Ngày 28/2, lễ thượng cờ tàu ngầm 186 Đà Nẵng và tàu ngầm HQ-187 Bà Rịa - Vũng Tàu đã được tổ chức trọng thể tại Quân cảng Lữ đoàn tàu ngầm 189, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với lễ thượng cờ này, tàu ngầm 186 Đà Nẵng và tàu ngầm 187 Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức được đưa vào biên chế của lực lượng tàu ngầm - lực lượng non trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng kể từ hôm nay, Việt Nam là một trong số ít nước ở châu Á có đội tàu ngầm với 6 chiếc được trang bị những công nghệ hiện đại nhất.
Nhân sự kiện này, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với 3 chuyên gia quốc tế về những bước tiến mà Hải quân Việt Nam sẽ đạt được sau khi hoàn thiện hạm đội tàu ngầm, cũng như những gì mà lực lượng của chúng ta sẽ phải chuẩn bị tốt để phát huy khả năng hoạt động mạnh mẽ trong tương lai.
Theo ông Franz-Stefan Gady, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Đông Tây (New York, Mỹ), đồng thời là một chuyên gia về mảng quân sự trên tạp chí Diplomat, hạm đội tàu ngầm Kilo trang bị tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14E Klub là sự bổ sung đáng gờm cho khả năng triển khai sức mạnh của Hải quân Việt Nam trên biển.
6 tàu ngầm Kilo sẽ đưa Hải quân Việt Nam trở thành một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cũng theo ông Gady, chỉ riêng tàu ngầm chưa thể đóng vai trò quyết định, mà điều quan trọng là cách Hải quân Việt Nam huấn luyện thủy thủ, bảo dưỡng tàu ngầm và cách thức triển khai chúng sao cho có hiệu quả nhất.
Giáo sư - Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) cho rằng, giờ đây, khi hạm đội tàu ngầm Kilo đã hoàn thiện, tầm hoạt động của Hải quân Việt Nam sẽ được mở rộng.
Vấn đề đặt ra cho Hải quân Việt Nam trong năm 2017 và các năm sắp tới sẽ là: Làm thế nào vận hành hiệu quả hạm đội tàu ngầm để đạt được mục tiêu của quốc gia trong thời bình, cũng như nếu có tình huống xung đột.
Có rất nhiều câu hỏi cần cân nhắc. Chẳng hạn, Hải quân Việt Nam muốn bao nhiêu tàu hoạt động thường trực trên biển? Cần có thêm bao nhiêu tàu sẵn sàng hoạt động khi có vấn đề căng thẳng xảy ra?
Với hạm đội 6 tàu, có lẽ sẽ có 3 chiếc sẵn sàng hoạt động vào bất cứ thời điểm nào. Vậy Hải quân Việt Nam sẽ làm gì với 3 con tàu này để tối ưu hóa khả năng hoạt động và hiệu quả chiến lược mà chúng mang lại?
Làm thế nào để đảm bảo rằng một nửa hạm đội tàu ngầm luôn sẵn sàng hoạt động bất cứ lúc nào? Mua sắm tàu ngầm mới chỉ là một phần trong công cuộc triển khai lực lượng hải quân đủ khả năng hoạt động. Duy trì và bảo dưỡng chúng sẽ là yếu tố đóng vai trò quan trọng đảm bảo hiệu quả tác chiến.
Bên trong nhà máy đóng tàu ngầm Kilo cho Việt Nam
Bên cạnh đó, cũng cần xét đến yếu tố con người. Bất cứ lực lượng hải quân nào cũng luôn phải trong tâm thế chiến đấu. Sự khác biệt duy nhất giữa thời bình và thời chiến là khi vũ khí được bắn ra khỏi nòng (pháo), bệ phóng tên lửa hoặc ống phóng ngư lôi
Vì thế, các thủy thủ cần trau dồi kỹ năng điều khiển tàu, kỹ thuật và chiến thuật, không chỉ trong các trường đào tạo mà còn qua các chuyến đi biển thực tế và họ phải luyện tập rất nhiều.
Những yếu tố trên nghe chừng có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng. Hải quân Liên Xô từng thiết lập được một hạm đội quy mô lớn nhưng không duy trì được lâu dài.
Các con tàu của họ nay đã gỉ sét. Hay Hải quân Iran cũng vận hành một hạm đội tàu ngầm Kilo nhỏ đã được hơn 20 năm, nhưng không mấy hiệu quả. Có vẻ như họ không phát triển được chiến thuật và nội dung thực hành phù hợp với môi trường hoạt động.
"Tôi hy vọng rằng Hải quân Việt Nam sẽ không gặp phải những vấn đề này, bởi điều đó rất quan trọng đối với sự thành công của các bạn" - Giáo sư James R. Holmes chia sẻ.
Cùng quan điểm này, ông Carl Thayer – giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales nhận định, với việc đưa vào biên chế thêm 2 chiếc tàu ngầm Kilo nữa, Hải quân Việt Nam đã hoàn thiện hạm đội tàu ngầm và bước sang một không gian tác chiến mới, đó là tác chiến dưới nước.
Tuy nhiên, 6 chiếc tàu ngầm này mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình phát triển lâu dài. Giờ đây, khi đã trang bị xong tàu ngầm, Việt Nam sẽ phải giải quyết những vấn đề tiếp theo như chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì hoạt động cho các tàu và huấn luyện thủy thủ.
Kíp thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam đã được đào tạo tại Nga và Ấn Độ. Tại Ấn Độ, có vẻ chương trình chủ yếu tập trung vào đào tạo định hướng cơ bản, với phần lớn thời gian trong lớp học.
Các thủy thủ Việt Nam cần phát triển thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng chỉ có thể rèn giũa được qua các đợt hoạt động thực tế và thực hành trên biển.
Ông Thayer cho rằng, có rất nhiều việc cần làm để đưa những chiếc tàu ngầm này trở thành lực lượng quân sự đáng gờm.
Chẳng hạn, lực lượng tàu ngầm Việt Nam cần xây dựng "thư viện tiếng động" của các loại tàu mặt nước thu được qua sonar để tàu ngầm Kilo có thể phân biệt tàu chiến của các quốc gia khác nhau và phân biệt chúng với âm thanh của các tàu thương mại di chuyển qua biển.
Tàu ngầm lớp Varshavyanka (hay Kilo) nổi tiếng với khả năng tàng hình nhưng nếu không có thư viện tiếng động như trên, chúng sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện các tàu đối địch.
Ngoài ra, các tàu ngầm của Việt Nam có thể luyện tập với hạm đội tàu mặt nước để cả 2 cùng tích lũy kinh nghiệm tác chiến. Lực lượng chống ngầm của Việt Nam, như các tàu Gepard, có thể tích lũy kinh nghiệm qua các bài tập phát hiện và theo dõi tàu ngầm Kilo.
Ngược lại, tàu ngầm Kilo có thể luyện tập kỹ năng tránh bị phát hiện và theo dõi các tàu mặt nước để tấn công (nếu cần thiết).
Bên cạnh đó, trước sự lớn mạnh của các hạm đội tàu ngầm trong khu vực, sẽ có khả năng xảy ra va chạm giữa các tàu ngầm. Vì vậy, Việt Nam cần phát triển khả năng và kỹ năng tiến hành hoạt động cứu trợ khẩn cấp đối với tàu ngầm gặp nạn.
Theo ông Thayer, Việt Nam mới chỉ bắt đầu nghiên cứu và phát triển học thuyết dành riêng cho các hoạt động tàu ngầm ở cấp chiến thuật, chiến dịch, chiến lược. Việt Nam sẽ cần phát triển một lực lượng kết hợp hải-lục-không quân và các đơn vị tên lửa để có thể phối hợp tác chiến liên tục khi cần thiết.