Thực tế là nhiều đội bóng đã phải nhận tác hại của "virus Asiad". Trở lại giải quốc nội sau gần 2 tháng "tập chay", SLNA bị ngắt mạch 9 trận thắng liên tiếp với hai thất bại 0-4 trước CLB Thanh Hóa (bán kết lượt về Cúp quốc gia) và 0-2 trước CLB Hà Nội (vòng 21 V.League 2018).
Chưa dừng lại, HLV Nguyễn Đức Thắng có thể mất bộ đôi tuyển thủ U23 Việt Nam là Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức đến hết mùa bóng 2018.Trong khi Mạnh "Kalou" bị rạn xương mác và nghỉ thi đấu 4 tuần thì Đức "cọt" cần ít nhất 3 tuần để hồi phục chấn thương cơ đùi.
Ở trận đấu với Thanh Hóa, HLV Dương Minh Ninh chỉ điền tên 2 cầu thủ U23 là Văn Toàn, Minh Vương vào đội hình xuất phát HAGL do các cầu thủ còn lại không đảm bảo được thể lực. Trong khi Đức Chinh cũng thi đấu mờ nhạt trong màu áo SHB.Đà Nẵng ở vòng 21. Dường như các cầu thủ U23 Việt Nam đang bị quá tải
Thực tế là kể từ đầu năm 2018 đến nay, phần lớn các cầu thủ trụ cột của U23 Việt Nam đã phải cày ải liên tục trên các mặt trận. Sau khi trở về từ VCK giải U23 châu Á, các cầu thủ lại phải lao ngay vào V.League 2018, vòng loại Asian Cup 2019 và Asiad 2018 (chưa kể các trận đấu ở Cúp quốc gia hay AFC Cup).
Thống kê thời gian thi đấu của một số cầu thủ trong năm 2018:
Cầu thủ | Số phút thi đấu ở V.League | Số phút thi đấu cùng U23 Việt Nam | Số phút thi đấu ở ĐTQG | Tổng cộng |
Văn Thanh | 1700 | 1290 | 90 | 3080 |
Duy Mạnh | 1840 | 1189 | 0 | 3029 |
Quang Hải | 1525 | 1276 | 90 | 2891 |
Xuân Trường | 1529 | 790 | 64 | 2383 |
Công Phượng | 1608 | 698 | 74 | 2380 |
Xuân Mạnh | 1616 | 594 | 90 | 2300 |
Đình Trọng | 1026 | 1110 | 90 | 2226 |
Đức Chinh | 1635 | 535 | 2170 | |
Văn Đức | 1355 | 791 | 16 | 2162 |
Văn Hậu | 1408 | 739 | 0 | 2147 |
Bùi Tiến Dũng | 784 | 1290 | 2074 |
Thống kê cho thấy trong vòng 8 tháng qua, nguyên một đội hình (11 cầu thủ) đã phải thi đấu trên 2000 phút,tương đương 23 trận đá trọn vẹn 90 phút.
Thậm chí có những cầu thủ như Văn Thanh, Duy Mạnh, Quang Hải đã phải cày ải trên sân từ 2800 đến 3000 phút, tương đương với 30-33 trận đá liên tục không nghỉ.
Điều đó giải thích vì sao càng về cuối Asiad 2018, thể lực và sức bền thể lực của các cầu thủ U23 Việt Nam càng giảm. Và sau giải đấu, hàng loạt cầu thủ chấn thương và không đủ thể lực để thi đấu như đã nói ở trên.
Vẫn biết việc thường xuyên rèn luyện thi đấu là điều cần thiết để phát triển khả năng của các cầu thủ trẻ. Thế nhưng việc liên tục phải ra sân thi đấu với mật độ dày đặc như trên quả là một thử thách thực sự đối với bất kì cầu thủ nào, ngay cả đối với các cầu thủ chuyên nghiệp ở châu Âu.
Xuân Mạnh sẽ phải nghỉ hết V.League 2018.
Nhìn sang các giải vô địch quốc gia lớn trên thế giới, cầu thủ thường xuyên thi đấu với mật độ 1 tuần/trận.
Mỗi khi phải tham dự nhiều đấu trường cùng một lúc như Champions League, giải VĐQG, Cúp quốc gia, các HLV thường phải thực hiện việc xoay tua đội hình và tạo điều kiện cho các học trò có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo lại năng lượng và tìm lại sự hưng phấn với trái bóng tròn.
Bởi vậy thiết nghĩ, các CLB hãy tạo điều kiện để các cầu thủ U23 Việt Nam nghỉ ngơi tối đa, qua đó lấy lại năng lượng và động lực cần thiết trước khi bước vào tranh tài tại AFF Cup 2018 và VCK Asian Cup 2019 - những giải đấu mà nhiều khả năng các cầu thủ U23 Việt Nam sẽ tiếp tục góp mặt và đóng vai trò trụ cột.