Báo cáo của WADA dựa trên một kết quả nghiên cứu mà cơ quan này ủy quyền cho trường Đại học Tuebingen (Đức) và trường Y khoa Harvard (Mỹ) thực hiện từ năm 2011. Tuy nhiên, vì những tranh cãi về mặt pháp lý nên cho đến nay nghiên cứu này mới được chính thức công bố trước đại chúng.
Nhóm nghiên cứu của 2 trường đại học trên đã thực hiện các cuộc khảo sát nặc danh đối với 2.167 người trong số hơn 5.000 vận động viên tham gia hai giải đấu nói trên.
Kết quả cho thấy ít nhất 30% số vận động viên tham gia Giải Vô địch điền kinh tế giới 2011 tổ chức tại Daegu (Hàn Quốc) thừa nhận đã sử dụng doping (so với con số báo cáo của ban tổ chức chỉ là 0,5%), trong khi tỷ lệ này đối với số vận động viên tham gia Pan-Arab Games 2011 tổ chức ở Doha (Qatar) là 45%. Tuy đây đã là một tỷ lệ đáng báo động, song nhóm nghiên cứu cho rằng con số này trên thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều.
[Infographics] Những vụ bê bối sử dụng doping trong thể thao Nga
Theo nhóm nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu nói trên đã bị trì hoãn trong một thời gian dài do các cuộc tranh cãi giữa WADA và Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) về việc nghiên cứu này sẽ được công bố như thế nào. Chủ tịch Liên đoàn vận động viên Đức Clemens Prokop cho biết ông đã nhiều lần yêu cầu kết quả nghiên cứu trên cần được công khai.
Ông nhấn mạnh: "Trong cuộc chiến chống doping, chỉ có thể có một nguyên tắc duy nhất, đó là tuyệt đối minh bạch. Những số liệu này đã quá rõ ràng."
Những năm gần đây, doping đã trở thành một vấn nạn trong làng thể thao thế giới, với đỉnh điểm là việc đoàn vận động viên Nga bị cấm tham gia thi đấu tại Đại hội Thể thao thế giới (Olympic) 2016 tổ chức tại Rio de Janeiro do dính líu tới chất cấm.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) mới đây đã đưa vào áp dụng những phương pháp kiểm tra doping mới, hiệu quả hơn. Việc áp dụng các phương pháp này để tái kiểm tra các mẫu nước tiểu cũ cũng đã cho thấy có hơn 100 vận động viên sử dụng chất cấm khi tham gia thi đấu tại Olympic 2008 và 2012./.