Khi ông Troussier đã thất bại nặng nề và phải trả giá bằng chính công việc của mình, ít người còn nghĩ đến khó khăn mang tính khách quan mà HLV này gặp phải. chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam đã qua đi.
Ông Troussier nhận nhiệm vụ khi đội tuyển Việt Nam đang bước từ đỉnh cao xuống con dốc dài. chu kỳ thành công của nền bóng đá sẽ quyết định rất nhiều đến điều kiện làm việc của một HLV trưởng đội tuyển quốc gia.
chu kỳ thành công sẽ kéo dài bao lâu?
" Nếu xét trên bình diện V.League, đội bóng có chu kỳ thành công dài nhất từ trước đến nay chắc chắn là câu lạc bộ Hà Nội. Mạch chiến thắng của họ chỉ bị ngắt quãng trong 1-2 năm. Dưới thời huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm, đội bóng này trở thành những người khó bị đánh bại nhất.
Còn ở đội tuyển quốc gia Việt Nam, tôi đánh giá rằng ông Park Hang Seo duy trì được thành tích tốt trong thời gian dài. Một chu kỳ thành công của câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia sẽ kéo dài từ 3-5 năm. Sẽ có những trường hợp đặc biệt thành công duy trì trong thời gian dài, nhưng có không phải mẫu số chung để tham khả o", Giám đốc kĩ thuật Hoàng Thanh Tùng của CLB Thanh Hóa trả lời VTC News.
Đội tuyển Việt Nam bắt đầu giai đoạn vàng son bậc nhất trong lịch sử từ năm 2018. Nhiều người cho rằng thành công kết thúc khi ông Park Hang Seo không gia hạn hợp đồng với VFF. Nhưng, dấu hiệu sa sút của đội tuyển quốc gia bắt đầu ngay khi nhà cầm quân này vẫn còn tại vị. Đội tuyển Việt Nam đạt giới hạn khi vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022.
Ngay ở AFF Cup, đội tuyển Việt Nam của ông Park cũng để thua đội tuyển Thái Lan trong 2 kì liên tiếp. Năm 2022, nhà cầm quân người Hàn Quốc vướng không ít chỉ trích bởi lối chơi nhàm chán của đội tuyển Việt Nam. Áp lực xuất phát từ việc thầy trò HLV Park Hang Seo không còn giành chiến thắng nữa, thay vào đó là nhiều thất bại. Đối thủ trong năm 2022 đa phần rất mạnh, nhưng về cơ bản, đội tuyển Việt Nam không tốt hơn được nữa.
Chu kỳ thành công rực rỡ nhất của đội tuyển Việt Nam chính xác kéo dài 4 năm. Trong lịch sử, có một giai đoạn thành công khác đáng chú ý của VFF là 2007-2009. Đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng bảng Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008 với HLV Riedl và sau đó là Calisto. Giai đoạn này kéo dài 3 năm.
Điểm chung của các giai đoạn thành công nói trên là đội tuyển Việt Nam có từ 2-3 lứa cầu thủ có chất lượng tương đương nhau. Điều này tạo nên một tập thể vừa có sức trẻ, vừa có kinh nghiệm thi đấu và cung cấp cho các HLV ngoại đủ nguyên liệu để tạo nên một khối thống nhất.
Đâu là "điểm vàng" giúp đội tuyển Việt Nam thành công?
Trước câu hỏi về điều gì làm nên một chu kỳ thành công, ông Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm: " Với bóng đá Việt Nam, thời điểm thành công nhất đến khi công tác đào tạo trẻ của các đội bóng đạt hiệu quả, cho ra lò nhiều lứa cầu thủ tốt. Năm 2018 là lúc cầu thủ HAGL và Hà Nội FC đều đạt độ chín trong sự nghiệp. Các lò khác như Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa hay PVF, Thể Công Viettel đều cung cấp được nhiều phương án bổ sung ".
Như vậy, rõ ràng để một HLV trưởng có thể thành công, đội tuyển Việt Nam vẫn cần một nền móng vững chắc từ V.League, nơi mỗi đội bóng, mỗi cầu thủ là những tế bào quan trọng.
HLV Troussier rõ ràng có thể làm tốt hơn những gì vừa diễn ra. Tuy nhiên, để nói nhà cầm quân người Pháp có thể thành công sẽ là câu chuyện viển vông. Điều thực tế nhất mà VFF có thể nghĩ tới khi đồng hành cùng ông Troussier là nền móng cho giấc mơ World Cup.
Khi một loạt ngôi sao như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu sa sút vì chấn thương hoặc phong độ không đạt đỉnh, đội tuyển Việt Nam lập tức suy yếu. Dư luận muốn ông Park thay thế nhân sự, ông từ chối làm việc này.
Đến khi HLV Troussier mạnh tay xáo trộn lực lượng, tất cả mới nhận ra rằng bóng đá Việt Nam hiện đang thiếu trầm trọng lứa cầu thủ kế cận. Muốn chu kỳ thành công trở lại, cần có nhiều cầu tốt sẵn sàng thay thế đàn anh. Kết thúc một chu kỳ thành công là giai đoạn xây dựng và phát triển lại đội tuyển.
Vấn đề của bóng đá Việt Nam là thời gian "hụt hơi" và trở lại kéo dài quá lâu vì nhiều lý do khác nhau. Hiện nay, V.League ngày càng chuyên nghiệp hơn nhưng có nhiều vấn đề khó giải quyết, đã vượt qua tầm quản lý của VFF hay VPF.
Nhìn sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan là quốc gia có sự thay máu lực lượng tốt nhất. Đây là lý do khiến chu kỳ thành công của họ trở lại nhanh chóng hơn đối thủ. Không chỉ có cầu thủ trẻ trong nước, cầu thủ Thái kiều cũng có thể cung cấp nguồn lực dồi dào. Thai League đủ tiềm lực để trau dồi và cung cấp cho đội tuyển quốc gia các HLV tốt như Ishii Masatada, Alexandre Polking hay Kiatisak.
Khi đã nhìn rõ nội tại của mình, VFF có lẽ nên đưa ra một định hướng, mục tiêu phù hợp hơn với người kế nhiệm HLV Troussier. Thay vì nhắc quá nhiều đến World Cup, hãy cứ hài lòng với việc đưa đội tuyển Việt Nam ra khỏi vũng lầy. Một HLV không thể gồng gánh, thay đổi cà nền bóng đá. Sự tích lũy, xây dựng nền móng, hướng tới tương lai là mục tiêu quan trọng nhất lúc này.