Ở làng võ cổ truyền Trung Quốc hay Việt Nam, đặc biệt là với các môn phái có nguồn gốc từ Thiếu Lâm thì Thiết Bố Sam (hay Thiết Bố Sam Công) là môn công phu rất nổi tiếng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Ngày nay, một số võ sư ở Trung Quốc hay Việt Nam cũng biểu diễn Thiết Bố Sam Công. Trong đó, một bài biểu diễn được nhiều người cho là mạo hiểm và cũng "siêu phàm" bậc nhất phải kể tới màn dùng khoan để khoan vào thái dương hay yết hầu. Đây là tiết mục võ thuật mà chắc hẳn khi theo dõi trực tiếp, sẽ có rất nhiều khán giả phải "nổi da gà".
Đây là màn biểu diễn võ thuật khiến nhiều người xem phải "thót tim".
Trước kia, có một võ sư phái Thiếu Lâm của Trung Quốc từng khẳng định rằng đây là màn biểu diễn rất khó và muốn thành công, các võ sư sẽ phải mất tới nhiều năm trời để tập luyện.
Tuy nhiên, mới đây, một võ sư tại TP.HCM khi trao đổi với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc lại đưa ra những tiết lộ khá thú vị và bất ngờ về màn biểu diễn đầy mạo hiểm nói trên. Đó là võ sư trẻ Đinh Ngọc Huy, Chưởng môn phái Thiếu Lâm Nam quyền Long Hổ Môn Thích Thanh Tâm.
Theo võ sư Đinh Ngọc Huy thì thực chất, màn thi triển công phu dùng khoan để khoan vào thái dương hay yết hầu hoàn toàn không hề cao siêu, cũng chẳng hề khó khăn và phải mất tới nhiều năm trời để tập luyện giống như quan điểm mà vị võ sư người Trung Quốc đưa ra. Thậm chí, vị Chưởng môn sinh năm 1986 còn bóc mẽ "tiểu xảo" mà một số võ sư khác ở Trung Quốc hay Việt Nam đã từng sử dụng khi biểu diễn trước công chúng.
Võ sư Đinh Ngọc Huy thi triển Thiết Bố Sam Công.
Võ sư Đinh Ngọc Huy nói với Trí Thức Trẻ: "Thực chất, màn dùng khoan để khoan vào thái dương hay yết hầu chẳng có gì là ghê gớm cả. Cái quan trọng để thực hiện bài này là khả năng chịu đau.
Tuy nhiên, nếu là biểu diễn thật thì mũi khoan phải còn mũi. Trong khi đó, có một số người ở Trung Quốc hay thậm chí cả Việt Nam là họ biểu diễn giả, nghĩa là họ lấy mũi khoan đã bị hư mũi để biểu diễn.
Như tôi thì tôi luôn dùng những mũi khoan vẫn còn mũi để thực hiện màn đó. Tôi vẫn dùng nó để khoan tường gắn đồ treo trong gia đình. Lúc thực hiện bài này thì lực ấn thường vào khoảng 10kg.
Có một số người khi biểu diễn màn này họ chỉ đặt nhẹ để chạm vào điểm tiếp xúc (thái dương hoặc yết hầu) là họ liền bấm máy khoan ngay nhưng nếu làm thật thì phải có lực ấn vào. Tùy theo trình độ tập luyện của mỗi người sẽ có thể chịu được lực ấn vào bao nhiêu và thời gian là bao lâu. Như tôi thì chỉ chịu được lực ấn hơn 10kg và giữ được khoảng gần 1 phút".
Dùng lực ấn khi bấm máy khoan khiến yết hầu hay thái dương của võ sư Đinh Ngọc Huy bị trầy.
Nói về cách tập luyện màn biểu diễn khá mạo hiểm này, võ sư Đinh Ngọc Huy cho rằng với những võ sư đã có nền tảng căn bản thì họ chỉ cần mất vài tháng là có thể biểu diễn được tiết mục này chứ không hề mất tới nhiều năm trời như quan điểm của một võ sư phái Thiếu Lâm người Trung Quốc:
"Nếu tập kungfu thật sự thì cần khoảng 3 tháng là đã có thể thi triển được tiết mục này. Thường thì cách luyện bài khoan vào thái dương hay yết hầu sẽ bao gồm 2 bước. Bước thứ nhất là làm quen với ma sát nhẹ, và bước thứ hai là làm quen với lực ma sát và lực ấn tăng dần.
Tất nhiên, quãng thời gian 3 tháng là đối với những võ sư đã có nền tảng căn bản vững chắc chứ không phải với một người bình thường chưa từng luyện võ.
Người bình thường chỉ có thể để hờ hờ mũi khoan rồi bấm cho nó quay để hù người ta thôi. Còn tập thật sự thì phải có lực ấn, mà sơ ý là tai nạn ngay. Tất nhiên, tôi sẽ khuyến cáo rằng những người chưa có nền tảng võ thuật vững vàng thì không nên mạo hiểm để thực hiện tiết mục này.
Còn nếu so với việc khoan vào thái dương thì khoan vào yết hầu sẽ khó hơn đôi chút và cần nhiều thời gian hơn. Bởi da ở phần yết hầu nhiều hơn, nó sẽ cuốn vào mũi khoan, dễ bị tổn thương hơn".
Võ sư Đinh Ngọc sở hữu dáng vóc rất nhỏ con và thư sinh.
Vị chưởng môn phái Thiếu Lâm Nam quyền Long Hổ Môn Thích Thanh Tâm chia sẻ thêm về tác dụng của Thiết Bố Sam Công trong thực tế:
"Thực tế, việc luyện bài khoan vào thái dương hay yết hầu chỉ mang ý nghĩa giúp ích cho việc rèn luyện ý chí và lòng can đảm của người luyện võ, giúp người tập tự tin và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống chứ nó không có gì là siêu phàm cả. Tôi vẫn nói với các học trò của mình là như vậy.
Vấn đề là cần có căn bản, cần kiên trì và tập luyện đúng cách thì ai cũng có thể làm được. Thực ra, màn biểu diễn khoan vào thái dương hay yết hầu với cá nhân tôi có khi còn dễ hơn màn dùng cùi chỏ công phá một chồng gạch mà tôi thi thoảng vẫn làm chơi. Bởi ở màn dùng cùi chỏ công phá gạch như vậy, giữa các viên gạch không có khe hở nên nó sẽ tạo thành một khối, để công phá được cũng tương đối vất vả.
Tôi cũng tập khá nhiều bài khác nhau như dùng ngón tay chọc thủng trái dừa, Thiết đầu công... nhưng chỉ với mục đích rèn luyện tinh thần và chiến thắng chính mình chứ nó không có mấy ý nghĩa trong thi đấu. Tôi cũng chỉ tập chơi chứ chưa từng biểu diễn trước công chúng".
Võ sư Đinh Ngọc Huy thực hiện màn công phá bằng cùi chỏ.
Cuối cùng, võ sư Đinh Ngọc Huy thẳng thắn thừa nhận rằng giữa võ thuật biểu diễn và võ thuật thi đấu là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau. Song những nằm gần đây, nhiều võ sư cổ truyền ở Trung Quốc thường đánh đồng giữa võ thuật biểu diễn và võ thuật thi đấu nên đã đánh giá sai về khả năng của bản thân. Điều đó dẫn tới hệ quả tất yếu là nhiều võ sư cổ truyền ở Trung Quốc đã dễ dàng gặp thất bại khi thi đấu trên võ đài.
Võ sư Đinh Ngọc Huy thi triển màn Thiết đầu công.
(Xem thêm các tin tức võ thuật hấp dẫn tại đây)