img
Có một dòng võ mang đậm tính thực chiến vẫn bền bỉ chảy - Ảnh 1.

õ thuật vốn sinh ra trong quá trình sinh tồn của con người với thiên nhiên từ hàng ngàn năm nay. Từ những hoạt động hàng ngày trong sản xuất, cạnh tranh, con người đúc kết mô phỏng nhiều động tác để tạo ra các hình thái võ thuật có tác dụng tăng cường sức khỏe, chống lại thú dữ hoặc chiến đấu với nhau vì mục đích sinh tồn.

Với hình thái chiến đấu, mỗi môn võ lại có hiệu quả riêng biệt và mức độ thực chiến khác nhau. Ở Việt Nam, có một võ phái hiện đang sở hữu một nền tảng của thứ võ học mang tính thực chiến cao. Đó là võ phái Long Phi Thanh.


Có một dòng võ mang đậm tính thực chiến vẫn bền bỉ chảy - Ảnh 3.

Có khá nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm thực chiến mặc dù hầu hết đều cho rằng thực chiến nghĩa là khả năng chiến đấu thực tế. Đối với những môn sinh của võ phái Long Phi Thanh, tính thực chiến đồng nghĩa với mức độ hiệu quả của môn võ ở ngoài thực địa, nơi không tồn tại các luật lệ và trọng tài, cũng không có các dây ring võ đài làm giới hạn.

Nhưng không chỉ có vậy. Một cao đồ của võ đường Long Phi Thanh, anh Nguyên Chính cho biết : "Tính thực chiến cao giúp chúng tôi tăng thêm khả năng sinh tồn khi rơi vào hoàn cảnh buộc phải giao đấu trong thực tế cuộc sống hàng ngày".

Thực chiến

Cũng như ở những võ phái chân chính khác, các môn đồ của võ phái Long Phi Thanh không học võ để vô cớ tấn công người. Họ được sư phụ dạy võ với mục đích tự vệ, giúp họ cơ hội sinh tồn giữa hiểm cảnh ngặt nghèo. Ở góc độ cao hơn, vị sư phụ Long Phi Thanh mong muốn các học trò của mình qua rèn luyện võ thuật mà hun đúc hoàn thiện nhân cách để đạt được tiêu chí "dũng" của người học võ.

Tính thực chiến của võ phái Long Phi Thanh thể hiện ở các đòn thế nằm ẩn trong những bài quyền và binh khí của võ phái này. Đó là các tổ hợp đòn thế được xây dựng cho những tình huống cơ bản chứ không phải là từng đòn thế riêng lẻ.

Khi đã đạt tới trình độ nhất định, các môn đồ của võ phái Long Phi Thanh được yêu cầu tự phân tích tình huống và luyện tập để tạo thành phản xạ có điều kiện nhằm đảm bảo mục tiêu đến là đòn xuất ra đúng thời điểm, hội đủ năm yếu tố nhanh, mạnh, bền, biến, nhu đặc trưng của võ phái.

Khả năng tự động xuất đòn nói trên được tăng cường bằng các bài bổ trợ với bao chạy – một điểm độc đáo của riêng dòng võ này - khiến các môn đồ võ phái Long Phi Thanh "canh" rất chính xác khoảng cách tới mục tiêu để ra đòn hiệu quả nhất. Đây chính là lý do một số võ sỹ ở môn phái khác thường đến võ phái Long Phi Thanh xin thọ giáo cách luyện tập với bao chạy trước khi họ tham dự một giải đấu nào đó.

Có lẽ tính hiệu quả trong thực chiến của môn võ là một trong những lý do khiến võ sư Long Phi Thanh rất kén chọn học trò. Vài năm trước, sau khi phát hiện một môn đồ của mình tên Nguyễn P.T. thuộc thành phần "giang hồ xã hội", ông đã quyết định không dạy người này nữa.

Cả năm trời chỉ học được có mỗi một tổ hợp đòn nên rốt cuộc T. chán quá xin nghỉ. Oái ăm thay, trong một lần can gián hai nhóm đánh nhau khi làm bảo vệ ở bến xe MĐ, T. bị tấn công trực diện bằng dao và ra tổ hợp đòn đã học theo phản xạ tự nhiên. Hậu quả là kẻ tấn công... lên cáng đi viện, còn T. dĩ nhiên càng nổi đình đám. Anh chàng bèn quay lại xin võ sư Long Phi Thanh cho học tiếp nhưng rồi đành lủi thủi đi về vì sư phụ bắt T. phải thề độc không được... đánh người nữa.

Có một dòng võ mang đậm tính thực chiến vẫn bền bỉ chảy - Ảnh 7.

Đối với những người luyện võ từ trước năm 1975, cái tên Long Hổ Hội không hề xa lạ. Lò võ của cố võ sư Lâm Hữu Hội là nơi đào tạo ra nhiều võ sỹ nổi danh của các võ đài đấu võ tự do thời bấy giờ như Chà Và Hương, Long Mouse, Mã Sơn Ba, Moustaza, A Mách, Tôn Ngọc Lực, Hải Huỳnh, Ruby "lớn", Ruby "nhỏ"...

Bộ pháp

Môn đồ Long Hổ Hội thượng đài từ Bắc chí Nam với tỷ lệ thắng nhiều hơn thua, đến mức bị đồn thổi có dùng bùa ngải. Võ sư Lâm Hữu Hội học nhiều môn võ khác nhau nhưng ông thành danh với môn Thiếu Lâm Nững Xị học được từ một sư phụ người Triều Châu (Trung Quốc). Là người cả đời theo nghiệp võ, ông trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ được phủ bởi lớp sương mù huyền ảo giữa sự thật và tin đồn.

Một trong những trận đánh nổi tiếng của võ sư Lâm Hữu Hội có thể kể tới là trận hạ nhà vô địch Muay Thái Surivong ngay tại Bangkok vào năm 1932 bằng đòn rờ-ve làm võ sỹ này ngã như chuối đổ khiến trọng tài không cần phải đếm.

Những học trò của võ sư Lâm Hữu Hội cũng góp phần xiển dương uy danh của võ phái bằng các trận thắng oanh liệt trên võ đài tự do. Đòn của Thiếu Lâm Nững Xị được đánh ra theo combo (tổ hợp đòn), phần lớn là đòn hiểm và có tính sát thương cao.

Theo thuật lại của một số môn đồ Long Hổ Hội thời ấy hiện nay còn sống thì võ sư Lâm Hữu Hội thường yêu cầu học trò đánh đài phải đánh "rớt" (tức là hạ nốc-ao) đối phương ngay trong hiệp đầu. Tương truyền khi có học trò thắc mắc rằng nếu không đánh rớt được thì sao, võ sư Lâm Hữu Hội trả lời dứt khoát : "Nó không rớt, thì mày rớt".

Có một dòng võ mang đậm tính thực chiến vẫn bền bỉ chảy - Ảnh 9.

Thế nên trong trận đánh nổi tiếng hồi năm 1970 giữa Long Mouse (tên thật là Đới Văn Quý) của Long Hổ Hội và võ sỹ Kinh Kha của môn phái Bạch Mi (võ sỹ này lúc ấy đang biên chế trong đội bảo vệ của phủ tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu), suốt hiệp đầu võ sỹ Long Mouse thấp bé hơn, kém đến 20kg cân nặng chỉ có thể tránh né chạy quanh trước lối ra đòn dồn dập của võ sỹ Kinh Kha cao tới 1,8m.

Tình thế nói trên khiến võ sư Lâm Hữu Hội ngồi dưới khán đài rất khó chịu và ông đã định tung khăn trắng xin hàng, nhưng nhờ có vợ ông can "Thằng Quý nó chạy nhưng thằng Kinh Kha đã đụng được vào người nó đâu" mà Long Mouse được đấu tiếp hiệp hai với Kinh Kha.

Tình thế ở hiệp hai vẫn như hiệp đầu, Kinh Kha tiếp tục rượt Long Mouse chạy quanh võ đài nhưng chỉ một thoáng sơ hở lao vào tầm đòn, Kinh Kha đã lĩnh trọn cú chỏ lật khét tiếng của Thiếu Lâm Nững Xị. Cú đòn hiểm làm vỡ mắt trái của Kinh Kha buộc trọng tài phải dừng trận đấu. Sau trận thua đau ấy, võ sỹ Kinh Kha đã lập tức giải tán võ phái, rời khỏi đội bảo vệ phủ tổng thống và thoái ẩn giang hồ tới tận ngày nay.

Giỏi võ nghệ, lắm học trò song võ sư Lâm Hữu Hội không dạy kiểu đại trà mà dạy tùy theo phẩm chất của từng người. Một số đông học trò của ông được tham gia thử lửa tại các võ đài tự do và đã đem về không ít vinh quang cho võ phái Long Hổ Hội.

Có điều để đánh đài, các võ sỹ Long Hổ Hội thường chỉ luyện một vài đòn "ruột" có tính sát thương cao như đòn chỏ lật của Long Mouse chẳng hạn và họ cũng không cần phải học toàn bộ 36 đường quyền của Thiếu Lâm Nững Xị. Các học trò Long Hổ Hội nổi tiếng của võ sư Lâm Hữu Hội, vì thế phần lớn chỉ học từ 5-7 bài quyền từ sư phụ là đã đủ hành trang giương danh với đời.

Đối với võ sư Long Phi Thanh (tên thật là Phạm Văn Thanh), con đường tới với Long Hổ Hội có điểm khác biệt. Ông từng luyện võ Bình Định với học trò của võ sư nổi tiếng Hồ Ngạnh và đã mở lò võ. Nhờ cơ duyên, ông có dịp đàm đạo về quan điểm võ học với một võ sư đến từ Trường võ bị Hoàng Phố và sau đó dịp may lại đến khi ông tình cờ gặp gỡ và được thụ giáo võ công từ võ sư Lâm Hữu Hội.

Là người có thiên bẩm võ học và tiếp thu rất nhanh, võ sư Phạm Văn Thanh được sư phụ Lâm Hữu Hội "chấm" để truyền lại những tinh túy của dòng võ Thiếu Lâm Nững Xị thay vì một võ sỹ đánh đài. Võ sư Long Phi Thanh cho biết võ sư Lâm Hữu Hội rất nghiêm khắc, chừng nào tập chưa đúng thì ông vẫn cứ đứng đó dòm lom lom cho đến lúc nào "vừa ý tao" mới thôi.

Quãng thời gian thụ giáo võ công Thiếu Lâm Nững Xị của võ sư Long Phi Thanh đã diễn ra như thế, với thời gian không dài và cũng không đánh đài như các sư huynh, nhưng ông lại là người được học gần như toàn bộ các pho võ công Thiếu Lâm Nững Xị từ võ sư Lâm Hữu Hội.

Võ sư Long Phi Thanh nhớ lại, hôm ấy, võ sư Lâm Hữu Hội cho gọi ông đến. Khác với mọi ngày, võ sư Lâm Hữu Hội không dạy võ nữa mà để lên bàn hai gói giấy, trong đó có một bài thuốc và một bài kệ để đọc mỗi lần cúng tổ. Rồi ông chỉ nói gọn lỏn : "Tao xong với mày rồi". Cuộc "xuống núi" chỉ đơn giản như thế để xác lập vị truyền nhân cuối cùng của võ phái Long Hổ Hội.

Có một dòng võ mang đậm tính thực chiến vẫn bền bỉ chảy - Ảnh 11.

Nền tảng võ học của võ phái Long Phi Thanh chủ yếu dựa trên các tinh túy của dòng võ Thiếu Lâm Nững Xị được võ sư Lâm Hữu Hội truyền lại cho võ sư Long Phi Thanh. Điểm thú vị là từ hệ thống võ công học từ võ sư Lâm Hữu Hội, võ sư Long Phi Thanh đã kiểm chứng lại nhờ kiến thức lý thuyết được học từ vị võ sư của học viện Hoàng Phố năm xưa và điều đó giúp ông hiểu sâu sắc về môn võ cổ xưa Thiếu Lâm Nững Xị.

Đánh trong lúc bị đánh

Các đòn thế của dòng võ này dựa trên nguyên lý trục xoay nên lực chạm mục tiêu rất mạnh (vì thế đối phương dễ "rớt" nếu bị trúng một combo đòn với sức mạnh của lực ly tâm). Điểm độc đáo của Thiếu Lâm Nững Xị là các đòn thế phát triển xuôi về một phía, trong khi mọi bài quyền đều không hoàn nguyên về vị trí cũ như ở các môn phái khác.

Quyền pháp theo lối cương nhu phối triển, không trực tiếp đỡ đòn của đối phương mà sử dụng bộ pháp né tránh để phản công, đòn ra sau mà đến trước. Đánh trong lúc bị đánh là một trong những khẩu quyết quan trọng của võ phái Long Phi Thanh trên nền tảng Thiếu Lâm Nững Xị. Người bị tấn công không lùi mà nhập nội rất nhanh và xuất tổ hợp đòn đúng thời điểm với lực công phá cực lớn nhờ tập trung sức mạnh toàn thân để phát động lực theo trục xoay.

Kể từ khi tiếp quản và thực hiện lời hứa với võ sư Lâm Hữu Hội về việc duy trì, phát triển dòng võ Thiếu Lâm Nững Xị, võ sư Long Phi Thanh cũng đã từng cho phép học trò tham gia đánh đài.

Thế nhưng ngay ở lần thượng đài đầu tiên, một học trò của ông đã khiến đối phương... nằm viện hàng tháng trời mặc dù đó là tình huống anh này say đòn lao vào tầm đánh hiệu quả và dính đòn combo, được xuất ra theo phản xạ kỹ năng. Hậu quả là ông... "đánh ngã tới 4 người" như nhận xét của võ sư Dương Thị Huệ vợ ông, bởi ngoài đi thăm nuôi "nạn nhân bất đắc dĩ", ông còn phải giúp tiền cho vợ con người kia do trụ cột gia đình họ đang nằm viện.

Lối ra đòn hiệu quả cùng khả năng sát thương lớn của đòn Thiếu Lâm Nững Xị rốt cuộc đã buộc võ sư Long Phi Thanh phải suy nghĩ lại và võ phái Long Phi Thanh đã không cho phép môn đồ giao đấu với bên ngoài từ nhiều năm nay dưới bất cứ hình thức nào.

Nững Xị, tiếng Triều Châu có nghĩa là né lực. Bản thân tên dòng võ đã cho thấy những người theo học nó không lấy công làm chủ đích áp đảo người khác dù hệ thống đòn rất hiểm với độ sát thương lớn.

Đối với võ sư Long Phi Thanh, điều mong mỏi của ông là đào tạo ra những học trò có năng lực trí tuệ cao và nhân cách đạo đức tốt bên cạnh việc giỏi võ. Xét cho cùng, không có môn võ nào đứng trên môn võ khác mà điều quan trọng là những người học võ phải có tinh thần cao thượng, dũng cảm của một võ sỹ chân chính.

Con người chiến đấu sinh tồn là để có thể sống cạnh nhau một cách hòa bình thay vì một mất một còn với nhau. Những quan điểm ấy vẫn thường được võ sư Long Phi Thanh nhắc nhở các học trò của mình như là một cách giữ gìn cái hồn cốt của nghề võ bởi chiêu thức có thể mai một theo thời gian song tinh thần của người võ sỹ thì rất cần tiếp nối vẹn nguyên qua nhiều thế hệ.

Có một dòng võ mang đậm tính thực chiến vẫn bền bỉ chảy - Ảnh 14.

Quang Vinh
JC Nguyen
Team Paparazi

Ảnh: Bảo Ân                                             

Theo Trí Thức Trẻ28/07/2017