các cầu thủ được đem cho mượn ra sân thi đấu khi gặp đội bóng chủ quản mà không cần bàn đến điều khoản khác.
Điều luật này bắt nguồn từ sự kiện Newcastle United cho Portsmouth mượn cầu thủ Lualua vào tháng 2/2004. Đến cuối tháng, chính anh này ghi bàn gỡ hoà 1-1 cho Portsmouth trong cuộc đối đầu với Newcastle United.
Trận hoà này góp phần lớn khiến Newcastle United bị mất vị trí trong top 4 vào tay Liverpool, đội sau này nhờ thế mà được tham dự Champions League 2005 và giành chức vô địch với đêm Istanbul huyền thoại trước AC Milan.
Cho đến nay, FA đã huỷ điều luật này, để cho các CLB tự quyết định khi thương thảo hợp đồng cho mượn cầu thủ. Tuy nhiên, nhiều CLB ở Anh vẫn áp dụng chi tiết này vào hợp đồng.
Với Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), họ lại có quy định nghiêm cấm bất kỳ hành vi nào gây khó dễ cho một cầu thủ tham dự hoặc không tham dự một trận đấu do UEFA tổ chức. "Điều khoản sợ hãi" vì thế không có giá trị ở đấu trường châu Âu như UEFA Champions League hay UEFA Europa League.
Thủ môn Thibaut Courtois trong màu áo Atletico Madrid đối đầu CLB chủ quản Chelsea ở bán kết Champions League 2013/2014 (Ảnh: Javier Soriano/Getty Images)
Ở mùa giải 2013/2014, thủ môn nổi tiếng người Bỉ Thibaut Courtois được Chelsea (Anh) cho Atletico Madrid (Tây Ban Nha) mượn. Lá thăm may rủi lại đưa hai đội bóng này gặp nhau ở bán kết Champions League.
Theo điều khoản "ngầm" giữa đôi bên, Courtois không được thi đấu cho Atletico Madrid khi gặp Chelsea. Muốn Courtois thi đấu, đội bóng của Tây Ban Nha phải trả 2,5 triệu Bảng/trận (khoảng 74 tỷ đồng) cho Chelsea.
Tuy nhiên, UEFA đã vào cuộc và chiếu theo quy định đã nêu ở trên. Atletico Madrid thoải mái sử dụng thủ môn người Bỉ mà không phải trả cho Chelsea một đồng nào. Thủ môn sinh năm 1992 sau đó góp công giúp Atletico Madrid lọt vào chung kết Champions League năm ấy.
Ở Việt Nam, VFF không có quy định nào về vấn đề này. Các CLB sẽ tự thoả thuận với nhau khi đàm phán hợp đồng.