Chuyên gia: Không giành huy chương nhưng Trịnh Thu Vinh đã thi đấu xuất sắc

THÀNH LỘC/VTC News |

"Thu Vinh cán đích ở vị trí thứ 7 không phải vì cô ấy bắn kém mà đã thực hiện phần thi cực kỳ xuất sắc", cựu HLV trưởng đội tuyển bắn súng VN Nguyễn Thị Nhung nói.

Chiều 3/8, xạ thủ Trịnh Thu Vinh nói lời chia tay với giấc mơ huy chương Olympic, sau khi cán đích thứ 7 tại chung kết nội dung súng ngắn 25m nữ. Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Nhung - cựu HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam  vẫn đánh giá cao thành tích của xạ thủ sinh năm 2000 trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News.

- Vận động viên Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành phần thi cuối cùng tại Olympic Paris 2024 và nhiều khán giả Việt rất tiếc nuối khi Vinh không giành huy chương. Bà đánh giá thế nào về màn thể hiện của vận động viên Trịnh Thu Vinh?

Hôm nay Thu Vinh cán đích ở vị trí thứ 7 không phải vì cô ấy bắn kém. Thu Vinh đã thực hiện phần thi cực kỳ xuất sắc.

Tại bài bắn chung kết, các VĐV phải đạt điểm 10,2 (trúng hồng tâm) mới được tính điểm. Hôm qua, Vinh bắn nhanh 30 viên và có 15 viên trúng hồng tâm, tức điểm từ 10,2 đổ lên. Vậy mà ngày hôm nay, Thu Vinh bắn 25 viên thì có tới 16 viên đạt tiêu chuẩn, thành tích hôm nay tốt hơn hôm qua rất nhiều.

Lúc bị loại, khoảng cách của Vinh với VĐV xếp trên chỉ là 1 điểm. Nếu Vinh vượt qua VĐV đó, chưa chắc cô ấy đã có huy chương; nhưng bắn súng mà, người vận động viên cứ vượt qua thử thách thì cơ hội mới sẽ mở ra. Chỉ tiếc là đối thủ của Vinh đã chơi quá ổn định.

Từ trước Olympic, chỉ số điểm (rating) của Trịnh Thu Vinh trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bắn súng Thế giới (ISSF) đã thấp hơn các đối thủ khác. Tuy nhiên, cô ấy đã thể hiện bản lĩnh tốt.

Trịnh Thu Vinh về thứ 7 tại chung kết nội dung súng ngắn thể thao 25m nữ.

- Theo bà, Thu Vinh có gặp áp lực gì ngoài vấn đề chuyên môn không?

Đoàn thể thao của chúng ta chỉ có 2 đại diện tham dự môn bắn súng Olympic, trong khi các đoàn khác có rất nhiều. Vì vậy, Trịnh Thu Vinh không chỉ gặp áp lực về mặt thành tích cho riêng mình, mà mang theo cả sứ mệnh đem vinh quang về cho nền thể thao Việt Nam.

Mộng Tuyền đã bị loại sớm rất đáng tiếc, may mắn là Thu Vinh đương đầu với áp lực một cách tuyệt vời. Như đã nói, tôi nghĩ Vinh đã hoàn thành tốt phần thi. Tôi rất tự hào về cô ấy sau 2 nội dung thi đấu Olympic năm nay.

- Qua 2 nội dung, Trịnh Thu Vinh đều đạt điểm rất cao tại vòng loại. Tuy nhiên, các VĐV quốc tế lại bứt phá tốt hơn nữ xạ thủ Việt Nam ở phần thi chung kết, thưa bà?

Nếu các lãnh đạo có hoạch định chiến lược rõ ràng cho Thu Vinh, tôi khẳng định cô ấy sẽ thành công tại Olympic 2028.

Cựu HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung

Olympic là sân chơi quy tụ những vận động viên đẳng cấp thế giới. Trong suốt nhiều năm, các nữ xạ thủ Việt Nam đã được tập luyện theo giáo án của HLV, thực hiện những bài tập chỉ giành riêng cho phần thi chung kết.

Họ không đặt nặng phần thi bắn precision (bắn chính xác) ở vòng loại mà tập trung nhiều hơn ở phần bắn rapid (bắn nhanh). Ở những viên bắn chậm, có những VĐV chỉ cố đạt đủ điểm vào chung kết thôi, không cần cao.

Các cường quốc bắn súng đặt rất nặng việc giành huy chương. Họ đã lên kế hoạch luyện tập kỹ lưỡng, trong đó tập trung bắn nhanh để đạt mục đích.

Hôm nay, Thu Vinh bắn không tệ chút nào. Nhưng các VĐV hàng đầu thế giới cũng bắn quá tốt, một phần do họ đã làm quen, tập luyện cho thể thức chung kết 25m trong nhiều năm.

Thực tế, HLV Park Chung-gun đã cho Trịnh Thu Vinh làm quen với phần thi chung kết 25m. Tuy nhiên, đây là môn đạn nổ. Lượng đạn phục vụ cho mỗi buổi tập rất nhiều, kéo theo kinh phí tốn kém. Ở các nước mạnh, ví dụ như Hàn Quốc chẳng hạn, họ có điều kiện hơn chúng ta ở khoản này.

Các VĐV muốn bắn viên 10,2 điểm cần có nhiều hơn kỹ thuật và tâm lý tốt. Họ phải có phản xạ, và việc tập luyện nhiều giúp họ có tố chất đó.

- Theo bà, sau thành công tại Olympic 2024, bắn súng liệu có phải mũi nhọn của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2028?

Tôi nghĩ mục tiêu thiết thực của bắn súng Việt Nam trong những năm tới là có VĐV tham dự Olympic 2028. Nói vậy bởi chúng ta không có nhiều VĐV được tập bắn súng bài bản. Phong trào chơi, tập luyện môn bắn súng của Việt Nam chưa mạnh.

Trịnh Thu Vinh - thuộc đoàn thể thao của ngành Công an - và Hoàng Xuân Vinh từng thuộc đoàn thể thao Quân đội – là những ngoại lệ. Họ được tạo điều kiện, được hỗ trợ kinh phí để thi đấu. Tăng số lượng VĐV tham dự môn bắn súng Olympic 2028 là cách tốt nhất để Việt Nam có huy chương. Các xạ thủ khi đó được giảm bớt gánh nặng.

Đoàn thể thao Việt Nam chỉ có 2 đại diện thi đấu các môn bắn súng tại Olympic Paris 2024.

- Chúng ta cần làm gì để Trịnh Thu Vinh hiện thực hóa giấc mơ giành huy chương bắn súng tại Thế vận hội?

Nếu muốn Thu Vinh đạt huy chương Olympic, chúng ta cần phải đầu tư vào cô ấy ngay. Ngoài chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, Thu Vinh cũng cần một HLV theo cô ấy từ giờ tới ít nhất là năm 2028 – thời điểm diễn ra kỳ Thế vận hội tiếp theo. Người HLV trưởng đó cũng cần lên kế hoạch tập luyện ngay từ bây giờ.

Nếu các lãnh đạo có hoạch định chiến lược rõ ràng cho Thu Vinh, tôi khẳng định cô ấy sẽ thành công tại Olympic 2028. Tôi rất tự hào về Vinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại