Luật cho phép Oman đá phạt góc theo kiểu "ruồi bu"?
Luật 12: "Lỗi và hành vi khiếm nhã" trong bộ luật của Hội đồng bóng đá quốc tế (IFAB) không có nội dung nào coi đứng vây quanh, áp sát, che chắn thủ môn đối phương trong tình huống phạt góc là lỗi.
Khoản 17 trong bộ luật mới nhất, áp dụng cho mùa giải 2021/22 cũng của IFAB quy định: "Nếu đội tấn công có bất kỳ vi phạm nào khác, quả phạt góc cần phải được thực hiện lại".
IFAB không quy định rõ "vi phạm khác" có nghĩa là những tình huống như thế nào và cách đá phạt góc theo kiểu "ruồi bu" như Oman có bị xếp vào diện "vi phạm" hay không.
Oman nỗ lực tận dụng lỗ hổng của bộ luật
Như vậy, có thể khẳng định phần luật liên quan đến các quả phạt góc không được IFAB quy định một cách thực sự cụ thể, rõ ràng và rành mạch. Có lẽ, ban huấn luyện Oman hiểu rõ họ được phép thi triển chiến thuật "ruồi bu" và yêu cầu các cầu thủ tập đi tập lại.
Thực tế, Oman đã tập luyện rất kỹ và chuẩn bị một cách công phu cho kịch bản phạt góc này. Trong trận đấu hôm 7/9 gặp Saudi Arabia, các học trò của HLV Branko Ivankovic từng 2 lần đưa bóng chạm xà ngang khi đá phạt góc theo kiểu "ruồi bu".
Tới trận gặp Việt Nam, thủ thành Nguyễn Văn Toản hoàn toàn bất lực và không thể làm gì khác khi tầm hoạt động cũng như khả năng bay người, bật nhảy, đấm bóng của anh bị hạn chế tối đa. Người gác đền mang áo số 12 không biết phải xử trí thế nào khi trước mặt anh có quá nhiều cầu thủ, cản trở anh xử lý bóng. Khi các hậu vệ của ĐT Việt Nam cố đẩy đối thủ ra xa thì bị trọng tài nhắc nhở.
Điểm yếu duy nhất của kiểu đá phạt góc này là nó đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Nhưng Oman lại có một nhân tố như vậy, đó chính là Mohsin Al Khaldi - người khiến Văn Toản phải vào lưới nhặt bóng. Ngôi sao mang áo số 10 sở hữu cái lòng trong chân trái đủ "ngọt" và khéo léo để tạo ra một đường cong từ vị trí đá phạt góc đến khung thành của tuyển Việt Nam.