img

Tháng 11/2022, đoạn video ghi lại cảnh một chàng shipper mặc nguyên bộ đồng phục của một hãng giao hàng, tự tin giao lưu trôi chảy bằng tiếng Pháp với nhà văn nổi tiếng Marc Levy tại đường sách ở TP.HCM được chia sẻ chóng mặt.

Mọi người tìm ra danh tính chàng shipper đó là Huỳnh Hữu Phước. Vì hoàn cảnh khó khăn, Phước phải tạm bảo lưu việc học tại khoa Ngôn ngữ Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề shipper.

Vào buổi chiều diễn ra sự kiện ở đường sách, Phước vẫn đi ship hàng bình thường. Khi sắp đến giờ, Phước chạy về nhà lấy 2 quyển sách cũ và đến nơi, tắt app, yên tâm ngồi xem. Đến phần giao lưu, Phước tự tin giơ tay đặt câu hỏi với nhà văn. Phước không ngờ, khoảnh khắc ấy là "bước ngoặt" khiến cuộc đời Phước thay đổi.

—------

14h chiều, chạy chiếc xe cub, Phước dừng lại một tiệm sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5). Từ trong cửa tiệm, người đàn ông cục mịch hồ hởi bước ra, giọng ồm ồm: "Phước đó hả con, đến trả tiền sách thiếu hay gì?" rồi cười vui vẻ.

Chú Chín - cái tên thân mật mà Phước hay gọi chú Trần Thanh Lợi, chủ tiệm sách cũ đã nuôi dưỡng tâm hồn Phước trong chuỗi ngày giông bão của cuộc đời.

Một năm trước, khi mọi người chưa biết đến, Phước là chàng shipper trưa nào cũng ghé tiệm sách cũ của chú Chín đọc sách, nghỉ trưa. Nhà có đồ gì ăn, chú Chín đều dành cho Phước, riết rồi chú coi Phước như con trai, cùng tâm sự, chia sẻ với nhau.

"Ban đầu nó đến tìm sách tiếng Pháp, tôi mới tư vấn cho nó vài cuốn cơ bản. Khi tiếp xúc, mặt nó cũng sáng láng, nó kể chuyện gia đình nó cho tôi nghe. Nó thích sách lắm, lúc nào không có tiền thì nó mua thiếu nhưng tôi cho luôn.

Sách là món hàng mà, chỉ quý khi có người cần chứ với người không cần thì nó cũng là đồ ve chai thôi. Tôi bán sách cho người cần chứ không ép người mua, thấy nó mê sách nên tôi tặng nó, xem nó như con của mình vậy. À mà giờ nó nổi tiếng rồi, chắc không nhớ ông bán sách cũ này đâu", chú Chín vừa cười vừa nói, giọng hào sảng.

"Đâu có đâu, chú Chín cứ chọc con hoài", Phước dí dỏm đáp.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 1.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 2.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Huỳnh Hữu Phước (SN 1998) chọn khoa Ngôn ngữ Pháp - trường Đại học Sư Phạm TP.HCM để tiếp tục gửi gắm ước mơ của mình. Tưởng rằng cuộc sống sinh viên của Phước sẽ giống như bao bạn đồng trang lứa, nào ngờ những biến cố liên tiếp xảy ra từ gia đình khiến Phước rơi vào khủng hoảng.

Từ việc không còn chung sống với ba mẹ cho đến phải tự mình ra đường để bươn chải, gánh nặng cơm áo gạo tiền, học phí đã khiến chàng sinh viên năm nhất khi đó rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu.

"Ban đầu mình không chấp nhận chuyện gia đình phải ly tán, mình đấu tranh nội tâm kinh khủng rồi phải điều trị về sức khỏe tinh thần. Dần dần thì thời gian cũng làm mình phải chấp nhận và đứng lên đi tiếp. Bởi mình nghĩ nếu cứ tiếp tục trốn tránh hiện tại thì nó càng đeo đuổi mình, cách tốt nhất là đối diện và vượt qua nó", Phước nhớ lại.

Dù được thầy cô tạo mọi điều kiện, động viên nhưng vì nhiều lý do, sức khỏe lại không tốt khiến Phước phải tạm ngưng việc học của mình ở năm 2 đại học, bởi theo Phước nếu tiếp tục như vậy sẽ không đâu ra đâu.

"Thời gian đó với mình rất kinh khủng, đặc biệt là sự cô đơn. Khi bạn bè mình hầu hết là đi du học, còn mình lạc lõng giữa Sài Gòn, không gia đình, người thân, tự bươn chải mọi thứ. Lúc đó, suy nghĩ từ bỏ cũng nhen nhóm trong đầu mình, mình thấy sao cuộc sống khó khăn quá, nó giống như một thứ gì đó mà ông trời dúi vào tay mình, không nhận thì áy náy mà nhận thì không biết sống sao.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 3.

"Mình quyết định dừng học để tập trung vào cuộc sống trước, đồng thời mình vẫn nuôi ước mơ được đi học lại. Mình thường tâm sự với thầy cô là mình muốn đi học lại, dù trường có đuổi học thì có điều kiện, mình vẫn muốn thi lại để vào khoa Ngôn ngữ Pháp", Phước ngậm ngùi.

Trước khi bén duyên với nghề shipper, Phước đã trải qua rất nhiều công việc từ phục vụ, bảo vệ, rửa xe, hễ công việc nào kiếm được tiền là Phước đều làm: Để sống và nuôi dưỡng ước mơ.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 4.

Với đam mê tiếng Pháp, khi biết nhà văn Marc Levy có buổi giao lưu tại TP.HCM, sau khi đi giao hàng, Phước nán lại đường Sách để chờ gặp tác giả.

"Khi được trò chuyện với nhà văn, cảm xúc của mình rất vui khi trước đó, mình chỉ gặp ông qua sách báo. Hơn nữa, mình được dùng tiếng Pháp để nói chuyện với ông. Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ được mọi người biết đến sau đoạn clip đó, nếu mà biết trước chắc mình không dám lên đặt câu hỏi đâu", Phước cười ngại ngùng.

Và Phước gọi cuộc gặp gỡ với nhà văn Marc Levy là định mệnh. Bởi nó đã thay đổi cuộc sống của Phước rất nhiều. Phước được mọi người quan tâm, được tạo điều kiện đi học trở lại và Phước nhận ra giữa thành phố rộng lớn có rất nhiều tấm lòng, tình yêu thương mà con người dành cho nhau.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 5.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 6.

"Sau Tết, mình được quay lại trường Đại học Sư phạm TP.HCM để học tiếp năm 3. Thật sự mình rất vui bởi việc được đi học lại luôn là khao khát lớn nhất sau thời gian dài tạm ngưng. Mình không nghĩ bản thân sẽ bỏ cuộc nhưng nghĩ sẽ rất lâu mới có thể đi học lại. Việc quay lại trường nó nằm ngoài dự định của mình nhưng khi được tạo cơ hội, mình sẽ nắm bắt nó", Phước hào hứng nói.

Là người trực tiếp hỗ trợ để Phước quay lại học đại học, anh Nghĩa Phạm cho biết ngày Phước nhận thông báo của trường, anh vui đến nỗi không ngủ được. Vì anh biết, khát khao được học luôn cháy bỏng trong Phước.

"Khi thấy trường hợp của Phước, anh mới nhắn tin cho thầy Hiệu trưởng rồi tự mình đi xác minh để tìm hướng giúp Phước quay lại trường học. Sau khi mọi thông tin của Phước đã rõ ràng, quyết định của thầy Hiệu trưởng và nhà trường đã giúp Phước một lần nữa quay lại học đại học, đó là điều tuyệt vời nhất", anh Nghĩa chia sẻ.

Và cũng trong thời gian Phước rơi vào trầm cảm bởi những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, anh Nghĩa đã khuyên bảo, động viên để Phước cân bằng lại cảm xúc. Chính những cánh tay nối dài đã giúp tinh thần, suy nghĩ của Phước thay đổi theo hướng tích cực hơn, tiếp tục nỗ lực để đi đến ước mơ của mình.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 7.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 8.

Cầm trên tay cuốn sách "Hoàng tử bé", ở tuổi 25, những gì đọc được trong sách khác với hoàng tử bé mà Phước từng đọc lúc 10, 15 tuổi. Ở mỗi lần đọc là một sự trải nghiệm khác nhau, qua những thay đổi của bản thân ngoài cuộc sống giúp Phước có góc nhìn khác hơn.

"Mình hay mua sách về đọc, thường thì sẽ mua một cuốn nguyên tác và một cuốn sách đã dịch rồi, Khi đối chiếu với nhau thì mình học hỏi được từ những dịch giả đi trước, đó cũng là cách để mình cải thiện khả năng học ngoại ngữ", Phước chia sẻ về sở thích đọc sách của mình.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 9.

Trong 3 năm tạm ngưng việc học ở giảng đường đại học, Phước luôn nhắc nhở bản thân không được dừng việc học. Bởi với Phước, việc học là suốt đời, không phải chỉ học ở trường lớp mà còn phải học ngoài cuộc sống. Vậy nên lúc nào đi chạy xe, Phước cũng mang sách theo bên mình. Ban đầu, mấy chị chủ quán café vỉa hè cũng thấy lạ khi chàng trai shipper lại ngồi đọc sách, giải bài tập ngữ pháp, lâu dần thành quen.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 10.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 11.

"Trong lúc đi chạy xe, mình mang sách theo. Lúc nào không có đơn thì mình ngồi đọc sách. Cuộc sống của mình khi đó gắn liền với việc lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày và thỏa mãn niềm đam mê học, đọc sách. Bởi mình chỉ nghĩ đơn giản, dừng học trên ghế nhà trường không đồng nghĩa với việc mình dừng việc học. Con người chỉ thật sự bất hạnh nếu không được học, bằng cách nào đó chúng ta không học ở trường thì học từ sách vở, từ những người mình có cơ duyên gặp trong cuộc sống", Phước nói.

Có lẽ với Phước, niềm vui mỗi ngày là được đọc sách. Từ những cuốn truyện tranh của người dì tặng cho lúc nhỏ, niềm đam mê đọc sách đã lớn dần trong Phước, từ đó hình thành thói quen. Để có được những cuốn sách ưng ý, Phước thường tìm đến các tiệm sách cũ ở Sài Gòn, gặp gỡ những con người bên ngoài có vẻ bình dị nhưng trong tâm hồn thì rất sâu sắc.

"Dù không có gia đình bên cạnh nhưng mình thấy bản thân được yêu thương, từ những cô chú bán hàng rong, chú Chín bán sách cũ cho đến cô Tám bán cơm, ai cũng giúp đỡ, hỗ trợ mình mà không mưu cầu nhận lại. Mỗi người là một câu chuyện khác nhau để mình phải học hỏi, nhiều khi những khoảnh khắc đó không lặp lại lần thứ 2 trong cuộc đời", Phước tâm sự.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 12.

Được mọi người giúp đỡ, Phước đã trích hơn một nửa số tiền có được để đi san sẻ cho các hoàn cảnh khó khăn, nhất là những em có nguy cơ phải bỏ học vì điều kiện kinh tế.

"Như mình nói, điều bất hạnh lớn nhất của con người là không được học, nên mình đã dùng sự yêu thương của mọi người để đi yêu thương người khác. Khi nghe câu chuyện của Kim (10 tuổi) có nguy cơ nghỉ học vì ba mất trong đại dịch, một mình mẹ phải nuôi 3 chị em, mình đã không ngần ngại san sẻ để tiếp thêm ước mơ cho em, giúp em ăn học đến năm 18 tuổi", Phước bộc bạch.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 13.

Ngồi trong căn nhà nhỏ, chị Lâm Tú Nhung (ngụ quận 8) rưng rưng nước mắt khi nhớ đến chuỗi ngày khó khăn của 4 mẹ con sau khi chồng qua đời vì Covid-19. Nhờ sự hỗ trợ của Phước dành cho Hoàng Đan Kim (con gái lớn của chị Nhung), chị Nhung phần nào đó vơi đi nỗi buồn, có thêm động lực để tiếp tục cuộc sống, thay chồng chăm sóc và nuôi nấng các con.

"Một năm rồi, chị chỉ biết gửi lời cảm ơn chân thành đến Phước khi em ấy đã truyền cảm hứng cho bản thân chị, là hình ảnh mà chị muốn các con của mình hướng đến. Một người hiền lành, có tài, có đức và có tâm như Phước, mong những ước mơ, dự định của Phước sẽ thành công trong tương lai", chị Nhung xúc động.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 14.

Nắm lấy đôi bàn tay mẹ, Hoàng Đan Kim thỏ thẻ: "Con sẽ ráng học giỏi để sau này lo cho mẹ và 2 em".

Từ ngày ba mất, Kim cũng trở nên trầm tính hơn. Nhìn thấy mẹ sớm hôm vất vả, chạy vạy ngược xuôi để lo tiền ăn học cho 3 chị em, Kim chỉ ước mình có thể lớn thật nhanh để đỡ đần giúp mẹ. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa bao giờ Kim nghĩ mình sẽ bỏ học. Và cuộc gặp gỡ với Phước đã mở ra một con đường mới tươi đẹp hơn, giúp Kim tự tin để vững bước đến ước mơ của mình.

"Chị luôn tin vào những duyên lành, sau đại dịch, chị sống chậm lại nhiều để cảm nhận rõ hơn về tình cảm mà mọi người dành cho nhau để không ai phải lẻ loi, cô độc giữa cuộc đời. Bản thân chị từng bỏ dở việc học, Phước là hình ảnh để chị hướng con mình tới đó. Trong bất kỳ hoàn cảnh thế nào cũng không từ bỏ việc học, chỉ có học mới thay đổi cuộc sống, có một tương lai tốt hơn", chị Nhung tâm sự.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 15.

Ngoài Đan Kim, Phước còn đem sự yêu thương của mọi người dành cho mình để gửi đến 6 bạn sinh viên mồ côi, khó khăn 3 năm học phí. Bởi theo Phước nhận yêu thương là để đổi lấy yêu thương.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 16.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 17.

Từ ngày quay lại giảng đường đại học, cuộc sống của Phước thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nếu lúc trước, Phước phải vừa tự học, vừa kiếm sống thì giờ Phước có nhiều thời gian hơn để theo đuổi đam mê của mình. Tất cả nhờ vào những điều tử tế mà mọi người dành cho Phước.

Vào tháng 7/2023, dịch phẩm đầu tay của Phước với tựa đề "Con gái" (tên gốc: Fille) đã được xuất bản, nó đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên hành trình trở thành dịch giả của Phước.

Nói về cơ duyên với cuốn sách, Phước chia sẻ sau khi quen biết và trò chuyện văn chương trên Facebook, một người chị dịch giả đã ngỏ ý muốn Phước thử sức dịch tác phẩm Fille của nhà văn Pháp Camille Laurens.

"Ban đầu, mình trả lời chị ấy mình là thằng nghỉ học giữa chừng, không tự tin về ngữ pháp khi dịch một tác phẩm lớn như vậy. Nhưng qua lời động viên của chị, bạn bè và từ chính niềm khao khát của bản thân muốn làm điều gì đó, mình đã nhận lời.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 18.

Đó thật sự là một thử thách lớn, quá trình dịch nó không khó khăn với mình nhưng sau khi hoàn thành, mình lo sợ bản dịch của mình không tốt, không đáp ứng được yêu cầu của nhà xuất bản. May mắn là sách phát hành bán rất chạy, được mọi người phản hồi tích cực. Vui nhất là bản dịch của mình được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam gửi cho GS.TS Văn học Pháp Nguyễn Phước Vĩnh Đào - Viện Đại học Paris-Sorbonne, hiện sinh sống ở Pháp đọc thẩm định. Giáo sự nhận xét bản dịch của mình trôi chảy, tốt giúp mình tự tin hơn trên hành trình dịch thuật", Phước tâm sự.

Và cũng chính tác phẩm "Con gái" đã giúp Phước được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng Văn học dịch năm 2023 vào ngày 16/12/2023 với đánh giá bản dịch của Phước đã truyền tải được tinh thần tác phẩm gốc, văn phong mượt mà, câu từ giàu sắc thái biểu cảm. Đó là sự khích lệ vô cùng to lớn để Huỳnh Hữu Phước tiếp tục đam mê và đi tới ước mơ của mình.

Trên chiếc xe Cub, Phước ngắm nhìn đường phố Sài Gòn, ghé tiệm sách cũ của chú Chín rồi tạt vào quán cơm cô Tám, ngồi nhâm nhi ly cà phê vỉa hè. Dù ở hiện tại, cuộc sống của Phước đã tốt hơn nhưng Phước vẫn là Phước của trước đây, là thằng Phước shipper hay ghé tiệm sách chú Chín ăn ké cơm trưa rồi mua sách thiếu, là thằng Phước lúc nào cũng kè kè cuốn sách bên mình và chưa bao giờ ngừng việc học. Bởi Phước luôn có niềm tin và không từ bỏ hy vọng.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 19.

"Hi vọng nó giống như đường trên mặt đất, làm gì có thực và hư, người ta đi mãi thì thành đường thôi nên là mình cứ hi vọng và nỗ lực làm việc, học hỏi không ngừng. Những khó khăn mà mình trải qua nó giống như là sức đề kháng của cuộc sống, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đừng từ bỏ cái nguyện vọng đúng đắn của mình là được học", Phước chia sẻ.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 20.

Chuyện về sự tử tế của những "người dưng" đưa chàng shipper nói tiếng Pháp ở Sài Gòn trở lại giảng đường Đại học- Ảnh 21.

Chế Tiên
Lê Viết Thanh
Tuấn Mxx
Tôn Quỳnh Lâm
Trần Đình Hiền
Dương Bon
Trang Nguyễn
Minh Nguyễn - Trí Đức
Rú Bi Đoàn
Bạc Thu Ngân