Thái Lan đang là đội tuyển giàu thành tích nhất lịch sử AFF Cup với 7 lần vô địch. Hai giải đấu gần nhất năm 2020 và 2022, Thái Lan cũng là đội vô địch. Vậy người Thái có cảm thấy "thừa mứa" với AFF Cup? Câu trả lời là họ đã từng...
Năm 2016, người Thái từng cảm thấy thừa mứa với AFF Cup sau khi họ lên ngôi vô địch lần thứ năm ở giải này. Thời điểm ấy, Thái Lan cũng đang bắt đầu thi đấu vòng loại cuối World Cup 2018 khu vực châu Á.
Thành tích ấn tượng này làm bóng đá Thái Lan có nhiều tham vọng lớn. Họ cho rằng đã tới lúc bóng đá Thái Lan phải hướng ra thế giới, chí ít là hướng ra châu Á. AFF Cup đã trở nên nhỏ bé với một Thái Lan hùng mạnh. Người Thái Lan thậm chí đề xuất chỉ cử đội trẻ U23 tới dự các kỳ AFF Cup sau này. ĐT Thái Lan để dành cho những sân chơi lớn hơn, như Asian Cup hay mục tiêu dự VCK World Cup.
Kết quả là gì? Thái Lan thảm bại ở Vòng loại cuối World Cup 2018 khu vực châu Á. Sau 10 trận, họ chỉ có được 2 điểm, đứng cuối bảng B, thủng lưới 24 lần, hiệu số -18. Đội xếp hạng 5 ngay trên Thái Lan, Iraq, còn có 11 điểm – khoảng cách quá lớn so với Thái Lan.
Để thấy rõ hơn khoảng cách của Thái Lan với các đội tham dự Vòng loại cuối khi đó, hãy nhìn sang bảng A. Qatar đứng cuối bảng A cũng đạt 7 điểm, nhiều hơn hẳn Thái Lan.
Giải đấu Vòng loại cuối ấy khiến Thái Lan quyết định chia tay HLV huyền thoại của họ, Kiatisuk. Người Thái bắt đầu lâm vào một giai đoạn khó khăn, đúng với nghĩa "trèo cao, ngã đau". Ở cấp ĐTQG, họ thay HLV nhiều lần, từ ông Rajevac tới Sirisak Yodyardthai rồi Nishino nhưng vẫn không tìm lại được thành công.
AFF Cup 2018, Thái Lan khi đó đã không còn dám nhìn nhận giải đấu này chỉ đáng là nơi rèn luyện trẻ. Họ không mang được đội hình mạnh nhất dự giải nhưng vẫn rất muốn vô địch. Dù vậy, người Thái bị loại từ Bán kết bởi Malaysia.
ĐTQG liên tục thất bại, các tuyển trẻ của Thái Lan cũng không khởi sắc và gặp nhiều khó khăn, để tuột các danh hiệu. Thai League cũng lâm vào khủng hoảng tài chính, rồi nhiều bất đồng xảy ra, thậm chí có nhiều CLB Thai League không muốn nhả cầu thủ lên các cấp tuyển. Bóng đá Thái Lan thật sự đã rơi vào một giai đoạn khó khăn, ngay khi họ lên đỉnh cao là lọt vào Vòng loại cuối World Cup 2018 khu vực châu Á.
Tất nhiên, với vị thế dẫn đầu Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan đang trên đường trở lại. Madam Pang khi ấy chưa là Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn. Bà là người đưa HLV Mano Polking lên làm thuyền trưởng tuyển Thái. Dưới tay ông Polking, tuyển Thái dần trở lại, vô địch liền AFF Cup 2020 và 2022. Ít nhất, người Thái đã dần lấy lại được vị thế dẫn đầu Đông Nam Á, để tiếp tục từ vị trí đó đi chinh phục châu Á hay thế giới.
Nhưng ông Polking cũng chỉ mới đưa tuyển Thái Lan trở lại được ngôi đầu Đông Nam Á mà thôi. Việc thua trận trước nhiều đội mạnh ở châu Á khiến HLV này mất việc, người thay thế là HLV Nhật Bản, Ishii.
Dưới tay ông Ishii, tuyển Thái Lan đang cố gắng trở lại Vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á. Tuy nhiên, nhiệm vụ này ở bảng C cũng là không dễ với người Thái trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Và nói thật thì, ngay cả khi tuyển Thái Lan có vào lại Vòng loại thứ ba, viễn cảnh như năm nào thảm bại vẫn rất dễ xảy ra.
Trong lịch sử AFF Cup, thực tế thì Indonesia chưa từng vô địch lần nào. Thái Lan có 7 lần vô địch, sau đó là Singapore với 4 lần, Việt Nam 2 lần và Malaysia 1 lần.
Câu chuyện của tuyển Thái Lan có lẽ là bài học HLV Shin Tae-yong cùng Indonesia rất nên tham khảo. Bởi mới đây, HLV Shin Tae-yong đã có chia sẻ coi nhẹ vai trò, giá trị của AFF Cup.
"Đối với vấn đề 2 đội hay ở lại với 1 đội như thế này, có lẽ tôi phải thảo luận trước với ông Erick Thohir (về việc có chia 2 đội, 1 đội đá vòng loại World Cup, 1 đội đá AFF Cup), chủ tịch hiện tại của PSSI. Chúng tôi sẽ thảo luận trước và sau đó chúng tôi sẽ quyết định phải làm gì.
Nhưng chắc chắn một điều rằng vòng loại World Cup 2026 quan trọng hơn các giải đấu của AFF. Các cầu thủ phải hiểu không được "trói" mình trong phạm vi khu vực, phải vươn tầm ra châu Á và thế giới. Thành thực mà nói, tôi không biết có cần thiết phải giành AFF Cup không".
Tất nhiên là vòng loại World Cup quan trọng hơn AFF Cup. Nhưng nếu coi trọng vòng loại World Cup và nghĩ "không biết có cần thiết phải giành AFF Cup không" lại khác.
Nếu Indonesia thật sự vào được Vòng loại cuối World Cup 2026 thì đó sẽ là chiến công rất đáng ca ngợi. Nhưng vào được là một chuyện, liệu có đạt thành tích tốt ở Vòng loại cuối đó không lại khác.
Khi ấy, có lẽ HLV Shin Tae-yong và Indonesia sẽ hiểu bên cạnh việc phấn đấu ở Vòng loại World Cup thì việc chinh phục AFF Cup cũng rất quan trọng.
Thành tích ở AFF Cup không chỉ là thước đo sức mạnh cho các đội Đông Nam Á mà còn là điểm tựa tinh thần quan trọng, khi các đội hàng đầu định vươn ra biển lớn. Khi vươn ra biển lớn có thất bại thì một chức vô địch AFF Cup sẽ là niềm an ủi rất lớn cho đội bóng, là điểm tựa niềm tin cho cả cầu thủ lẫn NHM. Thái Lan đã thấm thía điều đó và rồi sẽ đến lúc của Indonesia.
VFF đã tổ chức bán vé trận đấu giữa ĐT Việt Nam vs Philippines (19h00 ngày 6/6). Cụ thể, vé được bán online trên ứng dụng VinID từ 09h00 ngày 25/5/2024 đến 24h00 ngày 30/5/2024 hoặc đến khi hết vé, tùy điều kiện nào đến trước. Sẽ có 4 mệnh giá vé là 200.000 đồng, 300.000 đồng, 450.000 đồng và 600.000 đồng cho một vé.