Tối 18/5 vừa rồi tại Trung Quốc diễn ra giải đấu võ cổ truyền với hiện đại, trong đó có các cặp đấu nổi bật như Từ Hiểu Đông vs Lữ Cương, Điền Dã vs Trương Long. Nếu như Từ Hiểu Đông nặng gần 90 kg, thì Lữ Cương chỉ nặng khoảng 50 kg. Còn Điền Dã đã 54 tuổi nhưng được cho đấu với Trương Long 39 tuổi.
Đấy là những cặp đấu hết sức bất thường, không phù hợp và dĩ nhiên những người có ưu thế về cân nặng hoặc tuổi tác như Từ Hiểu Đông, Trương Long đã dễ dàng chiến thắng.
Nhận xét về giải đấu tại Trung Quốc, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam - Hoàng Vĩnh Giang cho biết:
"Chúng ta có thể nhìn giải đấu tại Trung Quốc theo 2 khía cạnh. Về khía cạnh thể thao, tôi với tư cách là người phụ trách võ cổ truyền Việt Nam khẳng định chúng ta sẽ không bao giờ có những giải đấu như thế.
Một giải đấu đầu tiên là phải có quy định về tuổi tác, thứ hai là các quy định về hạng cân, cần tương đồng. Việt Nam có quy định từ 18 - 35 tuổi là được đấu thôi, trên đó là không được.
Võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông đánh bại võ sư Vịnh Xuân Lữ Cương sau 47 giây
Tất nhiên ở Việt Nam như thế, còn ở khía cạnh thực tế, trên thế giới thì từ xưa đến nay có tồn tại hình thức đả lôi đài. Ngày xưa ở miền Nam có những võ đài mà bên cạnh để quan tài, gọi là sinh tử trạng. Có những cái không được nhân văn lắm nhưng lại hấp dẫn, bán vé được tiền.
Tôi không nắm được giải bên Trung Quốc do ai tổ chức nhưng tin chắc các Liên đoàn chính thống của họ không bao giờ đứng ra. Có thể một nhà tài trợ nào đấy lách luật đưa giải này lên. Bây giờ không có gì giấu được mạng internet, họ tổ chức thì sẽ được đưa lên rầm rộ. Chứ các Liên đoàn chính thống của Trung Quốc không bao giờ tổ chức như vậy đâu.
Người ta làm như thế chắc chắn là có yếu tố của đồng tiền vì nó không công bằng. Về võ thuật mà nói, Phương Trượng Thiếu Lâm chẳng hạn, có khi 70, 80 tuổi rồi vẫn được cho là người võ cao nhất. Nhưng thực ra không phải thế, chỉ như vậy trong truyện Kim Dung thôi.
Thực tế, ông trời chẳng cho sức khỏe với những người cao tuổi đâu. Có tập luyện thì cũng chỉ khỏe hơn người cùng tuổi thôi chứ làm sao so sánh với thanh niên được".
Trận đấu giữa võ sĩ Taekwondo và cao thủ võ cổ truyền Trung Quốc
Đứng ở quan điểm của một người nhiều năm làm công tác tổ chức, Chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang cho rằng các giải đấu như ở Trung Quốc không công bằng nhưng thực tế vẫn diễn ra. Vấn đề lớn nhất ở thể loại thi đấu không phân hạng này là thiếu sự đảm bảo cho sinh mạng của võ sĩ nhưng bù lại rất hấp dẫn người xem. Ông cũng đưa ra một phương hướng để có thể tổ chức các giải đấu không phân hạng như vậy:
"Các giải này thì đương nhiên có yếu tố giải trí, bán được vé. Các môn phái đều sẽ không tổ chức các giải thiếu công bằng vậy đâu. Nhưng tất nhiên cũng không phải là không thể tổ chức. Có thể tổ chức cho các nhà vô địch tuyệt đối ở mọi lứa tuổi, ai tham gia được thì tham gia, không được thì đừng lên đài.
Ví dụ ở Nhật Bản có môn phái Kyokushin Karate do một võ sư rất giỏi người Triều Tiên (Oyama Masutatsu) sang xứ Mặt trời mọc thành lập. Họ có kiểu "đánh nhau tuyệt đối", không phân biệt hạng cân, lứa tuổi. Karate cũng có nhiều môn phái như thế.
Nhưng tôi không cho rằng như thế là hay. Ngay cả Kick-boxing cũng phân hạng cân rõ ràng, rồi Full Contact, Semi Contact, Light Contact các thứ... đều rất chú trọng đến sinh mạng con người. Các kiểu đánh không phân chia là không chú ý tới sinh mạng của VĐV thi đấu".