img

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 1.

Thanh An: Thưa ông, ngay sau thay đổi về cách mô tả dịch bệnh Covid-19 của WHO, Việt Nam đã có những thay đổi gì để ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh?

PGS. TS Trần Đắc Phu

Việt Nam ngay từ thời điểm dịch mới bắt đầu phát sinh đã có những đáp ứng rất đầy đủ trong việc ứng phó với dịch bệnh. Vì vậy mà WHO và các nước đánh giá cao cách làm của chúng ta.

Đầu tiên là sự vào cuộc đồng bộ của tất cả mọi thành phần xã hội. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức phòng, chống dịch. Các bộ ngành, địa phương vào cuộc rất khẩn trương. Mới đây nhất, sau khi Chính phủ báo cáo, Bộ Chính trị đã ra Thông báo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngành y tế tập trung vào dịch đã đành rồi, các ngành như công an, quân đội, truyền thông, ngoại giao… đều xắn tay vào. Tất cả những nội dung công việc mà WHO mong muốn hay khuyến nghị Chính phủ các nước khi tuyên bố đại dịch thì chúng ta đều đã thực hiện từ trước.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), sáng 26/2. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tuy nhiên, phải nói thật là tình hình diễn biến dịch của thế giới đang trở nên quá phức tạp. Nếu như trước kia chỉ có mỗi Trung Quốc là tâm dịch thì sau đã lan sang Hàn Quốc, Iran, Ý, rồi đến Mỹ. Và hiện giờ đã lan rộng ra hơn 192 nước. 

Tình hình phức tạp đó tác động ngay đến Việt Nam. Rõ nhất là xuất hiện những chuyến bay từ Asean, châu Âu, châu Mỹ,… về mang theo mầm bệnh cho những người tiếp xúc trên máy bay, rồi những người Việt Nam tại các cộng đồng. Ví dụ như bệnh nhân ở Trúc Bạch hay bệnh nhân ở Bình Thuận… Lúc này mình mà vẫn giữ cách tiếp cận và đáp ứng như cũ là không được.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 3.

Do đó BCĐ Quốc gia đã phải thường xuyên họp để bàn về những đáp ứng của Việt Nam trong giai đoạn mới. Tần suất họp của BCĐ là cứ 2 ngày 1 lần, nhưng thời gian gần đây phải họp đột xuất nhiều. Thứ bảy chủ nhật tuần trước cũng đều phải làm việc hết. Và đúng nghĩa là làm việc không đêm, không ngày, làm tất cả những việc có thể làm, ngăn chặn và giải quyết những nguy cơ ở giai đoạn 2. Quan điểm của Việt Nam trong giai đoạn mới này là kiên trì với những phương pháp chống dịch đã xây dựng được, nhưng quyết liệt hơn, mạnh hơn và luôn chủ động chuẩn bị cho những tình huống mới.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 4.

Thanh An: Chúng ta hãy nói về những thuận lợi mà đến thời điểm này Việt Nam đang tích lũy được thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu

Thực tế Việt Nam là quốc gia có kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù mỗi bệnh dịch lại có những đặc điểm khác nhau nhưng kinh nghiệm tổ chức và triển khai chống dịch của Việt Nam đã được tích lũy qua rất nhiều cuộc chiến với bệnh tật. Cho nên chúng tôi rất nhạy cảm trước thông tin về dịch bệnh.

Ngay từ đầu các chuyên gia y tế dự phòng của Việt Nam đã PHẢI RẤT ĐỂ Ý về những thông tin dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc. Và chúng tôi nhận thấy rằng, có vẻ như quốc tế đang có sự chủ quan trong quá trình theo dõi bệnh mới. Chắc người ta nghĩ nó chỉ là bệnh nhẹ. Kể cả WHO lúc đầu cũng phát đi thông tin, bệnh này chưa chứng minh được là có thể lây từ người sang người. Họ nghi chỉ lây từ động vật sang người thôi. Từ chỗ đang nghi vấn như thế mà trong có hơn hai tháng nó đã bùng lên và thành đại dịch trên khắp thế giới.

Thêm một kinh nghiệm mà chúng tôi tích lũy được là những dịch bệnh truyền từ động vật sang người có triệu chứng giống cúm, kiểu như SARS thì PHẢI RẤT ĐỂ Ý. Con đường truyền lây bệnh qua đường hô hấp là phải hết sức cẩn trọng. Vì nó là những dạng bệnh rất dễ lây lan mạnh, rất dễ bùng và có thể thành đại dịch.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 5.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, các loại dịch bệnh cứ một thời gian lại bùng lên một đợt. Ta rất ít khi gặp 2 đại dịch xảy ra trong 1 năm. Vài năm rồi loài người chưa đối diện với dịch bệnh. Đó cũng là điều bắt buộc mình PHẢI RẤT ĐỂ Ý.

Bên cạnh đó, tôi nhấn mạnh rằng Việt Nam rất vững vàng với hệ thống y tế công. Rồi sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các cấp, các ngành… rất thuận lợi trong việc huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch. Một số quốc gia khác lại không như thế. Hệ thống y tế của họ vốn được thiết kế phù hợp với điều trị. Và y tế của họ không sát dân.

Thành phần chính của các nền y tế đó là bệnh viện tư nhân, mà tư nhân thì người ta có quyền lựa chọn vào cuộc hay không. Vì tham gia chống dịch nghĩa là họ phải hy sinh rất nhiều quyền lợi cá nhân để phục vụ cộng đồng. Nên dù có vào cuộc thì phản xạ của họ thường chậm hơn so với diễn biến của dịch. Mình từ xưa đến nay lại khác, rất quan tâm xây dựng hệ thống y tế cơ sở vững mạnh… những yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ phòng dịch.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 6.

Thanh An: Tạm quay trở lại với tình hình dịch bệnh trên thế giới. Ông có thể cụ thể hơn ý nghĩa của việc WHO mô tả Covid-19 như là một đại dịch quy mô toàn cầu?

PGS. TS Trần Đắc Phu

WHO khẳng định rằng "việc diễn tả tình hình hiện nay là đại dịch sẽ không thay đổi những đánh giá của WHO đối với mối đe dọa từ virus corona". Thực chất của tuyên bố này là WHO kỳ vọng góp phần làm tăng sự phản ứng của thế giới trong công tác phòng chống dich. "Tất cả quốc gia vẫn có thể làm thay đổi hướng đi của đại dịch này", Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo ngày 11/3 đã nói như vậy.

Theo ông Tedros, thách thức giờ đây không phải là việc các quốc gia có thể thay đổi tiến trình lây lan của virus hay không, mà nằm ở chỗ họ có quyết định hành động hay không. Rõ ràng một số nước đang vật lộn với thảm họa này vì thiếu nguồn lực, nhưng cũng có những quốc gia lại đang vật lộn với sự thiếu quyết tâm. Chỉ cần một vài chính phủ hành động thiếu quyết liệt thôi trong bối cảnh phức tạp như hiện nay cũng có thể khiến cho thành quả của rất nhiều chính phủ khác bị đổi chiều hoặc đổ bể. 

Thanh An: Vậy ông bình luận thế nào về việc ngay cả sau khi WHO gọi là đại dịch thì vẫn có nhiều ý kiến trên thế giới cho rằng Covid-19 chỉ là một loại cúm thôi?

PGS. TS Trần Đắc Phu

Không! Ta không thể gọi dịch bệnh này là cúm được. Nó có những triệu chứng ban đầu có vẻ giống cúm, nhưng bản chất, đây là một loại bệnh mới.

Đặc điểm dễ nhận ra của Covid-19 đó là nó lây lan rất nhanh và rất rộng. Trong bối cảnh giao lưu quốc tế trở thành trào lưu của con người trên khắp thế giới như hiện nay, dịch bệnh đang nhanh chóng được toàn cầu hóa. Đấy tuyệt đối không phải là các dấu hiệu để nhận diện cúm mùa. Mặc dù cúm mùa mỗi năm có thể giết chết hàng mấy chục nghìn người, với mấy chục triệu người mắc cúm nhưng nó không lây lan rộng và có sức bùng phát như Covid-19.

Thứ hai là tỷ lệ tử vong của dịch bệnh này nếu không kiểm soát tốt nó sẽ tăng cao đến mức khó lường. Ở những tâm dịch như Vũ Hán, Ý hay Iran số lượng người chết luôn phá kỷ lục theo từng ngày. Đặc điểm này càng không phải cúm.

Thanh An: Vậy việc một vài quốc gia đang sử dụng khái niệm tạo miễn dịch cộng đồng để ứng phó với dịch bệnh này liệu có phát huy được hiệu quả thưa ông?

PGS. TS Trần Đắc Phu

Sự nguy hiểm của dịch bệnh này là lây nhiễm mạnh. Nó lây rất nhanh, và tạo ra số ca mắc rất lớn trong một thời gian rất ngắn. Số mắc khổng lồ này sẽ gây ra hệ lụy quá tải thậm chí là đánh sập năng lực đáp ứng của tất cả các hệ thống y tế, từ đó dẫn tới số lượng tử vong rất cao.

Tôi nghĩ những lập luận cho rằng tỷ lệ chết của Covid-19 thua SARS, rồi chết chủ yếu rơi vào đối tượng người già, người có bệnh lý nền... là những lập luận nhằm đánh lạc hướng một sự thật, đó là số người chết do dịch bệnh này gây ra đã vượt qua SARS nhiều lần. Và nó vẫn đang giữ nguyên xu hướng tăng. Ta phải hiểu rằng khi số lượng người mắc bệnh quá cao thì tỷ lệ chết sẽ là không kiểm soát được. Ta cứ để cho cộng đồng có số mắc tăng nhanh như vậy, để cho số người chết tăng nhiều như vậy được sao?

Tôi đồng ý rằng khi số người mắc đạt mức cao đỉnh điểm trong một cộng đồng thì cộng đồng đó có thể có miễn dịch. Nhưng trả giá cho miễn dịch cộng đồng tự nhiên như thế này là một sự đánh đổi phi lý thậm chí là phi nhân tính. Đầu tiên là đánh đổi mạng người.

Những điều này ngược lại với tiêu chí tối quan trọng để thành công trong chống dịch là giảm tỷ lệ mắc và giảm tỷ lệ tử vong. Cho nên như một bài toán bắc cầu, chúng ta cần phải làm từ tâm dịch trong lúc này là giảm được tỷ lệ tử vong bằng cách giảm giảm tỷ lệ mắc. Muốn giảm tỷ lệ mắc mà lại thả lỏng người nhiễm bệnh là không thể giảm nổi được.

Điểm thứ hai, bệnh này cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào rõ ràng về miễn dịch và khả năng miễn dịch cộng đồng của nó như thế nào. Con đường mà loài người biết để tạo ra miễn dịch cộng đồng một cách chủ động là vắc xin thôi. Với dịch bệnh này, chúng ta chưa có được vacxin. Cho nên tôi cho rằng quan điểm đó là hết sức sai lầm.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 8.
Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 9.

Thanh An: Tôi yên tâm hơn khi được trao đổi với ông. Trước khi trò chuyện với ông, tôi cũng như rất nhiều người đang băn khoăn về năng lực phòng và chống dịch của Việt Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Ta phải khẳng định rằng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế của Việt Nam thực chất không bằng được rất nhiều nước phát triển trên thế giới. Mình phải nói thật như vậy. Mỹ, Ý, Hàn Quốc đều có nền y tế đầy tiềm lực. Kể cả Trung Quốc, đất nước này có thể xây bệnh viện dã chiến chỉ trong mấy ngày… Chúng ta có thể thấy năng lực của họ là kinh khủng.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 10.

Vì biết lượng sức mình nên ngay từ đầu, Việt Nam đã chọn những giải pháp chống dịch đường dài phù hợp. Phát hiện ngăn chặn sớm, cách ly khoanh vùng, điều trị tại chỗ, dập dịch không cho bùng lên và lan rộng… là những chiến thuật rất đặc biệt của Việt Nam.

Quan trọng nhất, Việt Nam đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc ngay. Tiếp nữa là mình rất cầu thị tham khảo học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác, qua việc quan sát, thu thập thông tin phòng dịch trên thế giới mà rút được nhiều kinh nghiệm cho mình.

Cho nên lúc dịch trên thế giới bùng lớn thì mình có được sự tự tin. Mình tự tin về cách làm vừa qua của mình là đúng. Mình không phải mất thời gian mày mò tìm đường đi nước bước nữa. Phương pháp của mình đã đúng đắn thì bây giờ mình cứ kiên định tiếp tục mà làm. Chỉ có điều liều lượng của các giải pháp phải tăng mạnh, quyết liệt hơn tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi một giai đoạn. Đấy là những tiền đề cho Việt Nam bước vào giai đoạn mới chủ động hơn.

Thanh An: Giai đoạn 2 có những vấn đề gì cần lưu ý thưa ông?

PGS. TS Trần Đắc Phu

Giai đoạn 2 là giai đoạn mà gần như toàn thế giới đã báo cáo ca bệnh, lúc này Việt Nam phải làm sao để có thể ngăn dịch trên toàn thế giới xâm nhập vào.

Tình hình lúc này sẽ khiến số lượng ca bệnh tại Việt Nam thay đổi thường xuyên. Cho nên bây giờ mình phải chuẩn bị cho những kịch bản mới. Là kịch bản về những ca bệnh có khả năng lây lan trong cộng đồng rất phức tạp. Đáp ứng lại của hoạt động phòng, chống dịch sẽ phải như thế nào?

Mình phải chuẩn bị cho quá trình tìm và phát hiện nhanh chóng trên quy mô toàn quốc. Việc cách ly cũng phải tăng cường lên. Rồi các giải pháp ngăn chặn cũng phải đầy đủ hơn. Đặc biệt là phải chuẩn bị hệ thống bệnh viện sẵn sàng thu dung bệnh nhân, cố gắng giải quyết 4 tại chỗ. Tại đó phải đảm bảo chỉ có những ca nặng mới lên tuyến cao hơn còn ca nhẹ thì điều trị tại chỗ.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 11.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cả nước giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc". Ảnh: VGP

Và quan trọng nhất là Việt Nam phải có kịch bản cho tất cả các tình huống. Trước đây chúng ta hoàn thiện 4 kịch bản ứng phó với dịch. Tuy nhiên, trước những diễn biến cấp bách của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý cả nước phải luôn vững tinh thần "chống dịch như chống giặc". Trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 12.

Thanh An: Đi cụ thể vào những vấn đề chuyên môn, có nhiều quốc gia đang thực hiện chính sách khuyến nghị trường hợp dương tính tự cách ly ở nhà, có dấu hiệu tăng nặng mới được tiếp nhận điều trị y tế. Rõ ràng khi dương tính họ đã là người bệnh, vậy khuyến nghị đó ổn không thưa ông?

PGS. TS Trần Đắc Phu: 

Quan điểm nhất quán của Việt Nam, đã dương tính là không để ở nhà, phải cách ly, và là cách ly tập trung. Để ở nhà chính là một cách tạo nguồn bệnh cực kỳ nguy hiểm, chắc chắn lại gây lây lan ra cho gia đình, cho cộng đồng, cho người nọ người kia. Nguy cơ không kiểm soát được là rất lớn. Bình Thuận là một ví dụ điển hình.

Bên cạnh đó, đúng là hiện nay mình đang có điều kiện, các bệnh viện chưa có bệnh nhân cho nên chúng ta quyết định dương tính đưa vào bệnh viện điều trị cách ly cho triệt để. Nhưng đến khi dịch bệnh bùng phát nhiều quá thì phải cách ly tập trung thôi. Ca bệnh nào có triệu chứng mới cho vào bệnh viện.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 13.

Công tác đón người từ vùng dịch về nước tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phong Sơn

Thanh An: Vậy liệu ngân sách có thể chịu đựng bao lâu khi chúng ta thực hiện chính sách điều trị miễn phí, cách ly tập trung miễn phí như hiện nay thưa ông?

PGS. TS Trần Đắc Phu

Những nội dung mà chúng ta đang thực hiện đã được đưa vào luật rồi. Tất cả các hoạt động như điều trị, xét nghiệm, cách ly tập trung… đều được luật quy định miễn phí, chúng ta đang làm theo luật mà thôi. Và chúng tôi cho rằng Việt Nam làm được.

Trên thực tế, ngay từ đầu mình đã huy động các nguồn lực cần thiết của xã hội. Bạn biết đấy, hoạt động cách ly tập trung là Thủ tướng giao chính cho quân đội đảm nhiệm, y tế phụ trách chuyên môn. Nhận được nhiệm vụ quân đội rất sẵn sàng. Và họ huy động lực lượng mạnh đấy. Quân đội thì chúng ta có phải trả thêm lương hay gì cho người ta đâu, người ta vẫn hoàn thành nghiêm túc nhiệm vụ được giao. Thế rồi, chế độ ăn cho các đối tượng cách ly cũng được họ đảm bảo như quân nhân. Có nghĩa là đến thời điểm này, chúng ta vẫn đảm bảo được tình hình.

Thêm nữa Việt Nam là một quốc gia rất đặc biệt, tinh thần tương thân tương ái được chúng ta nuôi dưỡng rất bền chặt trong xã hội. Cho nên có bất kỳ khó khăn nào, các thành phần trong xã hội cũng sẽ luôn sẵn sàng chung tay, chung sức cùng Chính phủ. Câu chuyện huy động nguồn lực cả xã hội hay xã hội hóa là rất khả dĩ. Đã có những đề xuất về việc huy động nguồn lực xã hội, hay có những khu cách ly tập trung theo nhu cầu và thu phí dịch vụ… Tất cả đều được nghiên cứu rất kỹ và có phương án phù hợp với diễn biến thực tế. Sau này dù có cách ly đông thế nào, điều trị nhiều ra sao thì chúng ta cũng sẽ chỉ điều chỉnh cho hợp lý hơn, chứ theo tiêu chuẩn luật quy định thì không thu tiền của dân.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 14.
Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 15.

Thanh An: Trong quá trình thực hiện, có bao giờ chúng ta lo sợ vỡ trận không thưa ông?

PGS. TS Trần Đắc Phu

Việt Nam cố gắng không vỡ trận.

Vất vả và khó khăn còn nhiều nhưng đấy là một phần tất yếu của phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng đã nói "cần chống lại các tư tưởng buông xuôi". Lúc này mà buông xuôi là hỏng hết. Chúng ta cần quyết tâm cao hơn nữa trong những lúc rất căng thẳng này. Nhất là trong tháng 3, tháng 4. Căng thẳng tại sao? Vì tình hình dịch bệnh cứ bị đẩy lên ngày một phức tạp. Sự phức tạp này là của thế giới mang lại chứ chúng ta không tự tạo nên phức tạp.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 16.

Ngay cả vấn đề ngoại giao hay kinh tế, tình hình đến mức nào chúng ta ứng xử đến mức đó, không để hệ lụy đến kinh tế, chính trị, an sinh của người dân một cách đáng tiếc. Như vậy chúng ta vừa không được chủ quan nhưng cũng phải rất khôn ngoan. Chính sách của Việt Nam luôn cân nhắc để giải quyết tốt tình hình thực tế trong nước và cả bối cảnh quốc tế. Kết quả là người dân rất ủng hộ Chính phủ. Đó là lợi thế mà chúng ta nên rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới.

Chúng tôi nhận định Việt Nam không tồn tại nguy cơ vỡ trận như Vũ Hán (Trung Quốc), Hàn Quốc, Iran hay Ý… Thực tế, mình sẽ có những vùng, những ổ dịch cộng đồng và kiểm soát, điều trị dập dịch theo từng ổ đó. Chúng ta không để cho một ổ dịch nào có thể lan rộng ra quá lớn như là Vũ Hán. Bởi vì Việt Nam đã có chuẩn bị từ trước rồi. Và các giải pháp hiện nay đang rất quyết liệt.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 17.

Thanh An: Có những điểm gì chúng ta chưa hài lòng hay cần phải thay đổi trong các biện pháp phòng chống dịch cho đến nay?

PGS. TS Trần Đắc Phu

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 18.

Có lẽ điều không hay nhất chính là sự xuất hiện của những thông tin sai sự thật trên các mạng xã hội, gây hoang mang cho cộng đồng. Đã có những đợt truyền tin nhau rằng Hà Nội phun hóa chất trong đêm. Hoặc gần đây là trào lưu tích trữ quá mức, mua sắm ồ ạt, trong khi thị trường vẫn đầy đủ nguồn cung. Rồi xây dựng hình ảnh cô bệnh nhân với dây chuyền chằng chịt khắp người… nhưng thực tế có phải vậy đâu. Đấy là đăng tin giả mạo chứ không phải đăng sai. Người ta cố tình xây dựng nên những tin giả mạo đầy mục đích phá hoại.

Vấn đề nữa là một số người không chấp hành việc cách ly, việc khai báo y tế. Với bệnh dịch nguy hiểm như thế này, cả đất nước vào cuộc mà tại sao mình lại thế? Không phải người đấy kiến thức kém. Tôi cho rằng họ có kiến thức nhưng ý thức kém.

Rồi chúng ta cũng thấy dấu hiệu không tử tế thậm chí là vi phạm pháp luật khi lợi dụng dịch để tích trữ khẩu trang, làm khẩu trang giả, làm nước sát khuẩn giả… Những việc đó các bạn hình dung tổn hại đến sức khỏe người dân khủng khiếp như thế nào?

Trong lúc này chúng ta thực sự phải hiểu biết, đoàn kết, và làm đúng những khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn. Tôi nói ví dụ như vấn đề vệ sinh chẳng hạn. Vệ sinh khử khuẩn là hành vi rất quan trọng để bảo vệ chính chúng ta. Vì việc lây là do tiếp xúc gần, lây do bàn tay… thế mà ta chưa thực hiện triệt để lại cứ ào ào đi mua khẩu trang. Giữ bàn tay luôn sạch sẽ cần phải thành thói quen. Tôi hy vọng sau vụ dịch này, ý thức của người dân Việt Nam về vệ sinh sẽ được nâng lên. Có nghĩa là cả kiến thức và ý thức của người dân Việt Nam sẽ phải được nâng cao hơn.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 19.

Thanh An: Trong bối cảnh hiện nay, đang xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng người từ nước ngoài về Việt Nam, rồi từ các thành phố lớn về các vùng quê với mục đích tránh dịch. Theo ông, hành động đó có khôn ngoan?

PGS. TS Trần Đắc Phu

Mỗi một quyết định di chuyển đều có lý do riêng, chung hết cả. Nó phải do chính cá nhân hay gia đình đó tự quyết định, và tự chịu trách nhiệm cho quyết định đó. Trên phương diện phòng, chống dịch bệnh tôi cho rằng không nên di chuyển. Bởi vì khác với chiến tranh hay thiên tai, chúng ta phải chạy trốn. Với dịch bệnh, các bạn biết đấy, đi lại, di chuyển là quá trình tạo ra rất nhiều rủi ro lây nhiễm. Cho nên thời điểm này khôn ngoan nhất là ở đâu nên ở đó.

Cũng phải nói rất thật, trong bối cảnh này sự di chuyển là không hề có lợi cho công tác kiểm soát dịch bệnh, thậm chí còn có thể phá hỏng nhiều nỗ lực phòng dịch của cả một địa phương. Bởi vì dù bản thân bạn chưa mắc bệnh nhưng di chuyển và tiếp xúc với rất nhiều người trong không gian khép kín của máy bay, ô tô… vô tình có thể khiến bạn bị lây nhiễm. Thứ hai, giả sử bạn là đối tượng nghi nhiễm đang ủ bệnh, lại di chuyển sang vùng khác, lúc này bạn trở thành nguồn phát tán bệnh cho rất nhiều người. Rồi từ đó mà lây cho dân chúng của Việt Nam.

Tôi muốn lưu ý các bạn thế này, khi chưa xảy ra dịch trong cộng đồng bạn đang ở thì biện pháp phòng dịch quan trọng nhất là giữ vệ sinh sạch sẽ. Phải thường xuyên vệ sinh cầu thang máy, tay nắm cửa… những điểm đó hết sức quan trọng. Còn khi đã ở trong khu vực cách ly do dịch bệnh rồi, các bạn phải ổn định tâm lý. Một trong những yếu tố chúng tôi quan tâm nhất khi xây dựng quy trình cách ly khu dân cư là phải có nhiều giải pháp ổn định tâm lý cho cộng đồng.

Chúng ta nghèo hơn Mỹ, Nhật, Hàn nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có chiến thuật đặc biệt - Ảnh 20.

Khu dân cư bị khoanh vùng không có nghĩa là người dân không được bước ra khỏi cửa. Chỉ cần chúng ta giữ vững các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm thì người dân vẫn được thực hiện một số hoạt động thiết yếu của cuộc sống. Các bạn phải nhớ rằng bệnh này lây từ 3 con đường. Thứ nhất do tiếp xúc gần trong khoảng cách 2m. Thứ hai là trong phòng kín. Thứ ba là những giọt bắn. Chúng ta cứ nắm vững những nguyên tắc lây nhiễm ấy để phòng tránh.

Thanh An: Xin cảm ơn ông vì những khuyến cáo quan trọng này, và cả vì những nỗ lực mà ông cùng các đồng nghiệp đang đóng góp cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19!

Thanh An
Đỗ Linh, Phong Sơn, Quang Hiếu, Đình Nam, Tuấn Mark
Hoàng Hải, Reuters, Xinhua
Bạch Quả
Theo Trí Thức Trẻ24/03/2020