Chuyện từ một cuộc tỉ thí võ

Anh Ngọc |

Tôi là người không thích võ thuật, không phải vì nhút nhát hay ghét đánh nhau, mà vì luôn nghĩ rằng, có những thứ võ hoặc để xem và trầm trồ thích thú như kiểu phim của Lý Tiểu Long, hoặc để xem và cười phá lên như của Châu Tinh Trì.

Lại có những thứ võ được sử dụng để tự vệ và cứu người, cứu đời, kiểu của những hiệp sĩ có thực trong cuộc sống chứ không phải trong các tiểu thuyết hay phim ảnh.

Mà những cuộc ra tay hiệp nghĩa ấy nhiều khi chẳng được ghi lại ở đâu đó, dù chúng ta đang sống trong kỷ nguyên Facebook. Những người hùng ra tay, và họ cũng cần ai đó ghi lại những cảnh ấy để sau đó đem khoe, rồi được share hay comment và cả thiên hạ vỗ tay. Họ phải làm việc nghĩa, theo lương tâm của mình.

Thế nên, khi đặt tay lên bàn phím viết bài này, lấy cảm hứng từ cuộc tỉ thí giữa một võ sĩ Việt Nam và võ sĩ Canada vốn đang trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội mấy hôm nay, tôi cảm thấy rất trống rỗng khi đọc những gì người ta bàn luận không ngớt. Có lẽ câu chuyện này sẽ chưa dừng lại sau dăm hôm nữa, trừ khi thiên hạ đã có thêm chủ đề gì đó nóng sốt hơn.

Chuyện từ một cuộc tỉ thí võ - Ảnh 1.

Trận đấu giữa võ sư sư Pierre Francois Flores và võ sư Đoàn Bảo Châu. Ảnh: Internet

Ai đó nói, thật là tuyệt bởi tinh thần thượng võ. Ai đó xuýt xoa về việc bà vợ ôm lấy ông chồng võ sư bị đánh bại, nằm đau ở một chỗ. Ai đó thậm chí còn nói ông thách đấu đã làm "nhục quốc thể", còn cái ông Tây to hơn kia đánh thắng ông người Việt nhỏ hơn và già hơn thì cũng chẳng có gì đáng tự hào.

Còn rất nhiều những ý kiến và cả các bài báo nữa, phân tích tường tận các ngóc ngách của một cuộc đấu được quay và phát trên Facebook.

Điều gì sẽ tiếp nối cho câu chuyện ấy? Facebook đã và đang trở thành nơi người ta thách đấu và sau đó là sân khấu để tất cả cùng xem đấu (không chỉ là đấu võ nghệ) qua livestream, trong những cuộc đấu do họ tự tổ chức, khán giả có thể ngồi salon nhà mình, trong tay có bỏng ngô để xem, trong thể loại "reality" còn hơn cả trong các show trên tivi?

Có lẽ thế, hoặc cũng có lẽ không, nhưng ngày vợ chồng tôi quyết định cho con gái đi học kickboxing, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến chính là việc con mình nhờ được trang bị chút kiến thức về võ thuật mà có thể sẽ trở nên khỏe khoắn và tự tin hơn trong cuộc đời.

Không phải bởi vì nếu có võ, nó sẽ trang bị cho mình những thế võ để không bị kẻ nào đó bắt nạt, mà bởi nhờ thế, nó sẽ biết cách sống tốt hơn trong cuộc đời, nhờ thể lực tốt hơn và trở nên chín chắn hơn.

Chín chắn để không đem sức mạnh về thể xác để đàn áp kẻ yếu. Chín chắn để làm những điều tốt đẹp và tử tế. Và bản thân sự chín chắn ấy cũng có thể dạy lại chính chúng tôi ít nhiều, vì con trẻ là tấm gương phản chiếu của người lớn.

Những cuộc thách đấu trong đời chắc chắn sẽ rất nhiều, và không chỉ là đơn thuần bằng sức lực. Không có sức khỏe, bản lĩnh, vốn sống và sự chín chắn thì không thể đương đầu với những áp lực sẽ có trong đời. Nhưng đôi khi, những cuộc thách đấu ấy chẳng đến từ ai, mà từ chính bản thân mình.

Và rồi, chắc chắn cũng có thể sẽ có lúc thất bại, khi không có ai đó thân thiết ở gần bên. Chỉ có nghị lực mới có thể giúp nó đứng dậy và tiến về phía trước. Sức mạnh thực sự và những bài học về đạo đức không đến từ Facebook, mà từ bản thân nó. Không gì có thể dạy nó tốt hơn là những thất bại.

Hãy vững bước lên trên đường đời, hỡi những đứa trẻ đang lớn lên, trong thời đại của mạng xã hội, của các giá trị ảo đang được tôn thờ và của sự đánh giá lẫn nhau ở vẻ bề ngoài là mốt. Lý Tiểu Long từng nói: "Đừng khẩn cầu để có một cuộc sống dễ dàng, hãy khẩn cầu để có sức mạnh trong những lúc khó khăn"…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại