img

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 2.

Hôm ấy là một ngày thứ Bảy mùa đông ẩm ướt, trên một sân bóng lầy lội tại khu vực xấu xí nhất miền Nam Manchester. Gió nổi lên dữ dội, dòng sông Mersey trào lên cả hàng cây hai bên bờ. Cái lạnh thấu xương xuyên qua hàng cây thưa đã bị đám nhóc địa phương vặt lên đem đi nơi khác.

Trên sân bóng, đám trẻ con đủ mọi lứa tuổi đang tập luyện. Đám trẻ từ 4-5 tuổi đang được dạy những khái niệm cơ bản nhất. Ngoài ra, còn ba đội gồm những đứa dưới 9 tuổi, và ba đội khác gồm những trẻ dưới 10 tuổi. Những con chó đi loanh quanh, tự do chơi đùa dưới sự giám sát. Trước cửa phòng thay đồ, một người phụ nữ thu phí 2 bảng cho mỗi đứa trẻ muốn vào xem. Nếu chúng có anh chị đang thi đấu thì được giảm giá một chút.

Cách đó 4 dặm về phía Tây Bắc, Old Trafford như thuộc về một thế giới hoàn toàn khác. Sân Etihad thì cách 6 dặm về phía Đông Bắc, nằm cạnh vùng Rusholme và Ardwick, là mỏ vàng đầy hứa hẹn của thị trấn cũ kỹ này, nơi chỉ chuyên khai thác than đá.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 3.

Và giờ đây, tổ hợp những khu vực trên đã trở thành tiền tuyến mới trong cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai đội bóng cùng thành phố: United và City. Những đứa trẻ ngây ngô ấy - vô tư cười đùa, xô đẩy nhau, ngã dúi dụi trên sân cỏ và run lên cầm cập trong cái rét - trở thành những mục tiêu săn đuổi hàng đầu của các câu lạc bộ.

Lý do cũng dễ hiểu thôi. Bước vào phòng thay đồ, nơi tất cả đều phải ngồi xổm, cách không xa mái tôn vá vội đang rỉ nước, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một chiếc tủ lấp đầy những chiếc cúp tráng bạc. Trên bức tường phía đối diện, là hình ảnh những cậu bé đã góp phần lấp đầy chiếc tủ danh giá ấy.

Marcus Rashford, tiền đạo của Man United và đội tuyển Anh. Danny Welbeck, cầu thủ của United, Arsenal và tuyển Anh. Và còn những Wes Brown, Jesse Lingard,  Ravel Morrisson. Họ từng thi đấu xuất sắc hoặc mờ nhạt, vào cái thời 8, 9 tuổi đầy thơ ngây nhưng cũng là độc nhất trong suốt cuộc đời và sự nghiệp.  

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 4.

Bên ngoài đường biên, đứng cạnh các vị phụ huynh và huấn luyện viên, là những tuyển trạch viên được gửi tới để chiêu dụ các mầm non. Nhiệm vụ của họ là giúp những cầu thủ nhí dấn bước vào cuộc thập tự chinh của cả tâm hồn và trí óc. Mặc trên người đồng phục của câu lạc bộ, với giấy và bút liên tục hí hoáy, những tương lai rực rỡ đang nằm trong tay họ.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 5.

Số phận đổi đời của lũ nhóc đều do họ định đoạt. "Nghe có vẻ buồn cười, nhưng rõ ràng là họ đang tìm kiếm điều phi thường ở những đứa trẻ chỉ mới 3, 4 tuổi," đó là phát biểu của Dave Horrocks, Chủ tịch của Fletcher Moss Rangers - lò đào tạo cầu thủ trẻ đóng quân tại đây đã liên tục sản sinh ra những tài năng lớn.

"Mỗi khi nhìn thấy một thằng cu 3 tuổi rượt theo quả bóng là mấy ông tuyển trạch viên lại cuống cuồng đi tìm hiểu xem đội nào đang quản lý chúng. Thế chẳng buồn cười sao. Bởi đám nhóc ấy giỏi lắm là mới biết đi có 18 tháng thôi", Dave Horrocks - chủ tịch của Fletcher Moss Rangers tâm sự.

Dave Horrocks nói: "Từ khi Marcus nổi danh, người ta vẫn thường hỏi tôi rằng: liệu ông có thể nhìn ra tố chất của một cầu thủ giỏi ở những đứa trẻ lên 5? Điều đó chắc chắn là vớ vẩn rồi. Vì chúng sẽ liên tục và không ngừng lớn khôn. Anh có thể phát hiện một cậu bé có hình thể tốt, tốc độ tuyệt vời. Nhưng tiềm năng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ư? Ngớ ngẩn lắm."

Horrocks, giờ đã lên chức ông, đã lần lượt chứng kiến những đứa con rồi đến đám cháu của mình khoác lên mình bộ đồ hai màu lam vàng của Fletcher Moss. 

Suốt 30 năm, ông không hề có ngày nghỉ cuối tuần, và cũng không ngừng làm việc vào ban đêm. Đó chính là một người đàn ông với tình yêu mãnh liệt dành cho trái bóng, một huấn luyện viên theo sát đám con nít từ bên trong đến ra ngoài sân tập.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 6.

Horrocks nói: "Đối tượng hướng đến chủ yếu của tôi là trẻ em lang thang trên đường phố. Bọn chúng bản năng và đầy hoang dã. Nhiều bậc cha mẹ của chúng cả đời chả bao giờ lẻng kẻng tiền trong túi cả. Chúng tôi cố gắng tạo ra một viễn cảnh để chúng có thể hy vọng và cố gắng. 

Nhưng mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn. Bọn nhỏ không được phép ký vào hợp đồng với câu lạc bộ cho đến khi chúng tròn 9 tuổi.

Nhiều lúc, có những thứ khiến ta đau lòng. Không thiếu ông bố bà mẹ nhìn thấy viễn cảnh huy hoàng: con họ trở thành tài năng lớn, siêu xe Rolls-Royce, nhưng họ toàn mơ cho bản thân, chứ nào nghĩ cho con cái họ. 

Họ bị đồng tiền làm mờ mắt, để rồi hành xử mù quáng. Bọn trẻ khi được hỏi muốn gì cho tương lai, chúng chỉ nói Man United và Man City. Nhưng bao nhiêu đứa được như thế. Và bao nhiêu đứa phải lang thang ở những trung tâm đào tạo mà không nhìn thấy vận may nào?"

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 7.

Vài năm trước, cuộc nội chiến bóng đá đã bùng nổ trong thành phố Manchester và nhanh chóng xuất hiện tràn ngập trên các tiêu đề và bài tường thuật. Man City lúc ấy vừa nhận được nguồn đầu tư dồi dào của Abu Dhabi, đã chi tiền cho một biển quảng cáo khổng lồ "Welcome to Manchester" treo ở Deansgate. Trên đó là hình ảnh của cựu tiền đạo Man United Carlos Tevez giang hai tay. Sir Alex Ferguson lập tức chỉ trích họ là "lũ hàng xóm ồn ào" và "một câu lạc bộ nhỏ với một tinh thần mạt hạng".

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 8.

Giờ đây, ít nhất là ngoài mặt, mọi thứ đã lắng xuống. Cả hai câu lạc bộ đều không muốn trở thành tâm điểm của dư luận. Những người đứng đầu của họ đều hài lòng với việc yên vị đằng sau hậu trường. Sự thù địch công khai thuở nào đã nhanh chóng hạ nhiệt.

Đó là bề mặt thôi. Còn những lúc khác - trên các sân chơi quanh vùng Tây Bắc, trên sân trường, trong các phòng họp và ở những mảnh vườn sau nhà - cuộc chiến trở nên dữ dội hơn bao giờ hết.

Những "con cá nhỏ", những cầu thủ tiềm năng trong tương lai, được săn lùng bởi cả hai ông lớn.

Thậm chí có những ngôi sao thiếu niên đã có thâm niên thi đấu giữa hai câu lạc bộ.

Và còn cả những huấn luyện viên và tuyển trạch viên. Dave Harrison, từng giành 8 năm làm việc tại City, vừa mới được chiêu mộ về United để thực hiện công tác tuyển cầu thủ trẻ cho câu lạc bộ. Đó là điều ông ấy từng đảm trách tại City lẫn Leeds trước đó. Những đồng nghiệp cũ của ông, Ronnie Cusick và Lyndon Tomlinson cũng được chiêu dụ và họ lại tiếp tục làm việc cùng nhau.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 9.

"Từ khi được đầu tư, và xây dựng thì Etihad của Man City dần trở nên tối ưu nhất, xét trên mọi mặt," Dave Hobson, tuyển trạch viên cho United từ 2001 đến 2014, và giờ là chủ tịch của Hội đồng Tuyển trạch viên Bóng đá Chuyên nghiệp cho biết. "Chúng tôi đều đã gặp mặt Alex Ferguson. Một chai rượu đặt trên bàn. Và ông ấy thì không ngừng ca ngợi những thứ chúng tôi làm được."

Vậy tại sao một nhân vật ưu tú của Man United lại bỏ sang Man City? Câu trả lời, theo Dave Hobson, thật đơn giản: những tấm séc.

Nhiều tờ séc đã được ký. Có tin đồn rằng một lượng lớn các tuyển trạch viên và huấn luyện viên làm việc bán thời gian của Man City đã được lên lương gấp đôi. Hobson - người nắm trong tay đầy đủ đội hình thuộc mọi lứa tuổi, từ dưới 9 tuổi đến đội một, phát biểu: "Có thể ví các tuyển trạch viên như nàng Cinderella, lên đời sau một đêm. Nhóm này đi săn cầu thủ trước, sau đó các đại diện chỉ việc lần tìm địa chỉ của đám nhóc".

Không ai có thể vận hành một đội trẻ mà không có các tuyển trạch viên. Và cuộc cạnh tranh các cầu thủ trẻ cũng như cuộc cạnh tranh các tuyển trạch viên đã trở thành một cuộc chiến thật sự, âm thầm nhưng cực kỳ khốc liệt.

Cao đẳng St Bede’s là một trường tư 140 tuổi thuộc Whalley Range, một khu vực rợp bóng cây lọt giữa Fletcher Moss và Etihad. Mỗi học kỳ, một đứa trẻ phải trả 3.595 bảng để theo học ở đây.

Hiện giờ, City đã chi khoản tiền trên cho tất cả các cậu bé đăng ký vào học viện của họ, miễn sao chúng có thể lấy được bằng GCSE, thậm chí trước khi đến tuổi.

Nhiều người cho rằng đó là khoản đầu tư đúng đắn. Mùa hè rồi, tỷ lệ đạt điểm A* và A của trình độ GCSE ở trường này là 42%. Giáo dục toàn diện một đứa trẻ tốt hơn nhiều việc chỉ phát triển kỹ năng chơi bóng. Những người khác thì lại cho rằng việc ấy dù tốt nhưng được thực hiện khá thừa mứa.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 10.

Thế nhưng giáo dục đã dần trở thành vũ khí quan trọng. 25 năm trước, từ khi thế hệ 1992 gồm toàn những cầu thủ cây nhà lá vườn của United ra ràng làm thay đổi cán cân quyền lực trong bóng đá Anh, giờ đây sự đầu tư ráo riết của City cho thế hệ trẻ đã biến mảnh đất ấy "chuyển dần sang màu xanh nhạt".

9 trên 11 cầu thủ City ra sân trong trận chung kết tranh cúp FA (và để thua Chelsea) là người dân thành phố này. Hai phần ba học viên tại lò đào tạo của City đang sinh sống tại vùng Manchester.

"10 năm về trước, toàn bộ lũ nhóc của tụi tôi đều khoác áo cho Manchester United hoặc Liverpool," Matt Wackett phát biểu, người đang huấn luyện đội dưới U5, U6 và U7 của Câu lạc bộ Egerton ở Cheshire - vùng đô thị mở rộng ở Manchester. "Giờ thì gần như mọi đứa trẻ đều đầu quân cho Manchester City cả.

Mới đây, City đã mời Wackett mang cả đội U5 đến Etihad tham gia khóa huấn luyện được chủ trì bởi chính các huấn luyện viên của họ. 30 đứa trẻ, thuộc mọi trình độ, có đứa hầu như chẳng sút nổi quả bóng cho nên hồn. Không sao, cứ để chúng tham gia và cho các bậc phụ huynh theo dõi.

Buổi tập ấy sẽ thuyết phục bố mẹ chúng. Và khi bố mẹ chúng đã bị thuyết phục, họ sẽ tự lây lan câu chuyện quanh cộng đồng. Những đứa trẻ hôm nay lớn lên sẽ nói với bố mẹ: "Con muốn về đội Man City". Phụ huynh sẽ nói: "Tốt đấy, còn Man United thì sao?". Chúng sẽ trả lời: "Ở đấy không vui".

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 11.

Nhưng thời thế luôn có sự biến chuyển. Vào giữa những năm 1980, khi City từng đứng ở kèo trên - giành cúp vô địch FA trẻ với đội hình gồm Andy Hinchcliffe, Paul Lake, David White và anh em nhà Brightwwell, Alex Ferguson đã quyết định chuyển công tác đến làm việc cho đội trẻ của United. Ông bắt đầu nhiệm kỳ mới bằng việc ký hợp đồng với cầu thủ 14 tuổi xuất thân từ Man City là Ryan Giggs vào năm 1987. Từ đó chứng kiến sự áp đảo của United.

City vẫn sản sinh ra nhiều tài năng trẻ. Shaun Wright-Phillips, Stephen Ireland, Daniel Sturridge, Michael Johnson, Micah Richards và Nedum Onuoha đều tốt nghiệp từ lò đào tạo trẻ và tiếp tục thi đấu cho đội một trong suốt những năm 2000.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 12.

So với ngày trước, mọi thứ đã thay đổi quá nhanh. Sức hút từ khuôn viên trị giá 200 triệu bảng của Etihad là không thể đo đếm được. Nơi này chỉ mới mở cửa ở phía Đông Manchester vào năm 2014 với 16 sân bóng, sân vận động 7.000 chỗ ngồi cho đội dự bị, 3 phòng gym và phòng thủy lực.

Còn những năm trước, các cầu thủ trẻ được huấn luyện ở Platt Lane - một khu nhà xoàng xĩnh quản lý bởi hội đồng thành phố. Chỉ có vỏn vẹn 6 nhân viên phục vụ, chẳng có rào an ninh và hầu như không có sự kiểm soát nào nếu có kẻ đột nhiên trèo tường.

"Chúng tôi phải dành sự ưu tiên cho cộng đồng," Jim Cassell, chủ tịch học viện City từ năm 1998 đến 2009 hồi tưởng. "Các sinh viên địa phương chiếm sân bóng vào chiều thứ Tư. thế là đội U16 của chúng tôi sẽ luyện tập từ 9-10 giờ tối. Tại đây, chúng tôi còn tổ chức cả đám tang lẫn đám cưới. Tất cả đều dặn nhau phải thật trật tự để không làm phiền lòng người đưa tang.

Bởi vì bị sử dụng quá tải, sân bóng đã trở nên hư hại và nhấp nhô. Nếu đi nhầm vào một sân bóng 5 người, cậu có thể sẽ chứng kiến cánh tài xế taxi đang chơi bóng sau giờ làm việc. Rồi những căn phòng đã được cho công ty ngoài thuê để hội họp".

United thì ngược lại. Họ có lực lượng toàn những ngôi sao sáng giá nhất ở địa phương - Giggs, Paul Scholes, Nicky Butt, anh em nhà Neville - và tiềm lực tài chính dồi dào để thu hút thế hệ trẻ mà người Anh gọi là "Wannabee" (nhại theo một bài hát của nhóm Spice Girls).

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 13.

Tiêu chuẩn ở United hoàn toàn cao hơn, bởi lúc đó họ sở hữu sức mạnh sẵn có và bề dày lịch sử.

Derek Langley nói thêm: "Là một người của United, tôi không muốn đánh mất bất kỳ cầu thủ nào vào tay những câu lạc bộ khác. Tất cả các tuyển trạch viên đều được truyền bá tuyên ngôn đó. Và 99% trong số họ cũng chính là fan ruột của United.

Yếu tố then chốt nằm ở việc phải đảm bảo các tuyển trạch viên hành xử đúng mực. Chúng tôi không chủ trương tạo khoảng cách với mọi người, chúng tôi cũng không muốn gây gổ với các phụ huynh. Chúng tôi cố gắng "thảo mai" với nhiều câu lạc bộ nhất có thể, và khiến họ tin rằng mình đang làm điều đúng đắn."

Thay đổi xảy ra khi Sheikh Mansour tiếp quản City vào năm 2008. Trước hết chính là bản hợp đồng trị giá 32 triệu bảng với Robinho, tiếp theo sau là những Pablo Zabaleta, Nigel de Jong và Vincent Kompany, ba trong số những nhân tố quan trọng nhất trong chức vô địch Premier League mùa giải 2012. Chẳng lâu sau đó, những thay đổi đã tạo bước ngoặt cho những thắng lợi trong tương lai.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 14.

"Những thay đổi được tiến hành từ cơ bản," Derek Langley nói. "Chúng tôi nhận thức Man City đang mang đến một thách thức lớn. Chúng tôi cũng biết là phải giải quyết từ gốc rễ, nhưng tiền đâu cho việc ấy đây. Những yêu cầu về cơ sở hạ tầng trở thành mối đe dọa cho lịch sử của United. Đề xuất giáo dục miễn phí tại St Bede’s của City thực sự là thách thức quá lớn cho United."

Và sự cạnh tranh tiếp tục lan rộng. Cơ sở hạ tầng được dựng lên, tiền tiếp tục đổ vào, trung tâm Etihad phát triển trên nền khu vực Clayton thịnh vượng nhưng lại bị lãng quên quá lâu. Chỉ cần băng qua đường Alan Turing là đã có thể đến được sân vận động. Tất cả những thứ ấy hình thành nên cuộc chiến tổng lực về nhân sự: lũ trẻ, huấn luyện viên, tuyển trạch viên.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 15.

Cuộc truy lùng ấy tìm kiếm điều gì? Đó là những cầu thủ với tương lai đầy hứa hẹn dẫu chúng còn chưa hoàn thành phân nửa chương trình tiểu học.

James McAtee được đánh giá là một trong những tài năng thú vị nhất của bóng đá Anh. 11 tuổi, cậu ấy đã rời United để đến City, câu chuyện này vẫn thường được so sánh với Giggs.

"Thoạt đầu City là nơi chiêu mộ cu cậu," cha của John, cựu cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp từng thi đấu cho St Helens nhớ lại. "Họ cử hai huấn luyện viên đến trường học của thằng bé. Lúc đó họ thấy nó đang đá bóng trong sân trường. Một người đã chú ý và nhanh chóng đưa nó đến Platt Lane.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 16.

9 tuổi, thằng bé ký hợp đồng với United, bởi anh trai của nó cũng chơi bóng ở đấy. Hơn nữa, với công việc của mình tôi không thể chở hai đứa con đi luyện tập ở hai chỗ khác nhau được. Nhưng rồi mọi chuyện không thuận lợi với thằng anh, thế nên tôi nghĩ tốt hơn thằng em cũng không nên tiếp tục ở lại đấy. Vậy là tôi chuyển nó về City trước khi nó bước sang tuổi 11."

City đã có trong tay một viên ngọc quý để mài giũa. McAtee, chưa tròn 15 đã được so sánh với Jack Wilshere thời trẻ. Cậu bé có khả năng rê bóng, sút, chuyền bóng và đánh đầu. Và đó là kết quả của việc được đào tạo bài bản.

"Thằng bé say mê lắm, nhưng mọi chuyện quả là khó khăn," ông bố kể. "Đó là luôn là những ngày thật dài. Mỗi buổi sáng, nó đều thức dậy sớm để bắt xe lửa đến St Bede’s, đến giờ trưa tụi nhỏ lại lật đật đến City, đi xe lửa cả ngày luôn, và sau đó lại tiếp tục đón xe về nha. Mỗi ngày đều trải qua như thế, 12 hoặc 13 tiếng. Vấn đề lớn nhất là có hàng vạn đứa trẻ như vậy. Chẳng phải ai cũng muốn trở thành cầu thủ đấy thôi?"

Ông bố lại kể tiếp: "Khó khăn vô cùng. Nó cũng chẳng phải là đứa to con nhất. Nhưng nó lại bộc lộ được tố chất. Cứ thế nó ngày càng thi đấu hay hơn. Còn gì tuyệt bằng khi được chứng kiến lũ trẻ tận hưởng niềm vui của chúng, khi thằng bé bước ra từ phòng thay đồ và hỏi ngay rằng: Bố thấy con thi đấu thế nào?"

Nhưng cũng tồn tại đồng thời những mặt khác của câu chuyện. Về những đứa trẻ từng được kỳ vọng nhưng rồi cuộc đời cũng chẳng đến đâu.

"Lúc ấy thằng con tôi được 5 tuổi, chơi cũng khá hay đấy," một người cha giấu tên kể lại trên BBC Sport. "Lần đó, nó ghi được 7 hoặc 8 bàn. Sau trận đấu có một tuyển trạch viên của City đến gặp tôi. Ông ấy bảo rằng rất ấn tượng với thằng bé và muốn mời nó về đội. Tôi đã cảm thấy vô cùng tự hào. Tưởng tượng xem có người đến và nói rằng con trai bạn có thể khoác áo cho City hoặc United, có lẽ bạn chỉ muốn nhảy cẫng lên mà chẳng cần suy nghĩ.

"Nhưng rồi sau đó nó bắt đầu vật lộn. Thằng bé thu mình lại trước tất cả mọi người, đó là khác biệt lớn giữa việc chỉ luyện tập thoải mái với bạn bè và trong một trung tâm phát triển nghiêm túc.

Dần dần áp lực tăng lên. Nó ở đó trong 12 tuần. Mọi thứ tiếp tục tiến triển xấu đi, thằng bé dần trở nên xa lánh và mất kết nối với trận đấu. Bản lĩnh trong con người thằng bé dần mất đi. Và rồi những trận đấu chỉ còn lại sự chịu đựng, niềm tin mất dần.

"Tôi đã lường trước cuộc gọi đó sẽ tới. Chúng tôi được thông báo thằng bé phải rời đi, thật khó khăn để kể với nó điều ấy. Tôi vẫn nhớ hình ảnh nó ngồi trên cầu thang và khóc suốt một tiếng đồng hồ. Nó chỉ muốn ngồi một mình. Chuyện đấy thực sự là cú sốc quá lớn với con tôi. Ở tuổi đó, thất bại ấy đã làm xáo trộn cả một hệ thống. Phải mất hai năm sau để nó có thể trở lại trạng thái ban đầu."

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 17.

Và cuộc chiến ấy vẫn đang tiếp diễn, khi con trai của những cựu cầu thủ Man United Robin van Persie, Phil Neville và Darren Fletcher đều đang tập luyện tại trung tâm của City. Thật khó để trả lời ai là kẻ thắng cuộc. Đội U14 của City từng đè bẹp United 9-0, nhưng United lại giành chức vô địch Premier League cho lứa U21 suốt 4 năm liền. Trong khi đó, City đang là nhà đương kim vô địch của lứa U18.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 18.

"Tôi nghĩ cán cân đang nghiêng về phía City", Jim Cassell, một cựu cầu thủ United nay làm việc cho City phát biểu.

Trung tâm tập luyện của Manchester United được khánh thành năm 2000 ở Carrington và đã trở thành học viện của câu lạc bộ từ năm 2002

Derek Langley, hiện giờ  đang làm việc cho bộ phận tuyển dụng của cơ quan OmniSports, rất thật lòng về sự quyến rũ của câu lạc bộ mà ông đã cổ vũ trong suốt nhiều năm: "City giành được sự thống trị. Chúng tôi thì luôn coi rằng United là câu lạc bộ hàng đầu ở Anh, và chỉ độc nhất Manchester thôi. Nhưng những gì City đã đạt được cũng thật tuyệt vời.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 19.

Những anh chàng bây giờ không biết được lứa 1992 tuyệt vời thế nào đâu. United phải can đảm đối mặt với vấn đề của mình và phải tìm cách để tái tạo lại năng lực cạnh tranh, và giải quyết những thứ khác - giáo dục, chuyển đổi vị trí, vận chuyển - mọi thứ đều cần được cần nhắc."

Tại Fletcher Moss, Dave Horrocks đã nhiều lần chứng kiến những ước nguyện đầy mâu thuẫn của các bậc phụ huynh.

"Các bậc làm cha mẹ nhiều khi sẽ bối rối. Họ tìm đến tôi và kể rằng, ‘Thằng con tôi đang chơi cho City, nhưng United cũng để mắt đến và muốn mời nó về - tôi phải làm gì đây?’ Tôi bảo họ hãy thử nhìn nhận lại vấn đề, đâu mới là điều tốt nhất cho con cái họ - không phải điều tốt nhất cho anh chị, mà là điều tốt nhất cho các em. Điều gì khiến thằng bé thích nhất? Nơi nào có thể hạn chế nó tránh xa khỏi rắc rối?

"Lịch sử ghi nhận số cầu thủ đã thi đấu cho United là nhiều hơn hẳn. Nhưng đây lại là thế hệ không hề biết đến chiến thắng vĩ đại của United. Cú ăn ba năm 1999 là điều vô nghĩa với người trẻ bởi khi ấy chúng vẫn chưa được sinh ra. Chúng chẳng biết Maine Road nẳm ở đâu. Đó là lý do vì sao fan trẻ tuổi của City vượt trội hơn hẳn United.

"Tại thời điểm này City đang thể hiện nỗ lực tuyệt vời. Họ đang làm điều đúng đắn và đi đúng hướng. Etihad là một nơi tuyệt vời. Bạn có thể vẫn ngửi thấy mùi sơn mới và đâu đó vẫn còn nguyên bọc ni lông quanh các thanh xà của khung thành.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 20.

"Còn ở trung tâm Aon, nơi ấy thì cũ kỹ hơn. Khi bước vào tòa nhà ấy ta có cảm giác chạm vào quá khứ huy hoàng của câu lạc bộ. Đi ngang qua cánh cửa, bạn sẽ thấy câu trích dẫn của Matt Busby rằng: "Nếu bạn đủ giỏi, thì có lẽ bạn cũng đã già rồi.’

"Ở City họ không thể phô bày những di sản như thế. Tôi không có ý rằng điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra - rồi sẽ đến lúc ấy, bởi vì số tiền mà họ đã đầu tư là quá lớn - nhưng sẽ mất nhiều thời gian để tái tạo những gì người khác đã làm. Học viện Everton hiện thành công hơn City, điều tương tự với Burnley."

"Liệu Marcus 8 tuổi năm nào sẽ tiếp tục thi đấu cho United cho đến cuối sự nghiệp chứ?" Langley ưu sầu và tiếp tục phân tích vào cán cân hai đội: "Nếu bạn nhìn vào những thứ cơ bản nhất - nơi nào giúp một cầu thủ trẻ dễ dàng để tìm ra con đường mình đi, nơi nào có cơ sở vật chất, cơ hội giáo dục tốt nhất?

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 21.

Dĩ nhiên cán cân đã nghiêng hẳn về City. Bởi vì nhờ vào St Bede’s và  trung tâm Etihad. Thế nhưng United lại có thâm niên đào tạo cầu thủ cho đội một. City thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa ở mặt này. Liệu Pep Guardiola sẽ thi hành những điều ông đã từng làm ở Barcelona và tạo cơ hội cho các cầu thủ địa phương có mặt trong đội một?"

Đó là lý do vì sao mà kết quả của cuộc chiến này khó lòng xác định được. Cho dù City có thể thu hút nhiều trẻ hơn, với những phần thưởng hấp dẫn hơn, thì có ý nghĩa gì nếu như không có ai trong số đó gắn bó ở đội một. Người cuối cùng từ lò đào tạo City "tuyển thẳng" lên đội một và trụ lại ở đội hình chính là Micah Richards, đã cách đây 10 năm. Trong khi đó, hãy nhìn bước phát triển tuyệt vời của Marcus Rashford.

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 22.

Nhưng có bao nhiêu cầu thủ sẽ trở thành một Rashford, và bao nhiêu cầu thủ sẽ phải thi đấu ở những CLB kém danh giá hơn. Năm ngoái, Fletcher Moss nhượng lại 9 cầu thủ cho Stoke City. Một số khác phải về những đội hạng dưới hoặc phải bỏ nghệ. 

Cũng giống như những gameshow mà chúng ta xem trên truyền hình. Chúng ta buồn cho những thí sinh bị loại, nhưng không biết những người bị loại này ít ra còn được lên truyền hình, còn có cơ hội chứng tỏ khả năng trên sân chơi lớn.

Còn có bao nhiêu người thậm chí còn không được thất bại theo cách ấy. Chúng bị lãng quên và chứng kiến giấc mơ của mình tàn lụi. Dave Horrocks nói: "Thực tế phũ phàng lắm", rồi quay người bước vào trong phòng thay quần áo. Bên ngoài trời vẫn lạnh, gió vẫn thổi, trong một cuộc chiến tranh lạnh chưa biết hồi kết. 

Có một cuộc chiến âm ỉ ít người biết trong lòng derby Manchester - Ảnh 23.

Quế Nam (dịch từ BBC)
HSKL
Theo Trí Thức Trẻ27/04/2017