"Á!"
"Chết... tao xin lỗi".
Đấy là 2 câu thoại rất ngắn trong 1 pha bóng thực ra chả có gì mạnh mẽ cho cam ở trận đấu tôi đề cập phía trên. Nhưng thực ra, nó đủ nguy hiểm để cầu thủ phạm lỗi phải xin lỗi đối thủ. Vì sao à, vì cả 2 đều đang đá bóng chân trần, trên nền bê tông cứng ngắc.
Chuyện đá bóng dưới lòng đường ở Việt Nam bây giờ vẫn còn đầy, kể cả tại thủ đô Hà Nội vốn có vô vàn những sân cỏ nhân tạo đang mọc lên như nấm. Nhưng các "cầu thủ" nghiệp dư ở Việt Nam bây giờ đi giày đá bóng trên sân bê tông, chứ hiếm khi đi chân đất.
Nói đến đây lại nhớ thời các cựu danh thủ như Ba Đẻn ngày xưa đá chân đất ở bãi Long Biên, hoặc cố nhạc sĩ – ca sĩ Trần Lập từng đá chân đất trên nền bê tông ở thủ đô Hà Nội. Nói chung những ngày tháng ấy của họ vui, nhưng nhắc đến việc chấn thương cũng tái mặt.
Nhẹ thì rách chân, trầy da, nặng thì gãy xương như chơi… Nhưng đó là chuyện của Việt Nam cái thời lâu lắm rồi. Giờ về các vùng quê nghèo lắm, may chăng mới bắt gặp chuyện ấy…
Các tài năng HAGL chân trần đá bóng.
Vẫn chuyện chân trần đá bóng, thực ra nó cũng chẳng hoàn toàn là hiện thân của sự lạc hậu, hay nghèo đói. Ở Học viện danh tiếng, hiện đại HAGL, theo công nghệ Arsenal, các cầu thủ nhí vẫn đá bóng chân trần.
Lý do được đưa ra là để cầu thủ có cảm giác tốt nhất với trái bóng, do Học viện phố Núi ưu tiên khả năng chơi kĩ thuật.
Trở lại câu chuyện ở Cố đô Yangon, Myanmar, các chàng trai trẻ không chỉ thi đấu chân đất mà còn đá bóng… nhựa. Vậy, lý do là gì?
Các chàng trai ở Yangon đá bóng nhựa, chân trần trên nền bê tông.
Quay sang hỏi anh bạn người bản địa, vốn là một fan cuồng bóng đá và ĐTQG Myanmar, Naylin Nay thì tôi được câu trả lời thế này: "Họ đá bóng nhựa là vì nếu đá bóng da trên đường phố, lực sút mạnh 1 tý, bóng sẽ bay đi xa lắm, đôi khi còn ảnh hưởng xung quanh. Tất nhiên đã chơi bóng nhựa, thì chân đất mới hợp".
Naylin Nay bảo đó là lý do các thanh niên này đá bóng nhựa, chân đất, chứ không chắc vì nghèo. Nhưng tôi thì nghĩ có thể nghèo cũng là 1 nguyên nhân? Vì trái bóng nhựa của họ đã cũ lắm rồi và còn hư hại nữa…
Lạ lùng là trong những ngày ở Yangon, tôi chưa thấy bất cứ một sân bóng nào phục vụ cộng đồng, dù chỉ là sân đất chứ chưa kể sân cỏ nhân tạo. Có lần nhìn thấy 1 sân cỏ nhân tạo bé tý thì nó lại được sử dụng để chơi… khúc côn cầu.
Các chàng trai đành phải chấp nhận vui vẻ với trò chơi rất ư nguy hiểm này.
Naylin Nay bảo: "Ừ, đúng đấy. Ở đây không có mấy sân bóng đâu, toàn đá trên đường thế này thôi". Mà nào tôi có thấy người dân Myanmar đá bóng mấy, kể cả trên đường. Cá biệt lắm khi tới con đường ven SVĐ Thuwunna mới thấy có người đá bóng.
Có thể do Myanmar toàn đi ô tô, mà chính đường xá còn đang quá tải thì lấy đâu ra chỗ để tranh thủ đá bóng. Hoặc cũng có thể ở nơi đây, bóng đá phong trào đang gặp khủng hoảng trầm trọng.
Vì như bên Brazil ấy, tất nhiên so sánh có phần khập khiễng, thì cứ nơi nào có khoảng trống dù nhỏ, người ta đều chơi bóng!
Nói đến tình yêu bóng đá của người Myanmar, AFF Cup sắp chính thức khởi tranh đến nơi, nhưng không khí vẫn rất trầm lắng và khó "ngửi" thấy mùi túc cầu.
Quay sang hỏi anh bạn dẫn đoàn người bản địa của ĐTVN, Zaw Min Naing tôi có thêm 1 thông tin khác: Tỷ lệ nữ giới thích bóng đá trong cộng đồng fan nước này chỉ khoảng… 5%. Tức là 100 người thích bóng đá thì có… 5 người là nữ.
Fan nữ Việt Nam rất đông đảo.
Nếu nhìn lên các khán đài SVĐ Mỹ Đình mỗi khi tổ chức trận bóng lớn, anh em yêu túc cầu ở Việt Nam sẽ tự hào lắm thay. Vì chúng ta có rất nhiều chị em cũng đang hòa nhập, cùng tham gia vào tình yêu bóng đá vô bờ bến. Khó để đưa ra tỷ lệ chính xác, nhưng chắc chắn vượt xa Myanmar.
Trong một buổi phỏng vấn báo giới Việt Nam hôm qua, Chủ tịch LĐBĐ Myanmar, tỷ phú Zaw Zaw kỳ vọng ít nhất 10 năm nữa sẽ đưa bóng đá nước này vượt ra khỏi tầm ĐNÁ.
Ông cũng chia sẻ Myanmar hiện có 2 học viện, 1 trường dạy bóng đá, 5 trung tâm huấn luyện. Nhưng con số ấy có thấm vào đâu, nếu tại một địa điểm lớn như Cố đô Yangon, tìm mỏi mắt không thấy người dân đá bóng, chưa nói là đá một cách thật sự "đàng hoàng"?