img


Phòng Cảnh sát PC&CC số 8 (Hoàng Mai, Hà Nội), những người lính cứu hỏa hầu hết đều còn rất trẻ. Anh Nguyễn Văn Cường, tiểu đội trưởng cho biết, ngoài lính chuyên nghiệp, đơn vị có rất nhiều bạn trẻ đi nghĩa vụ quân sự và được phân công về đây. Khi tham gia chữa cháy, không ít người trong số họ mới chỉ 18-20 tuổi.

Lúc cứu hỏa, có thể những chàng trai 9X ấy bỗng vụt biến thành người hùng X-men. Thế nhưng, khi trở lại đơn vị, hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, họ lại trở về với bản tính vui vẻ và rất đỗi dung dị. Nhìn những gương mặt ấy, tôi không khỏi thắc mắc rằng làm thế nào, bên trong họ lại nung nấu ý chí hơn hẳn những người khác?


Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 3.

Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 4.

Lính cứu hoả Trần Đức Minh (SN 1994) tại hiện trường vụ cháy cây xăng Sang Mạn.

Hơn 2 năm làm lính cứu hỏa ở đơn vị này, Trần Đức Minh (SN 1994) có một kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi tham gia chữa cháy ở cây xăng Sang Mạn hồi đầu tháng 7 vừa qua. Đó là lần đầu tiên cậu nghe rõ tiếng xăng sôi khủng khiếp như thế nào và biết rằng, mỗi một tích tắc trôi qua đều trở nên vô cùng quan trọng vì chỉ cần chậm lại một chút, toàn bộ bình chứa, xe bồn sẽ nổ tung, gây hậu quả khôn lường.

Chữa cháy xăng dầu không thể dùng nước mà phải dùng lăng phun bọt. Loại lăng này không thể đứng xa mà người lính cứu hỏa phải đến gần vật cháy, phun phủ bọt để ngăn xăng tiếp cận với oxy. "Lúc đó mình là người trực tiếp cầm lăng phun bọt, cảm nhận rất rõ sức nóng xung quanh. Nếu téc xăng nổ, chắc mình là người hy sinh đầu tiên", Minh nói.

Khi tôi hỏi, cảm giác của cậu lúc đó như thế nào? Có sợ không? Có thấy tiếc nếu tuổi 22 của mình phải đánh đổi bằng một cú nổ bất ngờ hay không?... Minh chỉ cười lặng lẽ. Cậu nói mỗi lần tham gia ứng cứu, trong đầu chỉ nghĩ làm sao cho đám cháy tắt lửa thật nhanh. Ý nghĩ ấy khiến cậu như bị thôi miên và chỉ khi về đến đơn vị, ngồi nghĩ lại những gì vừa diễn ra mới giật mình thấy là: "Ôi, hóa ra mình vừa mới đi qua miệng vực cái chết".

Thế nhưng Minh không thấy tiếc vì thời gian dẫu có quay lại, cậu vẫn sẽ làm như thế. Tình hình lúc đó quá nguy hiểm. Gần cây xăng là một khu chợ, xe bồn và cây bơm xăng cùng cháy ở hai điểm, nếu tất cả nổ tung... không chỉ cả đội chữa cháy phải hy sinh mà phía sau đó, còn có biết bao tính mạng của người dân vô tội.

"Hồi tháng 6/2015, mình tham gia chữa cháy ở đường Hoàng Mai và nỗi ám ảnh lớn nhất là 5 người trong gia đình đó đều thiệt mạng. Lúc đưa họ ra ngoài, nghe những tiếng gào khóc của người thân họ, nhìn thấy những ánh mắt tuyệt vọng... lòng mình bỗng thắt lại, vô cùng tiếc nuối và bất lực", Đỗ Trường Giang (SN 1991) chia sẻ.

Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 5.

Một lính cứu hoả đang dập lửa trong vụ cháy lán trại vừa qua tại Tân Mai.

Đời lính cứu hỏa không chỉ ăn ngủ, chung sống với khói lửa mà tinh thần họ còn luôn “căng như dây đàn” khi liên tục phải đối mặt với những tình huống sinh tử. Cho dù không ai trong đội phải hy sinh hay bị thương, nhưng những xúc cảm mỗi lần tận mắt thấy người chết, nghe thấy tiếng kêu than... họ đều bị ám ảnh rất lâu, không làm sao quên nổi.

Giống như rất nhiều anh em khác trong đơn vị, nỗi sợ hãi lớn nhất đối với Giang không phải là cái chết của bản thân. Cậu sợ nhất là cái cảm giác vô cùng khó chịu khi dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cứu được người mắc kẹt bên trong.

 Vụ cháy cây xăng Sang Mạn nằm ở khu vực chợ đầu mối, nên lửa bắt rất nhanh. Với hơn 150 chiến sĩ tham gia cứu hộ, đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau 30'. 


Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 7.

Nghe đến tiếng "sếp", hẳn ai cũng nghĩ họ là những người đang ngồi trên cao và ít vất vả bằng nhân viên cấp dưới. Đám cháy xảy ra, người dân gọi chung những người hùng của mình là lính cứu hỏa. Họ đâu biết, nghề này, dù làm sếp vẫn phải lao ra "chiến trường", trực tiếp chỉ huy chiến đấu.

Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 8.

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC số 8, tâm sự, ở một số tình huống cụ thể, ngoài việc bao quát, nắm bắt tình hình để kịp thời chỉ đạo điều hành công việc, bản thân anh và lãnh đạo phòng còn trực tiếp tiếp cận hiện trường để động viên tinh thần cho anh em và chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Anh Trần Khắc Tuân (Đội trưởng Đội Chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát PC&CC số 8) đã có 13 năm gắn bó với nghề chia sẻ, ở lực lượng này, “sếp” luôn là người đi đầu. Không ít lần khi tiếp cận sâu vào trong đám cháy, anh là người đầu tiên nhìn thấy những thi thể... nhưng luôn phải nắm chặt tay bình tĩnh, không dám kêu lên cho anh em biết vì sợ họ sẽ mất tập trung.

Lúc đó, chỉ huy là người cần phải bình tĩnh hơn bất cứ ai. "Vì dù có nguy hiểm cỡ nào, "sếp"  vẫn phải đi tiếp, dẫn lính vào dập lửa, không thể để đám cháy lan rộng".

Xông pha vào đám cháy, dù không trực tiếp cầm trên tay lăng phun bọt, phun nước nhưng anh Tuân lại là người phải biết bao quát, chỉ huy, chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động cứu hỏa. Trong rất nhiều tình huống nguy nan, anh phải đưa ra những quyết định nhanh và táo bạo.

Ví dụ đơn giản như ở vụ cháy cây xăng Sang Mạn, có hàng trăm chiếc xe ô tô tải đỗ ngay sát sau bờ tường của cây xăng và đã có một số xe đang bắt đầu bén lửa. Lúc đó anh Tuân cũng bị thương nhẹ, nhưng để bảo vệ tài sản cho người dân, anh vẫn quyết lao vào, phá cửa kính của hơn chục chiếc xe, nới phanh tay và kêu gọi mọi người góp sức đẩy chúng ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 9.

Đối với anh, điều sợ nhất cũng không phải là khi biết mình đang đối mặt với cái chết. "Sợ nhất là anh em còn trẻ mà không may gặp nạn, sợ nhất là mình đưa ra quyết định sai, ảnh hưởng đến người dân", anh Tuân nói.

Những cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng này, dù ở cương vị nào, họ vẫn luôn là những người lính chiến đấu quên mình vì nhiệm vụ. Anh Nguyễn Văn Cường kể rằng khi được điều động đơn vị, anh cũng trực tiếp cầm lăng, cầm búa xông thẳng vào đám cháy như bao anh em khác.

Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 10.

Hai chiến sĩ trong vụ cháy cây xăng Sang Mạn.

"Mình nhớ hồi Tết Nguyên đán 2012, xảy ra vụ ô tô đâm vào cột điện và bị bốc cháy. Theo nguyên tắc, chữa cháy điện sẽ không được dùng nước nhưng một phần vì tình huống cấp bách, mình phải trực tiếp cầm lăng phun nước chữa cháy theo cách bơm nhả". Theo anh Cường, cách làm này sẽ ngăn không cho dòng điện truyền vào người. Tuy nhiên, chỉ cần sơ hở một chút, tính mạng có thể mất đi bất cứ lúc nào.

Thế nhưng không phải chỉ là năm 2012 mà ngay cả đến bây giờ, khi đã làm cán bộ, nếu có một đám cháy, một hoàn cảnh tương tự xảy ra, anh Cường vẫn tin rằng, mình sẽ luôn sẵn sàng lao vào, đảm đương công việc ấy.


Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 11.

Những mái lợp đổ nát, ngổn ngang sau trận cháy lán trại Tân Mai.


Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 12.

Theo quy định, 24h/365 ngày lính cứu hỏa đều phải túc trực sẵn sàng làm nhiệm vụ, Chỉ cần có hiệu lệnh kẻng báo cháy vang lên, 1 phút sau toàn bộ ca trực lập tức lên xe xuất phát nhận nhiệm vụ. Nếu cháy nhỏ, đơn vị sẽ điều động 2 xe đi, nhưng tất cả anh em đều phải ngồi đợi, phòng trường hợp đám cháy lan rộng sẽ lập tức tiếp ứng.

Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 13.

Địa điểm xảy ra cháy lán trại ở Tân Mai nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, khu nhà này lại toàn những vật liệu dễ bén lửa, vậy nên việc dập tắt ngọn lửa là vô cùng khó khăn.

Ở đơn vị số 8, tất cả CBCS đều quá quen với cảnh đang ăn dở bữa cơm, đá giữa hiệp bóng cao trào hoặc thậm chí là đang thư giãn trong nhà tắm... nhưng khi nghe thấy tiếng kẻng báo cháy đều nhanh chóng thay đổi trang phục xuất phát. Nếu là cháy thật thì không nói, thế nhưng không ít trường hợp, một ai đó nổi hứng trêu ngươi họ bằng những tin cháy giả... Cả đội, sau một hồi di chuyển, lại lật đật quay về.

Chuyện này thường xuyên xảy ra. Điều đáng nói là không ít người chọn lúc 1-2h đêm, khi Hà Nội lạnh cắt da, thấu thịt với nền nhiệt chỉ khoảng 8-9 độ C... ác ý thông báo một tin báo cháy giả, mục đích chỉ để... trêu đùa các anh em. Lính cứu hỏa không quản ngại vất vả, lập tức bật dậy, lao vội lên xe. Thế nhưng đi một hồi, tìm mãi không thấy đám cháy nào, gọi điện cho người báo cháy, chỉ nghe thấy những tiếng tút dài... họ mới biết, mình vừa gặp một cú lừa "không hề nhẹ".

 

"Đúng là ý thức người dân mình về PCCC còn hạn chế nhưng anh em cứu hỏa đều không để bụng, không có cháy, dù sao mọi người vẫn thấy yên tâm và vui nhẹ vì... được thất nghiệp", Bùi Tuấn Mạnh (lính cứu hỏa SN 1995) tâm sự.

Với Mạnh và nhiều anh em khác, cứu người là công việc hết sức thiêng liêng. Vì thế, những tin báo cháy giả, dù có đôi lúc đem đến sự bực mình nhưng nó không hề làm ảnh hưởng đến tinh thần sẵn sàng vì dân phục vụ.

Chuyện về những người lính cứu hỏa không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người - Ảnh 15.

"Có những lần chữa cháy, đám cháy lan rộng, thời gian dập lửa kéo dài, người dân còn mang nước, mang bánh đến cho tụi mình. Mỗi lần anh em đưa được người ra ngoài, họ liền vỗ tay hoan nghênh. Rồi bất chợt giáp mặt được anh em nào là họ liền níu lấy, dặn dò bọn mình phải cẩn thận dù biết bên trong, người thân, người quen của họ vẫn còn đang mắc kẹt... những lúc ấy, anh em bọn mình xúc động đến muốn khóc".

Mạnh cũng nhớ một kỉ niệm khi cứu được 2 ông bà già đã ngoài 70 tuổi, ở tầng 4 trên nóc tòa nhà bị cháy chỉ bằng chiếc thang gỗ cao 5m rất chênh vênh. Đó cũng là quyết định khó khăn nhưng không còn cách nào khác vì mọi thứ quá nguy ngập. Dù tuổi cao nhưng 2 người vẫn yên tâm nhờ Mạnh bảo vệ, an toàn thoát ra khỏi đám cháy.

"Bạn không biết đâu, khi mình phải đứng ra trèo lái con thuyền sinh tử, được người ta đặt hết kỳ vọng, tính mạng vào tay mình thì đó là một áp lực, trách nhiệm lớn lắm, không thể nào làm hời hợt, làm cho qua được". Mạnh nói, chính sự kỳ vọng ấy đã giúp những người như cậu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẵn sàng quên đi cả cái chết đang cận kề trước mắt.

Giống như Mạnh, nhiều anh em khác của Phòng Cảnh sát PC&CC số 8 cũng luôn khiêm tốn, cho rằng họ không phải người hùng. Đơn giản hơn, họ chỉ là những người lính rất yêu công việc của mình, sẵn sàng chiến đấu chống giặc lửa để bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.

“Mình cũng nghĩ, chắc có lẽ không cần phải lao vào đám cháy, hối hả cứu người, tài sản mới là anh hùng đâu. Bất cứ ai đang làm chức vụ nào, công việc gì thì chỉ cần đó là một nghề lương thiện và bản thân chúng ta là người tốt, làm việc hết mình, không phụ lòng tin tưởng của mọi người… thì chính các bạn cũng đang là những người hùng rồi đó”, Mạnh vui vẻ nói.

*Cách đây 55 năm - vào ngày 4/10/1961, Bác Hồ ký Pháp lệnh quy định việc Quản lý của Nhà nước với công tác Phòng cháy chữa cháy. Theo đó, ngày 4/10 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng PCCC. 


Thu Hường
Hoàng Anh
Kiên Nguyễn
Tomaso Lee
Theo Trí Thức Trẻ4/10/2016